Đại biểu Phạm Văn Màu đặt vấn đề về việc tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 2021. Lò đốt rác này đã hoàn thành và đưa vào hoạt động thử nghiệm nhưng không đạt yêu cầu. "Vậy vì sao và khi nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào hoạt động?", ông Màu chất vấn.
Ông Hồ Văn Dũng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang - đã có văn bản trả lời các đại biểu xung quanh các vấn đề "nóng" của ngành y tế.
Về xử lý chất thải, Kiên Giang đang xử lý theo 3 quy mô: Xử lý chất thải rắn nguy hại tập trung (tập trung rác và xử lý tại lò đốt Plasma); Xử lý chất thải rắn nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế và xử lý chất thải rắn nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế đối với cơ sở khó khăn trong vấn đề vận chuyển xử lý tập trung.
"Hiện nay ngành y tế chưa xử lý rác thải y tế được theo quy mô tập trung cả tỉnh do lò đốt Plasma chưa thể đưa vào vận hành chính thức, vì cần phải thử nghiệm đánh giá trước khi vận hành chính thức.
Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường để sớm hoàn thiện các điều kiện đưa lò đốt rác Plasma đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể", văn bản nêu.
Trong văn bản trả lời đại biểu Trinh, ông Hồ Văn Dũng khẳng định: "Việc để xảy ra sự cố ngoài mong muốn như báo chí đã nêu và làm ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh khu vực lò đốt rác, Sở Y tế chia sẻ với người dân và nhận một phần trách nhiệm, đồng thời đã nghiên cứu phương án sớm khắc phục tình trạng trên.
Sở Y tế cũng đã cho dừng ngay việc đốt rác, cho lưu giữ rác còn lại (chưa đốt) theo đúng quy định và trình UBND tỉnh cho đấu thầu xử lý rác trong tình huống khẩn cấp. Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thành lập tổ kiểm tra giám sát các nội dung xử lý rác thải tại khu vực lò đốt rác Plasma theo chỉ đạo của UBND tỉnh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận