27/08/2024 21:25 GMT+7

Lộ diện những ‘đại gia’ bất động sản tầm cỡ nắm vốn ngân hàng

Nhiều ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn. Không ít trong danh sách này là các doanh nghiệp bất động sản có tiếng hoặc nằm trong hệ sinh thái đa ngành có bất động sản...

Lộ diện những ‘đại gia’ bất động sản tầm cỡ nắm vốn ngân hàng - Ảnh 1.

Khái niệm "người có liên quan" cổ đông ngân hàng được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các ngân hàng tiếp tục công bố danh sách cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ và người có liên quan theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Công khai cổ đông nắm từ 1% vốn ngân hàng

Ngân hàng An Bình (ABBank) vừa công bố danh sách gồm 19 cổ đông (16 cá nhân và 3 tổ chức) nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên. 

Ông Vũ Văn Tiền - phó chủ tịch ABBank, đồng thời là lãnh đạo có tên tuổi gắn liền với nhà băng này - không có tên trong danh sách.

Song hai doanh nghiệp liên quan ông Tiền nắm trực tiếp 17,21% cổ phần ngân hàng này. Trong đó, Tập đoàn Geleximco - doanh nghiệp bất động sản do ông Tiền làm chủ tịch HĐQT - nắm 12,78% vốn. Chưa kể, tỉ lệ sở hữu cổ phần người liên quan tập đoàn này tại ngân hàng nắm 4,65%.

Công ty cổ phần Glexhomes - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Geleximco - cũng nắm 4,43% vốn ABBank. Cổ đông tổ chức còn lại là Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm giữ 16,39% vốn.

Trong danh sách cổ đông cá nhân, còn có một số người liên quan ông Tiền như ông Vũ Văn Hậu (em ruột). Ông Hậu nắm 1,96% vốn nhưng người liên quan sở hữu 15,45%.

Cập nhật mới đây, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng công khai 9 cổ đông lớn nắm từ 1% vốn. Lớn nhất là VNPT với 6,05% vốn.

Còn lại một số cổ đông tổ chức liên quan đến ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản).

Trong đó, Công ty CP ROX Key Holdings sở hữu 2,43% vốn MSB và người liên quan gần 1%. Tiếp đến, Công ty CP đầu tư và cho thuê tài sản TNL sở hữu 1,08% vốn ngân hàng và người liên quan 1,87% vốn; còn Công ty CP đầu tư xây dựng ROX Cons nắm 1,87%.

Danh sách còn một số doanh nghiệp khác nắm vốn MSB như: Công ty TNHH khu nghỉ dưỡng Bãi Dài (4,96%); Công ty TNHH Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội (4,97%); Công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư (4,98%), Công ty CP đầu tư Ricohomes (2,64%)...

Tại HDBank, Công ty CP Sovico (Sovico Holdings) nắm hơn 417,7 triệu cổ phần, tương ứng 14,27% vốn điều lệ. Đây cũng là cổ đông duy nhất nắm trên 5% vốn theo công bố của HDBank.

Sovico nằm trong hệ sinh thái Sovico Group của nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Doanh nghiệp này đầu tư đa ngành, từ bất động sản đến hàng không, tài chính ngân hàng…

Trong khi đó, OCB còn có danh sách 19 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Ngoài 3 cổ đông ngoại là Aozora Bank (15%), Portal Global Limited (3%) và Pyn Elite Fund (2,4%), 16 cá nhân và doanh nghiệp trong nước còn lại nắm giữ hơn 60% vốn điều lệ.

Với nhóm cổ đông cá nhân, ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch OCB, cùng người có liên quan đã nắm gần 20% vốn. Ở nhóm tổ chức, có Công ty CP đầu tư Bình An House (4,7%), Greenwave Capital (4,4%), Đầu tư HVR (3,85%), Công ty CP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh (3,24%), Năng lượng tái tạo Hve (3,14%), Next Green Capital (2,89%), Công ty TNHH đầu tư TQA (1,13%)…

Nhiều ngân hàng đến nay vẫn chưa công bố. Số doanh nghiệp bất động sản nắm vốn ngân hàng sắp tới có thể sẽ được cập nhật thêm.

Ngoài bất động sản, các ngân hàng còn hấp dẫn nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm, doanh nghiệp bán lẻ… Như Prudential Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ này sở hữu cổ phần ít nhất tại 3 ngân hàng (MBB, Vietinbank, ACB)… Hay như Tập đoàn Masan và người liên quan cũng nắm hơn 15% vốn tại Techcombank.

Vì sao cần công khai?

Trước 1-7-2024, việc công khai thông tin chỉ áp dụng với cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn. Tuy nhiên, để chống thao túng ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa ra quy định mới chặt chẽ hơn.

Việc công khai thông tin cổ đông từ 1% vốn được đánh giá như giải pháp hỗ trợ các cơ quan liên quan giám sát, thanh kiểm tra để đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng. 

Ông Phan Duy Hưng, CFA, giám đốc chuyên gia phân tích cao cấp Visrating, cho biết rủi ro quản trị có thể phát sinh khi các cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng và trong các tập đoàn có thể chi phối hoạt động ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân.

Một vài dẫn chứng được đưa ra như SCB gần đây hay Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Toàn Cầu (GP Bank) vào năm 2015.

"Hoạt động của ngân hàng bị chi phối bởi một số ít cổ đông, và các ngân hàng tăng mạnh tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản và các dự án liên quan tới các cổ đông này.

Do sự suy giảm năng lực tài chính của các doanh nghiệp liên quan và dự án của họ, ngân hàng đã phải gánh chịu nợ xấu tăng mạnh và thua lỗ kéo dài, cuối cùng dẫn tới việc mất thanh toán", chuyên gia Visrating nhắc lại bài học.

Còn theo chuyên gia Chứng khoán VPBanks, quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% trở lên sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác hơn rủi ro và tiềm năng của ngân hàng.

Đồng thời việc giảm tỉ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan sẽ hạn chế khả năng thao túng ngân hàng của một nhóm cổ đông.

Tuy nhiên chuyên gia cũng lo ngại giảm tỉ lệ sở hữu cũng có thể tạo ra khó khăn trong quản trị ngân hàng. Nếu không có cổ đông lớn nào giữ vai trò dẫn dắt, ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc đồng thuận và đưa ra quyết định chiến lược.

Lộ diện những ‘đại gia’ bất động sản tầm cỡ nắm vốn ngân hàng - Ảnh 2.Vụ Vạn Thịnh Phát: Cách nào để ngăn thao túng ngân hàng?

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng sở hữu chéo, hạn chế thao túng ngân hàng. Nhưng theo một số chuyên gia, việc chống sở hữu chéo không đơn thuần chỉ là siết tỉ lệ sở hữu cổ phần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên