29/03/2015 10:30 GMT+7

​LKY, trích sổ tay phóng viên...

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TT - Sắc sảo, không vòng vo, vào thẳng vấn đề. Đó là phong cách tôi nhớ mãi ở ông Lý Quang Diệu (LKY), một chính khách quốc tế nổi tiếng đến VN vào lúc đất nước còn bị cấm vận.

Những bất đồng trong quá khứ được gác lại. Và một chương mới của tương lai được mở ra từ nụ cười của hai con người được dân chúng yêu mến - Ảnh tư liệu

Khi còn làm phóng viên Tuổi Trẻ, tôi có dịp chứng kiến hai lần ông đến làm việc tại TP.HCM vào tháng 4-1992 và tại Bình Dương tháng 5-1995. Cả hai lần đều có những chi tiết, tình huống đáng nhớ mà rất tiếc lúc ấy trong khuôn khổ tin thời sự đối ngoại, tôi chưa thể đưa vào.

3 phút cúp điện và ước mơ công nghiệp hóa

Lúc ấy ông Lý 69 tuổi, nguyên thủ tướng và đương kim bộ trưởng cao cấp (Senior Minister) của Singapore, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt trải thảm đỏ mời sang thăm Việt Nam để góp ý về cải cách kinh tế. Sau khi làm việc ở Hà Nội, ông và phu nhân đến TP.HCM và chỉ lưu lại khoảng 48 giờ.

Một trong những cuộc làm việc hiếm hoi giữa ông với lãnh đạo TP.HCM mà báo chí được dự là cuộc gặp gỡ tại phòng tiếp khách lớn trên lầu trụ sở UBND thành phố. Chúng tôi chỉ mới thấy hình ông trên báo, một người trông rất tráng kiện và đanh thép, rất VIP, ngay cả lúc ông cười. Tuy nhiên khi ông bước vào phòng khách, tôi thấy ông có vẻ hiền hòa hơn, Á Đông hơn.

Sau cuộc tiếp mang tính chào mừng xã giao, ông Lý Quang Diệu và đoàn tùy tùng bước ra sảnh lớn trước phòng khách để nghe thuyết trình tổng quát về thành phố và các định hướng phát triển. Đích thân vị chủ tịch UBND TP.HCM thuyết trình. Ông Lý chăm chú lắng nghe.

Bất ngờ, chỉ mới mươi phút, đèn bỗng tắt. Mọi người im lặng và bối rối, một vài tiếng lao xao: cúp điện, cúp điện! Chưa thấy viên chức UBND phản ứng thế nào. Bỗng dưng đèn sáng lên nhưng đó lại là đèn quay phim chiếu thẳng vào chiếc sa bàn bản đồ thành phố, nơi mọi người đang tề tựu nghe thuyết trình. Tôi nhận ra đó là chiếc đèn của phóng viên truyền hình Singapore, anh phản xạ rất tuyệt và kịp thời bật lên.

Trong cái ánh sáng màu trắng lạ lùng đó, tôi như thoáng thấy nụ cười ý nhị trên gương mặt ông Lý Quang Diệu, bên cạnh những gương mặt lo âu của những người xung quanh. Dường như 2-3 phút sau điện mới có trở lại cùng với những tiếng thở phào. Chủ nhà nói lời xin lỗi khách và tiếp tục cuộc thuyết trình.

Chúng tôi không nhớ rõ lắm nội dung cuộc thuyết trình, chỉ nhớ nhất ông có nói đến định hướng phát triển khu công nghiệp ở các huyện ngoại thành TP.HCM. Vào thời điểm đó, ước mơ công nghiệp hóa đang bắt đầu cháy bỏng ở Việt Nam. Sáu năm sau khi chính sách đổi mới được thừa nhận và thực thi có kết quả, kinh tế phần nào thoát được khủng hoảng.

Do vậy, các nhà lãnh đạo đang nóng lòng tìm kiếm con đường phát triển mới. Đường lối và khẩu hiệu chung lúc đó là công nghiệp hóa nhưng không phải theo “định hướng ưu tiên” như trước nữa. Nhưng công nghiệp hóa theo kiểu mới là gì? Công nghiệp hóa bằng cách nào, như thế nào? Đó vẫn là những câu hỏi lớn. Đặc biệt, khi bên ngoài đang nhắc đến khái niệm NIC (new industrialized countries) - những nước công nghiệp mới, trong đó Singapore là một điển hình.

Có lẽ hiểu ngay nỗi bức xúc này, sau khi nghe thuyết trình, ông Lý đã chia sẻ ngắn gọn kinh nghiệm của Singapore - với không gian chỉ là một thành phố giống như Sài Gòn, thậm chí khác biệt vì không có nông thôn xung quanh, đã làm khu công nghiệp như thế nào. Tôi nhớ lúc ấy ông Lý nói những điều chúng tôi chưa đọc thấy trên sách báo. Đó là việc công nghiệp hóa không nhất thiết phải có nhà máy, có khu công nghiệp.

Những năm 1950-1960, Singapore cũng từng nghĩ đến việc lập nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp, sử dụng nhân công giá rẻ như là một lợi thế cạnh tranh. Nhưng rồi Singapore nhanh chóng nhận ra họ không có nhiều đất đai, nhiều lao động và không có tài nguyên thiên nhiên. Nếu không suy nghĩ khác thì Singapore khó phát triển được.

Và rồi Singapore đã tìm ra con đường phải tập trung mạnh lên về ngân hàng, cảng biển, hàng không, viễn thông, kỹ thuật cao và dịch vụ. Còn nhà máy và khu công nghiệp, thật bất ngờ ông Lý Quang Diệu nói thẳng: các nước xung quanh có đủ điều kiện để làm nên Singapore phải chiếm lấy những ưu thế cạnh tranh khác.

Và rồi, thực tế cho thấy từ đó đến đầu thế kỷ 21, công nghiệp hóa ở Singapore không đồng nghĩa với mở nhà máy, khu công nghiệp mà chính là đi vào những ngành mũi nhọn không khói. Chính các nước xung quanh với nhiều nhà máy và khu công nghiệp lại phải cần đến một trung tâm dịch vụ chất lượng cao để cùng hợp tác, phát triển.

Ông Lý Quang Diệu trong lần thăm VSIP Bình Dương - Ảnh tư liệu

Nhân lực chứ không phải tiền bạc, máy móc

Ba năm sau, chúng tôi gặp lại ông Lý Quang Diệu trong lần ông đến Bình Dương nhằm thị sát một lần nữa khu vực rừng cao su Thuận An, nơi dự kiến chuyển thành Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Trông ông vẫn rất tráng kiện, nhanh nhẹn so với tuổi 71.

Lần này, ông không phải là nhà tư vấn nữa mà thật sự hành xử như một nhà đầu tư, một “người trong cuộc”, bởi Chính phủ Singapore không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn cả uy tín và kinh nghiệm vào khu công nghiệp này. Là “người trong cuộc”, phát biểu của ông Lý bây giờ không chỉ là lời khuyên mà cao hơn chính là đòi hỏi nơi đối tác. Tại Bình Dương, chúng tôi đã nghe ông có một đòi hỏi bất ngờ.

Sau khi đi thực địa, ông Lý Quang Diệu có cuộc làm việc với UBND tỉnh. Tại đây, ông được nghe thuyết trình các bước chuẩn bị cho việc ra đời VSIP từ đất đai, tài chính, xây dựng, môi trường đến việc triển khai bộ máy điều hành, cơ chế một cửa... Nghe xong, ông hỏi câu đầu tiên, không phải về các vấn đề trên. Chúng tôi nhớ ông hỏi: ”Đề nghị quý vị cho biết một năm trong tỉnh có bao nhiêu người tốt nghiệp trung học?”.

Ông không hỏi con số cử nhân hay tiến sĩ, không hỏi con số kỹ sư hay chuyên viên! Nghe con số người tốt nghiệp trung học vài ngàn, ông Lý trầm ngâm giây lát rồi hỏi sang con số của các trường đào tạo công nhân. Tôi trộm nghĩ không biết ông ấy đang nghĩ ngợi về nguồn nhân lực hay là cung cách làm việc của bộ máy điều hành.

Gương mặt ông Lý Quang Diệu lúc đó trông rất nghiêm nghị. Đến lúc phát biểu kết luận của mình về việc đầu tư thành lập VSIP Bình Dương, ông nói phía Singapore nhất trí triển khai sớm dự án, đồng thời bổ sung một hạng mục đầu tư chưa từng bàn: đó là xây dựng một trung tâm đào tạo nhân lực để phục vụ VSIP và tỉnh.

Chúng tôi nghe như có tiếng thở phào. Một chính khách và là đối tác khắt khe như Lý Quang Diệu đã bật đèn xanh, hơn nữa còn chỉ ra vấn đề nhân lực và hướng giải quyết, đó là một tín hiệu rất tốt không chỉ cho một dự án mà còn cho bức tranh chung về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

 

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên