Các cầu thủ Đan Mạch ăn mừng sau trận thắng CH Czech - Ảnh: AFP
Quả thật là những thăng trầm của bóng đá Đan Mạch từ trước tới nay chẳng khác gì trong truyện cổ tích, chỉ thiếu mỗi nàng tiên!
Sáng 3-7 (giờ địa phương), khi gặp nhau ở siêu thị nhỏ gần nhà, bà hàng xóm 72 tuổi nói với tôi chiều nay sẽ không xem đội nhà đá tứ kết vì sợ hồi hộp quá, chịu không nổi.
Tuy biết vợ chồng bà không mê bóng đá, các môn thể thao họ chơi là cầu lông và lái thuyền buồm, nhưng tôi không tin là bà ta sẽ giữ được ý định này.
Cũng trong sáng này, một ông bạn 78 tuổi rành bóng đá hơn, có cháu ngoại đang tham gia đội bóng đá nữ của tỉnh, quả quyết với tôi là chưa bao giờ thấy Đan Mạch có "bầu không khí bóng đá" rộn ràng đến thế kể từ trận chung kết Euro 1992.
Tuy vậy, dư luận Đan Mạch vẫn không chủ quan trước trận đấu. Sau trận, báo Berlingske, tuy hết lời ca ngợi thầy trò HLV Hjulmand, cũng chỉ dè dặt viết Đan Mạch "tiếp tục chuyến phiêu lưu". Sự dè dặt này có lẽ do bóng đá Đan Mạch hay làm người hâm mộ lên cơn đau tim!
Người Đan Mạch chơi bóng đá từ rất sớm. LĐBĐ Đan Mạch (DBU) được thành lập từ năm 1889, chỉ sau Anh và Ireland. Còn đội tuyển Đan Mạch giành huy chương bạc Olympic 1908. Giai đoạn 1912 - 1920 là thời hoàng kim của Đan Mạch khi thường xuyên xếp hạng nhất thế giới.
Tuy nhiên, bóng đá vẫn bị coi là môn thể thao không chuyên tại đây, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp phải ra nước ngoài kiếm sống. Mãi tới năm 1978, DBU mới cho phép các đội bóng chuyên nghiệp tham gia Giải vô địch quốc gia. Năm 1979, tuyển Đan Mạch có HLV chuyên nghiệp đầu tiên là ông Sepp Piontek.
Do không giành được quyền dự World Cup 1990, Piontek từ chức, trợ lý Richard Møller Nielsen lên thay với mục tiêu vượt qua vòng loại Euro 1992 tại Thụy Điển. Do những bất đồng nội bộ, hai cầu thủ xuất sắc nhất của Đan Mạch lúc bấy giờ là Michael Laudrup và Brian Laudrup rời đội tuyển vào tháng 11-1990. Lúc đó, một số tờ báo đã yêu cầu Nielsen từ chức HLV trưởng.
May sao Đan Mạch có màn lội ngược dòng mạnh mẽ khi thắng 5 trận còn lại ở vòng loại, thắng cả chủ nhà Nam Tư 2-1. Dù vậy, họ vẫn phải đứng nhì bảng sau Nam Tư.
Chuyện cổ tích bắt đầu khi Đan Mạch được thay Nam Tư (bị cấm vận) dự Euro 1992. 10 ngày trước khi Euro 1992 bắt đầu, Brian Laudrup trở lại rồi cùng đồng đội giành chức vô địch sau khi hạ đương kim vô địch Đức 2-0. Cho tới nay, chiến thắng này vẫn là bất ngờ lớn nhất trong lịch sử Euro.
Tuy nhiên, "những chú lính chì" đã không giữ được sự kiên cường của mình. Sau khi thắng Argentina 2-0, đoạt cúp Confederations Cup 1995, tuyển Đan Mạch lên xuống thất thường. Morten Olsen, người có thời gian giữ chức HLV trưởng lâu nhất (2000 - 2015), phải rời vị trí khi Đan Mạch không giành được quyền dự World Cup 2014.
Với HLV người Na Uy, Åge Hareide, tuyển Đan Mạch chơi khởi sắc hơn. Dù lối chơi bị chê là nhàm chán, Đan Mạch đã vào đến vòng 16 đội World Cup 2018. Nhưng rắc rối vẫn đeo đẳng "những chú lính chì".
Năm 2018, do tranh chấp về quyền thương mại của các cầu thủ, trong các trận giao hữu, DBU đã phải triệu tập một số... cầu thủ futsal và từ Giải hạng 2, hạng 3 và 4 lên đá thay. HLV Hareide cũng phải trao quyền chỉ đạo đội cho trợ lý Jensen.
Năm 2020, gần một năm đội tuyển không nhận được tiền tài trợ của một trong ba nhà tài trợ chính là Ngân hàng Arbejdernes Landsbank do một số vướng mắc liên quan tới việc quảng cáo trên áo cầu thủ. Ngân hàng này còn tính chấm dứt sớm hợp đồng tài trợ. May sao tới tháng 5-2021, nhờ Luật tiếp thị thay đổi nên đôi bên mới có thể tiếp tục hợp tác.
Giờ thì người Đan Mạch cho rằng sự lận đận của thầy trò HLV Kasper Hjulmand tại Euro 2020 cũng tương tự như con đường gian nan Đan Mạch đến Euro 1992.
Ngày 26-6, khi Đan Mạch hạ Xứ Wales 4-0, cũng là ngày cách đây 29 năm họ thắng Đức 2-0 ở chung kết Euro 1992. Có lẽ đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng có ai không mong câu chuyện cổ tích được viết tiếp?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận