Nghệ sĩ Tuyết Thu và Xuân Hồng trong vở Khóc giữa trời xanh (đơn vị công ty Sử Việt) sẽ tham gia liên hoan - Ảnh: LINH ĐOAN
Số lượng các đơn vị và vở diễn đăng ký dự thi vượt trội so với những kỳ liên hoan trước: 20 đơn vị với 26 vở diễn.
Kỳ liên hoan đa dạng
Có những gương mặt lâu lắm mới tham gia liên hoan hoặc mới tham gia lần đầu như sân khấu Hoàng Thái Thanh, Quốc Thảo, Công ty Sử Việt, Công ty tổ chức biểu diễn Phiêu Linh, Công ty truyền thông GODI, Công ty HN Media...
Một số đơn vị dự thi đến hai vở như Hội Sân khấu TP.HCM, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, Thế Giới Trẻ, Nhà hát kịch TP.HCM, Nhà hát kịch 5B...
Đề tài các vở diễn năm nay cũng khá đa dạng. Về lịch sử có Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ), Khóc giữa trời xanh (Công ty Sử Việt), Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát kịch TP.HCM), Câu hò đất mẹ (Công ty Phiêu Linh)...
Có vở mang màu sắc dân gian như Công lý như Mặt trời (Nhà hát 5B), Tấm và Hoàng hậu (sân khấu Hồng Hạc)...
Và dĩ nhiên không thể thiếu những vở về tình người tình đời, những mảnh ghép xúc cảm của Sài Gòn như Hoàng Thái Thanh với Bạch Hải Đường và Sài Gòn có một ngã tư, Hero Film với Mưa bóng mây, Nhà hát 5B với Tình lá diêu bông, sân khấu Thế Giới Trẻ với Bao giờ mẹ lấy chồng và Ngược gió...
Không chỉ dựng vở dự thi
Nghệ sĩ Ngọc Trinh của Hero Film cho biết trong một mùa dịch dài, nhìn sân khấu tắt đèn chị cảm thấy buồn lắm. Chị và nhiều nghệ sĩ muốn làm gì đó để xốc lại tinh thần sau nhiều tháng không được hoạt động nghệ thuật.
Thời gian "ở nhà" đó, chị cũng ấp ủ nhiều điều và mong muốn được thỏa sức thể hiện trong vở Mưa bóng mây tham gia liên hoan lần này.
Chị Cẩm Linh - đại diện Công ty Phiêu Linh - từng là diễn viên của Nhà hát kịch TP.HCM, sau đó chuyển sang làm biên tập cho Đài truyền hình TP.HCM.
Công ty của chị và chồng - đạo diễn Hoàng Duẩn - mười mấy năm nay chỉ tổ chức sự kiện, nhưng lần này quyết định dựng vở đi thi cho đỡ nhớ nghề. Chọn một vở diễn về Nguyễn Thị Minh Khai, có kết hợp với Trường ĐH Văn hóa, vợ chồng chị mong muốn sau liên hoan sẽ đưa vở đi lưu diễn vào những dịp lễ đặc biệt.
Sau huy chương vàng cá nhân với vở Dạ cổ hoài lang trên sân khấu nhỏ 5B mấy chục năm trước, nghệ sĩ Quốc Thảo mới trở lại với không khí liên hoan cùng vở Nắng chiều. Anh cho biết từ ngày mới ra trường anh đã đoạt huy chương bạc cá nhân với vở Trong hào quang bóng tối.
"Từ lúc đó đến bây giờ tôi đều quan niệm đêm diễn trong liên hoan chỉ là một đêm diễn cho thành phần khán giả đặc biệt, còn nhiều đêm diễn sau đó để thu hút khán giả mới là quan trọng.
Đặc biệt, thời buổi hiện nay có quá nhiều loại hình giải trí. Tôi hy vọng liên hoan có thể góp phần vực dậy sân khấu, để các bạn trẻ chú ý thưởng thức loại hình sân khấu kịch nói và biết yêu, biết đam mê loại hình đó thì quá tốt" - Quốc Thảo tâm sự.
Thăm dò khán giả trước thềm năm mới
Nghệ sĩ Ái Như cho biết liên hoan lần này tổ chức tại TP.HCM và được động viên nên sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng quyết định tham gia. Nhưng mối quan tâm lớn nhất của chị vẫn là sự tồn tại của sân khấu trong giai đoạn khó này.
Nhiều sân khấu tham gia liên hoan tổ chức bán số lượng vé hạn chế, khoảng 100 vé/suất. Như Hoàng Thái Thanh mới đưa thông tin bán trong 10 phút mà suất thi diễn vở Bạch Hải Đường đã sạch vé.
Hình thức bán vé này không vì lợi nhuận mà đa số như bước thăm dò khán giả, xem sau một mùa dịch dông bão, họ có còn nhu cầu đến thưởng thức kịch.
Quản lý Ngọc Hùng của sân khấu Thế Giới Trẻ cho biết: "Đến giờ này, sân khấu chúng tôi vẫn còn hồi hộp theo dõi tình hình, chưa chuẩn bị gì cho mùa kịch Tết 2022. Hai suất diễn của sân khấu trong liên hoan, chúng tôi bán mỗi suất 100 vé để dò xem tình hình khán giả như thế nào rồi tính tiếp cho hoạt động của sân khấu trong thời gian tới".
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 ban đầu dự kiến tổ chức vào tháng 7-2021 tại Hải Phòng, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên đã dời lại vào tháng 11-2021.
Lúc đó, TP.HCM vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh nên ban tổ chức đã có kế hoạch cho các đơn vị phía Nam tham gia theo hình thức thi trực tuyến. Nhưng các đơn vị lại lo ngại vì thời gian cập rập, thi trực tuyến cũng không chuyển tải hết cảm xúc của vở diễn.
Từ đề đạt của nhiều đơn vị kịch nói TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM đã có kiến nghị và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) chấp thuận tổ chức thêm đợt thi thứ hai dành riêng cho các đơn vị kịch nói phía Nam.
Các sân khấu dự thi tại sân khấu của mình, nếu không có sân khấu thì thi tại địa điểm chính của liên hoan là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (Q.1). Trong 15 ngày diễn ra liên hoan, mỗi ngày sẽ có 2 đơn vị dự thi theo suất sáng hoặc chiều và buổi tối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận