18/11/2020 12:36 GMT+7

Lên hang núi tìm hồn tổ tiên

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Tìm củ mài, củ sắn, đồng bào Rục rong ruổi nhiều ngày xuyên núi cao, rừng sâu. Chiều muộn, đêm buông, họ lại vào ngủ trong các hang đá, nơi tổ tiên mình từng sống truyền đời...

Lên hang núi tìm hồn tổ tiên - Ảnh 1.

Ông Cao Ngọc Man luôn nhớ núi rừng, hang đá của tổ tiên - Ảnh: C.TRIỆU

Dù đã được vận động xuống núi lập bản nhiều năm rồi nhưng đến nay việc ở hang vẫn được người Rục xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) duy trì để tưởng nhớ tổ tiên.

Xuyên rừng tìm hang người Rục

Đợt bão lũ kéo dài khiến đường vào Thượng Hóa vốn ngoằn ngoèo nay càng khó đi. Hai lần đò, hai lần lội bộ cùng mấy chuyến "tăng bo" bằng xe cho 16km tính từ trung tâm thị trấn Quỳ Đạt là cách để chúng tôi tiếp cận được các bản của người Rục.

Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ là những bản có nhiều người Rục đang sinh sống. Tiếng thuyền máy bạch bạch chở đoàn vượt thung lũng Hung Trâu (bản Yên Hợp) khiến mặt nước vốn yên ả nay gợn sóng, đàn chim bồ chao đậu trên cây nháo nhác bay đi.

"Cứ ngồi yên để giữ thăng bằng, nơi này ngập sâu hơn 10m đấy" - người đưa đò cẩn thận dặn.

Bỏ lại những gì không cần thiết, tôi theo chân anh Đinh Minh Nghị (29 tuổi, bản Yên Hợp, một người Rục chính gốc) đi lên núi tìm hang của người Rục. Trên đường, vô số lần chúng tôi phải cùng nhau đạp rạp đám cây cỏ tìm lối đi. Có đoạn, anh Nghị bưng hẳn một khúc gỗ dài kê lên tảng đá cao chắn ngang nơi vừa sạt lở để làm thang vượt qua.

Ở Thượng Hóa, hang người Rục nhiều vô kể. Các hang gần thì đi chừng một giờ đồng hồ, những hang xa đi mất nửa ngày hoặc hơn.

"Lên thôi, đường vào hang gần nhất mà đã khó thế này, đi các hang khác e không được, hoặc có được thì vào tới chắc trời cũng đã tối, phải ngủ lại đấy" - Nghị thúc giục mọi người và cứ băng băng đi dù trước mặt chẳng có lấy một lối mòn.

"Dừng lại, đợi một chút" - Nghị đột nhiên nói lớn. Đường đi vướng vài cái bẫy đơm thú do người dân đặt từ lâu. Chiếc bẫy "cao pắn" đơn giản với một thanh cây được kéo cong như hình chiếc cung cắm xuống đất, cùng vài ba thang gờ, dây cáp nhưng sức bật lại rất mạnh. Bất kỳ con thú đáng thương nào vướng vào "cao pắn" khó lòng mà thoát được.

Mấy giờ đồng hồ băng rừng, vượt núi cao, một miệng hang cũng dần lộ diện với vòm hang cao, sâu và rộng. Những "điểm lạ" dần rõ hơn khi chúng tôi đi sâu vào hang với những phần khoang "khép kín" được chọn làm phòng ngủ cho các cặp vợ chồng.

Trước cửa hang được khắc một vài ký hiệu hoặc lấy than củi viết tên mình, để người khác khi đi ngang muốn tá túc cũng biết được hang này đã có chủ. Đá vôi sẽ được đập nát xếp phẳng làm sàn, bếp lửa được người Rục đặt ngay đầu hang.

Nhiều hộ chặt lá cây đoác làm mái, lót nền trong hang, nhưng cũng có hộ cứ để vậy mà sinh sống. Đặc biệt, hang được người Rục chọn sống là những hang có nước rục - loại nước chảy ra từ trong núi đá hoặc lòng đất. Cũng vì lẽ đó mà có người nghĩ rằng cái tên người Rục được ra đời.

Lên hang núi tìm hồn tổ tiên - Ảnh 2.

Một hang đá lớn từng được nhiều người Rục ở

Người Rục giờ đi rừng rồi sinh sống ở hang mười lăm ngày hay cả tháng là sở thích và đôi khi là bản năng sống, tưởng nhớ tổ tiên của đồng bào, nhưng sau đó họ đều quay lại bản.

Anh PHẠM VĂN PHƯƠNG

Ký ức ngày xuống núi

Dù được sinh ra ở bản Yên Hợp nhưng ký ức về tháng ngày ở hang của tộc người mình trong ông Cao Ngọc Man (69 tuổi) lại rõ mồn một. Chỉ thẳng tay về dãy núi đối diện nhà, ông Man nói tùy vào độ sâu, rộng của hang để người Rục tính chuyện ăn ở.

Có những hang rộng, người Rục tập trung ba, bốn gia đình sống chung, nhỏ thì chỉ một, hai nhà. Đó là thời tất cả chẳng biết quần áo là gì. Vỏ cây được đập dẹp phơi khô để người Rục che đi những vùng nhạy cảm trên cơ thể. Hang có những phần khoang riêng thì rất tiện, nhưng nếu không có thì tất cả cũng chỉ phân khu ra ở cùng nhau.

"Khi nào bắt được con cá hay con thú ngon thì mới ăn chung, còn không mỗi hộ một bếp, ăn riêng nhưng lại sống chung vậy đó" - ông Man nói.

Thấy có người nhắc về tháng ngày người Rục xuống núi, bà Đinh Thị Tằng (64 tuổi, vợ ông Man) hồ hởi kể. Lần đầu tiên một người Kinh như bà nhìn thấy người Rục "nguyên thủy" là vào năm 1966, khi có một nhóm người được bộ đội vận động xuống bản sống.

"Tất cả đều cởi trần, người không mảnh vải. Họ co ro ngồi sụp xuống cỏ, mãi tới khi mẹ đưa bộ quần áo khoác lên họ mới đứng dậy" - bà Tằng vừa kể vừa ngồi sạp xuống nhà diễn tả.

Tuy nhiên, chuyện người Rục ngày xưa ở hang đá chẳng còn lạ lẫm nữa, mà điều đặc biệt là cho đến nay nhiều người Rục, nhất là ở thôn Ón, vẫn thường đi rừng tìm cây củ và ngủ lại hang đá. Bột nhúc được người Rục xay ra từ một loại cây rừng mà họ gọi là cây đoác và đánh bệt lại với nước nóng để ăn tươi.

Ông Man chỉ tay về đám cây đoác lớn đằng xa trên núi, bảo nhìn thế chứ không phải cây nào cũng ăn được.

"Nhìn cây nào mà có bột đóng ngoài thì mới chặt làm bột ăn được, còn không chặt xuống chỉ mất công hoặc làm rượu đoác thôi. Bột nhúc ngọt ngon hơn bột mì mình nhiều" - ông Man nói.

Lên hang núi tìm hồn tổ tiên - Ảnh 4.

Tuy còn khó khăn, trẻ em người Rục đã được đến trường - Ảnh: C.TRIỆU

Sống lại hang để tưởng nhớ tổ tiên

Được vận động bỏ hang về bản sống từ năm 1998, ông Cao Việt (thôn Ón) nói rằng do không học nên chẳng thể biết mình năm nay... được bao nhiêu tuổi. Phì phà điếu thuốc lá dong hút dở dắt ở tai, ông nói rằng vẫn ngày ngày vào rừng chặt cây mây, cây nứa mang về bán.

Mỗi chuyến đi rừng của ông ngắn thì tầm ba ngày, dài hơn thì có khi kéo dài tận nửa hoặc một tháng mới về. Trước mỗi chuyến đi, ông chỉ chuẩn bị một ít gạo, muối và nước mắm, còn không thì ăn bột nhúc.

"Lâu lâu cũng phải đi rừng trước vì miếng ăn, sau là vì nhớ hang mà ăn ngủ ít ngày. Quê hương đất tổ mình mà, sao bỏ hang được" - ông Cao Việt nói.

Thẫn thờ khi đặt chân được lên đến hang, anh Đinh Minh Nghị nói rằng mỗi lần ngủ lại hang đều cảm thấy xao xuyến, thương cha ông.

"Cuộc sống giờ đổi khác nhiều rồi. Tôi đã được ra thôn bản ở, nhưng mỗi lần quay trở lại hang là lại xúc động, nhớ ông bà, cha mẹ mình" - anh Nghị tâm sự.

Ngồi giữa đại ngàn, nhìn đồng bào đi nhận hàng cứu trợ bão lũ những ngày qua, ông Đinh Than Văn - chủ tịch xã Thượng Hóa - nói rằng giờ cuộc sống người Rục đổi thay rồi. Từ năm 2010, chính quyền và bộ đội biên phòng ở đây đã hướng dẫn bà con canh tác lúa nước, sắn mì.

Hơn 10ha lúa nước tươi tốt của hơn 150 hộ dân người Rục tại Thượng Hóa đang dần thay đổi cuộc sống nơi đây.

"Một nỗi lo ngày trước là chuyện con chú lấy con bác, con chị lấy con em khi người Rục còn ở hang lẫn khi mới về bản diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, chúng tôi ngày ngày tuyên truyền để đồng bào hiểu tác hại kết hôn cận huyết nên đã giảm hẳn" - ông Văn tâm sự.

Người Rục từng bỏ bản, trở lại hang núi

Theo anh Phạm Văn Phương - đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng (huyện Minh Hóa), người Rục được vận động xuống bản ở, nhưng một đợt dịch bệnh bùng phát vào năm 1989 khiến họ lại bỏ bản kéo nhau lên rừng. Và cho tới khi được xây nhà, cấp phát thuốc men, lương thực... cùng bao lần vận động thì đồng bào Rục mới chịu quay lại bản.

Già Giản sống chết giữ rừng Già Giản sống chết giữ rừng

TTO - Già Cil Ju Ha Giản (62 tuổi, thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) từ 15 năm qua vẫn được nhiều người ở vùng rừng Bidoup - Núi Bà và rừng phòng hộ Đa Nhim nhắc đến như một minh chứng cho những người Cil yêu rừng.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên