Ông Nguyễn Hoàng Dũng leo thang trong tháp cầu để kiểm tra định kỳ - Ảnh: DIỆU QUÍ
Tình huống có thể dẫn đến tai nạn khó lường trên cây cầu huyết mạch miền Tây... Đó là một trong những sự cố mà đội bảo trì cầu Cần Thơ phải giải quyết. Và chúng tôi trực tiếp chứng kiến tình huống ngay trên cầu.
Xử lý tai nạn, sự cố nguy hiểm
Lau mồ hôi khi vụ việc đã xong, ông Hứa Nhơn Hậu mới tiếp chuyện chúng tôi. Ông kể mình đang tuần tra trên cầu thì thấy chiếc xe bốc khói gần tháp nam, lửa cháy trên nắp capô. Ông lập tức gọi thêm người đến ứng cứu. Do chữa cháy kịp thời, xe chỉ hư phần đầu, không thiệt hại về người.
"Chúng tôi gặp nhiều trường hợp tương tự, có khi còn nặng hơn. Vì vậy anh em ở đây luôn túc trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng đầy đủ, phải có phản xạ nhanh để ứng phó mọi tình huống nguy cấp trên cầu" - ông Hậu nói.
Ông Hậu năm nay 58 tuổi, nhà ở Vĩnh Long và là một trong những người gắn bó rất lâu với bến phà Cần Thơ. Đã 10 năm từ lúc cầu thông xe, ông tiếp tục "duyên nợ" với nơi này bằng công việc bảo trì cây cầu huyết mạch và giải quyết sự cố.
"Tụi tôi đi tuần tra cầu, có chỗ nào hư hỏng, xuống cấp thì gọi người tới sửa chữa. Cực nhất là mùa lễ tết, xe đông dễ gây tai nạn. Hồi cầu mới thông xe, cánh tài xế chưa quen đường nên thường xảy ra tai nạn. Có khi một ngày hai, ba vụ lớn nhỏ. Có khi vừa giải quyết xong tai nạn bên đầu cầu Cần Thơ thì đầu cầu Vĩnh Long lại xảy ra chuyện".
Ông Hậu tâm sự thêm nghề này phải yêu thích mới làm được, bởi vừa vất vả lại dễ gặp rủi ro xe tông trúng trong lúc đi tuần.
Hơn nửa đời người gắn bó trên con phà đưa khách qua đôi bờ sông Hậu, ngày cuối cùng phà Cần Thơ hoàn thành sứ mệnh, ông Hậu và nhiều anh em khác quyến luyến đứng trên cầu nhìn xuống. Không còn phà, nhiều người chuyển công tác sang phà khác hoặc đổi nghề. Số còn lại chuyển lên bờ, bắt đầu làm quen với cách quản lý, bảo vệ cầu như ông.
Ông Phạm Văn Kiên - 45 tuổi, đội trưởng đội bảo trì cầu Cần Thơ - cho biết đội ngũ ở đây đều là những người nhiều năm làm việc trên phà, nên khi chuyển sang cầu mọi người bỡ ngỡ. "Ban đầu có khó khăn vì phà khác cầu, mọi thứ đều mới mẻ, anh em phải học lại cách giám sát, bảo dưỡng cầu đường. Giờ quen việc nên làm tốt rồi" - ông nói.
Cầu Cần Thơ dài 2,75km bắc qua sông Hậu, thông xe năm 2010. Trên cầu, hai tháp bắc (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) và tháp nam (phường Hưng Phú, TP Cần Thơ) là nơi trú ngụ của anh em làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cầu.
Mỗi tháp rộng hơn 10m2, có thể nấu bữa ăn nhỏ và ngủ nghỉ tại đó. "Anh em trực đêm thì chia nhau mỗi người vào ngủ 2 tiếng. Ban đầu rất khó ngủ vì xe cộ chạy qua ồn lắm, mà rồi cũng quen" - ông Kiên cho biết.
Đội ngũ bảo trì cầu Cần Thơ gần 50 người, nhỏ nhất 23 tuổi, lớn nhất 58 tuổi, chia làm 4 tổ bảo vệ. "Chúng tôi mỗi người quan sát một vị trí. Đi tuần tra để đảm bảo không mất cắp thiết bị trên cầu, xem có hư hại, xuống cấp chỗ nào thì báo cho đội sửa chữa cầu đường.
Từ lúc cầu hoàn thành đến giờ, hầu như chưa có sự cố nào về phần cầu" - ông Kiên nói và cho biết mình gắn bó với sông Hậu từ năm 1997 tới giờ, bốn thành viên của gia đình ông cũng chọn nơi này mưu sinh.
Ông Nguyễn Hữu Khiêm - giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác cầu Cần Thơ - chia sẻ lúc phà kết thúc nhiệm vụ, nhường lại cho cầu Cần Thơ tiếp nối sứ mệnh kết nối 8 tỉnh đồng bằng với phần còn lại của đất nước, ông cùng các anh em làm nhiệm vụ ở đây rất nhiều tâm trạng.
"Công việc bảo vệ cầu nhìn vậy nhưng thật ra rất nhiều điều để nói. Anh em không ngại hiểm nguy, ngày đêm, thời tiết... vì sự an toàn cho mọi người qua lại cây cầu huyết mạch này" - ông Khiêm trải lòng.
Tai nạn đau lòng!
"Tài xế nhiều khi chạy qua lo ngắm sông ngắm trời, không quan sát. Nhẹ thì va quẹt, trầy trụa, nặng thì tông chết người" - ông Kiên kể thêm câu chuyện đau lòng về đồng nghiệp trong lúc đi tuần tra.
Cách đây mấy tháng, anh Hồ Ngọc Thắng, 44 tuổi, có ca trực kiểm tra trên cầu. Gần 9h tối, sau khi kiểm tra xong, anh Thắng lấy xe về thì bị một người say rượu tông trúng làm anh văng xa 10m và chết tại chỗ!
Anh Nguyễn Duy Anh kiểm tra dây điện ngay lối vào tháp bắc cầu Cần Thơ - Ảnh: DIỆU QUÍ
Cứu người tự tử rồi thành... vợ chồng
Đó là câu chuyện khá hi hữu của anh Tăng Phước Trường, nhân viên bảo trì cầu Cần Thơ. Cây cầu này là nơi người ta chọn trầm mình xuống dòng sông Hậu. Anh em đội ngũ ngoài chuyện bảo trì cầu, giải quyết tai nạn giao thông còn kiêm thêm... cứu người tự tử.
"Chuyện người ta bế tắc rồi cứ tìm lên cầu Cần Thơ tự tử xảy ra nhiều. Khi thấy có người leo ra ngoài lan can cầu là biết họ muốn chết. Chúng tôi lập tức đến khuyên can để họ không làm liều. Một mặt để câu giờ, mặt khác báo cho đội đường thủy chạy canô phía dưới để khi người ta nhảy xuống thì cứu kịp".
Anh Trường kể 10 năm làm nhiệm vụ tại cầu Cần Thơ, anh không nhớ nổi bao nhiêu lần cứu người quẫn trí định kết thúc cuộc đời trên cây cầu nổi tiếng này.
Và có một chuyện hi hữu xảy ra trong những lần cứu người mà anh Trường cả đời cũng chẳng bao giờ quên. Bảy năm trước, trong ca trực đêm, anh phát hiện một phụ nữ leo qua lan can cầu định nhảy xuống. Anh cố gắng tiếp cận nói chuyện, phải 2 giờ sau cô này mới chịu kể mình làm vậy bởi nợ nần bao vây, chồng thì không chung thủy.
"Lúc đó, tôi có xin số điện thoại của chồng cô ấy để gọi báo. Nhưng thật bất ngờ đầu dây bên kia quát "kêu nó đi chết đi". Rồi tôi nói cô ấy chưa trả hiếu cho cha mẹ mà kết thúc sự sống là bất hiếu lắm. Và cô ấy bỏ ý định tự tử" - anh nhớ lại.
Sau đó, anh Trường tìm việc làm cho cô ấy tại một nhà máy thủy sản. Mối quan hệ giữa ân nhân và người thọ ân khép lại bằng một gia đình hạnh phúc. Đến giờ, họ đã có với nhau một đứa con. Mỗi lần nhắc đến, anh Trường thấy mình may mắn khi cô gái chịu nghe lời anh khuyên.
"Chắc đó là duyên nợ của chúng tôi" - anh mỉm cười nhìn cầu Cần Thơ đã cho mình nhiều nỗi vất vả nhưng cũng cho cả tình yêu.
Ông Hứa Nhơn Hậu đang điều tiết xe cộ qua làn kế bên vì phía trước có ôtô cháy - Ảnh: DIỆU QUÍ
Sợ lắm hai tiếng "chú ơi!..."
Ông Đặng Văn Thức, 53 tuổi, nhà ở thị xã Bình Minh, đã nói như vậy. 36 năm gắn liền cuộc đời với bến sông làm lái phà và giờ là bảo trì cầu, ông Thức không nhớ mình đã chứng kiến bao nhiêu sự cố xảy ra trên cầu.
"Làm công việc này có nhiều cái mình vui vì giúp được người khi gặp sự cố. Mỗi lần anh em gọi giọng gấp gáp hay bà con gọi "chú ơi!..." thì tôi biết là có tai nạn mà thường là nghiêm trọng" - ông tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận