13/10/2004 05:01 GMT+7

Đội cứu hộ trên "bến nghĩa tình"

ĐỖ HỮU LỰC
ĐỖ HỮU LỰC

TT - Chuông điện thoại reo: “Alô, tôi - Hạnh nghe đây, ở đâu, từ bao giờ? Được rồi, tôi sẽ cho các cháu đi ngay...!”. Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Văn Hạnh, “sếp lớn” trực tiếp của đội cứu hộ đường sông Đoan Hùng khi được báo về một vụ tai nạn.

f4juz5de.jpgPhóng to
Anh Nghị đi tuần tra trên sông
TT - Chuông điện thoại reo: “Alô, tôi - Hạnh nghe đây, ở đâu, từ bao giờ? Được rồi, tôi sẽ cho các cháu đi ngay...!”. Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Văn Hạnh, “sếp lớn” trực tiếp của đội cứu hộ đường sông Đoan Hùng khi được báo về một vụ tai nạn.

Ông Hạnh năm nay tròn 80 tuổi, đã có trên 60 năm làm việc vớt xác, cứu người ở nơi ngã ba sông Chảy, sông Lô... Và hôm nay con cháu của ông lại kế tiếp nghĩa cử này!

Ông “cứu hộ”

“Bố mẹ tôi làm nghề thuyền chài phiêu bạt trên các dòng sông, trụ lại nơi đây từ những năm 1920 của thế kỷ trước...”. “Nơi đây” chính là nơi hợp lưu của hai con sông Chảy và sông Lô nằm dưới chân tượng đài "Chiến thắng sông Lô” (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ).

Từ bao đời nay bến “Phủ Đoan” là tên gọi vùng ngã ba sông cuồn cuộn nước xoáy gây ám ảnh cho bất cứ ai hành nghề sông nước khi qua nơi này. Sau tuần trà nước, ông Hạnh đã cho chúng tôi nghe đôi nét về đời mình.

Nhưng ông không còn nhớ nổi việc đã cứu được bao nhiêu người, vớt được bao nhiêu xác ở vùng ngã ba sông đầy bất trắc này. Giọng ông trầm lại: “Nhiều... nhiều lắm. Mà đây là việc nghĩa, việc thiện tôi ghi chép làm gì”.Nhưng lần đầu tiên theo cha đi vớt xác cứu người thì ông chẳng bao giờ quên được: “Năm ấy tôi mới 14 tuổi. Một đêm theo cha đi kéo vó, nửa đêm thấy tay vó nặng trịch, tôi kêu cha đang ngủ trong bè ra phụ giúp. Cha tôi đi ra, cầm lấy đòn tay, nhẹ nhàng bảo tôi: “Người đấy chứ không phải cá đâu”. Tôi rủn tay, rùng mình. Cha tôi bảo: “Có gì mà sợ, mình giúp người ta lên bờ đi”. Đêm đó, cha tôi và tôi thức trắng để canh không cho những con vật lạ bén mảng. Sáng ra, tôi lại phải trông người đó để cha tôi vào làng tìm lý trưởng báo”.Năm 19 tuổi, anh con trai làng chài nơi ngã ba sông ấy sôi nổi tham gia cách mạng, làm bình dân học vụ, rồi theo học nghề y tá... và đều được cấp trên phân công công tác ở địa bàn dọc các triền sông Lô, sông Chảy thuộc huyện Đoan Hùng.

Các làng chài ven sông Lô, sông Chảy đều coi ông Hạnh như người nhà vì ông là người đầu tiên dạy chữ, chữa bệnh cho dân làng chài. Và trong những xóm chài nơi đây có duy nhất ông Hạnh là người dám làm thêm công việc vớt xác, cứu người.

Ông được bà con tin yêu gọi bằng cái tên trìu mến: ông “cứu hộ”. Tuy vậy cũng không ít người dè bỉu gia đình ông, không cho con cháu họ giao du với con cháu của ông. Họ cho rằng việc “bắt người” là việc của Hà Bá, ai cứu thì Hà Bá sẽ bắt những người thân của họ...và vạ sẽ vào thân.

“Vạ gì, tôi năm nay đã 80 tuổi mà vẫn sống nhăn đây này”- ông Hạnh cười một tràng dài sảng khoái.

Bến nghĩa tình

nsYVmvYY.jpgPhóng to
Công việc của nhóm cứu hộ hằng ngày - bốc vác để mưu sinh
Bến Phủ Đoan sau hòa bình được gọi là bến tượng đài chiến thắng sông Lô, bởi nơi đây còn in đậm dấu tích chiến thắng quân Pháp khi chúng hành quân lên Tây Bắc. Nay tỉnh Phú Thọ đã xây một tượng đài hoành tráng để ghi sâu chiến công này.

Hôm nay, người xung quanh vùng còn gọi nơi đây với cái tên trìu mến khác: bến nghĩa tình, vì nơi ấy có ông “cứu hộ” và một đội cứu hộ đường sông gồm toàn con cháu của ông chuyên làm việc nghĩa tình.Hơn 60 năm làm việc thiện, ông Hạnh tự hào rằng chưa bao giờ đòi hỏi người nhà nạn nhân trả ơn ông và gia đình ông. Bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Hạnh, năm nay 75 tuổi, cười đôn hậu xen vào câu chuyện: “Ông nhà tôi nhiều con cháu lắm, mấy xã vùng quanh đây có nhiều người xin ông nhận làm con nuôi. Ông nhà tôi còn giận, nói rằng tôi nuôi anh chị được bữa nào. Thấy anh chị bị nạn là giúp thôi chứ có gì đâu!”.Ông Hạnh cười vui: “Tôi già rồi mà thỉnh thoảng vẫn phải đi xa ăn cỗ luôn”. Đó là những việc cưới hỏi, ma chay... của những gia đình có người được ông cứu mạng không bao giờ quên. Bà Nguyễn Thị Nhất năm nay đã xấp xỉ lục tuần, nhà ở xã Đại Nghĩa (Đoan Hùng) đã có con dâu, con rể nhưng thường xuyên hằng tháng đều đến nhà ông Hạnh thăm với tư cách như một người con của ông bà. Năm chị Nhất 14 tuổi, một buổi trưa ra sông tắm vô tình bị lũ thượng nguồn sông Chảy đổ xuống cuốn đi. Ông Hạnh khi đó đang đánh cá dưới hạ lưu, phát hiện một xác người lập lờ trôi, ông vội đưa thuyền ra kéo lên.

Mọi người xô đến đều lắc đầu vì thấy cô gái đã tắt thở. Nhưng với con mắt của người đã có thâm niên làm công việc y tá làng chài, ông Hạnh hiểu rằng còn cứu được.

Ông lập tức làm các động tác hô hấp nhân tạo và thật diệu kỳ, chị Nhất từ từ mở mắt khi trên bờ sông bên kia, bố mẹ chị đang gào khóc kêu ông Hạnh ghé thuyền vào để xin nhận xác con (!).

Ngày chị Nhất đến tuổi cập kê, có người trong làng đến xin dạm ngõ, bố mẹ chị Nhất chỉ tay sang bến Phủ Đoan: “Ông bà đi sang bên ấy hỏi ý kiến ông Hạnh, nếu ông ấy đồng ý thì gia đình tôi sẽ gả con gái chúng tôi cho con ông bà”.Điều ông Hạnh vui nhất là hôm nay con cháu của ông đã nối nghiệp ông cha. Các con của ông, người nào mưu sinh trên khúc sông này cũng đều tham gia công việc vớt xác, cứu người. Mặc dù ai cũng vất vả mưu sinh bằng các nghề như bốc vác cát sỏi, đánh cá, hoàn cảnh gia đình người nào cũng khó khăn...

* Đội gồm 19 thành viên, trong đó con cháu ông Nguyễn Văn Hạnh có 14 người. Đội hiện có một thuyền sắt (do Ủy ban Phòng chống lụt bão Phú Thọ tặng), 15 chiếc phao (do Cục Đường sông VN mới tặng), ba thuyền nan, hai bộ câu giăng (tự sắm).

* Đường dây nóng: 0210.880.658 (nhà anh Nguyễn Hữu Nghị).

* Điện thoại di động (do một nhà báo xin giấu tên tặng anh Nguyễn Hữu Nghị): 0912.388.003.

Và không có ai ở những làng chài nơi đây lạ như ông Hạnh, đó là ông còn truyền nghề... câu xác người cho các con. Nhìn những bộ câu giăng của ông, người yếu bóng vía không khỏi rờn rợn khi được giới thiệu.

Đó là những bộ câu có trên 200 lưỡi to, ngạnh sắc được nối với những sợi dây gai rất chắc. Những bộ câu này đã giúp biết bao gia đình tìm được người thân khi đã bị thủy thần lấy mất phần hồn.Anh Nguyễn Hữu Nghị, người con thứ tám của ông nay được ông tin tưởng giao trách nhiệm sở hữu và sử dụng những bộ câu này. Anh Nghị coi đây là một vinh dự và trách nhiệm rất lớn lao. Anh Nghị kể để có được “vinh dự” này bố anh còn phải thử anh chán. Cách đây hai năm, qua việc tìm xác em Lệ Hà ở Tuyên Quang cách ngã ba sông gần 15km, sau bận ấy ông Hạnh chính thức giao cho anh trách nhiệm từ đây có quyền thay ông... đi câu xác. Một buổi chiều anh đang bốc vác ở bến sông thấy một xác người từ sông Chảy trôi ra lập lờ. Anh cùng em trai tên Hưng chèo thuyền bơi ra kéo lên. Nạn nhân là một cô gái chừng 16 tuổi, đã chết. Xác vớt lên được gần một ngày mà không có người thân đi tìm. Anh và em trai đi mua rượu rồi tắm rửa cho cô gái. Xong rồi nhưng Nghị cứ bứt rứt không yên, anh không nói với ai mà tự mình lên xe máy đi ngược về hướng Tuyên Quang, tìm cho được gia đình cô gái, báo tin.

Sau vụ ấy, ông Hạnh khen anh: “Mày là người có tâm với người chết, được đấy!”.Danh tiếng bố con ông Hạnh cứu người, vớt xác làm việc thiện nhiều năm nay tại bến tượng đài sông Lô đã lừng danh khắp vùng Phú Thọ, Tuyên Quang. “Đội cứu hộ gia đình” gồm 14 người toàn là con trai, con rể, cháu nội, cháu ngoại của ông bà Hạnh - Quý đã giúp biết bao cá nhân, tập thể của huyện tìm được người, vớt tài sản... Mới đây, đội còn thu nhận thêm bốn người dân trong vùng tham gia làm việc thiện, trong đó có cả một bác sĩ, một y tá quân y đã nghỉ hưu.

Ông Hạnh nói vui: “Cũng đủ thành phần như một đội cứu hộ chính qui rồi đấy, nhiều người xin vào nhưng tôi không đồng ý”. Cứu người nơi sông nước, như ông Hạnh nói, là một việc không đơn giản, không phải ai có tâm cũng làm tốt được. Điều làm ông Hạnh vui nữa là mới đây tỉnh Phú Thọ đã chính thức công nhận “đội cứu hộ gia đình” ông là đội cứu hộ đường sông Đoan Hùng.

Và chức đội trưởng không ai khác là vị “a ca thứ tám” - nói như trong phim dã sử Trung Hoa mà ông Hạnh rất thích xem, đó là anh Nguyễn Hữu Nghị, người mà ông và bà con trong vùng rất tin tưởng.

ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên