25/09/2012 02:46 GMT+7

Lẽ phải thuộc về chúng ta

NGỌC VINH
NGỌC VINH

TT - Nhằm khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tác giả Nguyễn Việt Long và Nhà xuất bản Trẻ vừa cho ra mắt cuốn sách Lẽ phải - luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1hPYIa8f.jpgPhóng to
Ảnh: Minh Đức

Theo giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt, tác phẩm này được in bằng tiếng Pháp vào năm ngoái và sau hai năm chuẩn bị, sách mới có bản in bằng tiếng Việt, được cập nhật thông tin thời sự mới nhất xung quanh diễn tiến tranh chấp trên hai quần đảo này như việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc và cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines xung quanh các bãi cạn mới đây.

Ðiều hấp dẫn chủ yếu của cuốn sách là tính khách quan lịch sử, nói như nhà xuất bản là "nó không đại diện cho quan điểm của bất cứ bên tranh chấp nào nhưng nội dung của nó vẫn toát lên sức mạnh của lẽ phải, phù hợp với tâm tư tình cảm của đông đảo người VN yêu nước".

Cuốn sách Lẽ phải... đã tập hợp khá đầy đủ các chứng liệu lịch sử mà các nước đã nêu ra để chứng minh tính hợp pháp của mình trong cuộc tranh chấp quyền chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo có vị trí cực kỳ trọng yếu trên biển Ðông (chủ yếu là chứng liệu của Việt Nam, Trung Quốc và phần nào của Philippines, Malaysia và Brunei). Tác giả cho rằng đó là cuộc tranh chấp quá phức tạp và chưa hề có tiền lệ trên thế giới nhưng tầm quan trọng về chính trị, chiến lược và kinh tế của chúng đòi hỏi phải có được một giải pháp tổng thể.

Tác giả - từng là sĩ quan hải quân - đã phân tích từng luận thuyết về chủ quyền của mỗi bên tranh chấp, để rồi cho rằng "đó là một mớ bòng bong cần phải thoát ra" bằng "viễn cảnh của một giải pháp", cho dù giải pháp đó vẫn chưa thấy rõ vì ngoài một số giải pháp quen thuộc mà các bên tranh chấp từng đề nghị như DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Ðông), COC (bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Ðông)...; tất cả đều biết rằng một giải pháp thuần túy pháp lý sẽ là không đủ cho cuộc tranh chấp vô tiền khoáng hậu này.

Dù có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhưng Việt Nam cũng đã mềm mỏng đề nghị tất cả các bên tranh chấp triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về luật biển khi giải quyết tranh chấp. Và đó cũng chính là lẽ phải mà cuốn sách hướng tới.

NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên