29/01/2015 10:24 GMT+7

​Thư gửi chính mình

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Có lẽ nhan đề sách là một sự sòng phẳng báo trước, để Hà Quang Minh kể một câu chuyện dài, nhiều màu sắc.

Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Những lá thư đi về giữa hai người bạn, một người lãng tử giang hồ, chân giậm khắp năm châu, đắm mình trong bao nhiêu vui thú của tuổi trẻ, nướng đam mê qua những dặm đường mới lạ cùng bạn bè mới quen và thả mình trong những không gian không lặp lại. Còn một người ngồi ở Sài Gòn, lên mạng theo dõi hành trình của bạn mình, và viết thư, những lá thư tay đang trở thành kỷ vật trong thời kỹ thuật số được duy trì giữa hai người bạn như vậy.

Thế mà, những câu chuyện giữa Thầy Cả Sứ giả bình minh lại có sức cuốn hút bởi nó vừa mang hơi hướng một cuộc đấu khẩu để chọn lối sống, lại vừa chia sẻ với nhau về triết lý nhân sinh và cả những tranh luận về nghệ thuật.

Những chuyến thư thoại kéo dài, hình như không phải để hơn thua - hơn thua gì khi hai người bằng hữu chí cốt thương yêu nhau đến vậy - mà để cả hai cùng thấy mình có nhau trong mỗi thời khắc của cuộc sống.

Và tác giả đã xếp đặt để những lá thư dẫn dắt nhau rất có duyên, để người đọc có thể hình dung hai nửa sở thích, hai mảnh cuộc đời, hai chiều suy nghiệm tồn tại trong một Hà Quang Minh.

Ngay cả khi nói về kỷ niệm tuổi thơ, tình cảm gia đình, hay những chuyện bất như ý trong đời sống cá nhân, thì cái thế song trùng “tự viết thư cho mình” kiểu này hóa ra lại tiện lợi hơn cả.

Còn bạn đọc hẳn sẽ có cái thú riêng, kiểu như hình dung một Sứ giả bình minh đang lang thang ở châu Âu và gửi về cho Thầy Cả thế này: “Tớ đang ở La Cure, cái thị trấn bé xíu nằm trên đường biên giữa Thụy Sĩ và Pháp. Tớ đến đây từ một cơn hứng khởi sau cuộc vui với một tay nhóc con người Mỹ. Nó lang thang ở châu Âu cả tháng trời nay rồi, với chiếc balô kềnh càng trên vai, lê la khắp thị thành...”.

Thì lúc đó Thầy Cả đang ngồi nhà hí hoáy chuyển đến cho bạn mình thông điệp: “Không có sự chết nào cả, chỉ có loài người vì hoảng sợ mà hình dung ra nó, tạo nên những nghi lễ để vinh danh nó, tạo nên những thần linh để án ngữ nó, tạo nên những thứ kỳ quái với kỳ vọng có thể ngăn chặn nó nhưng cuối cùng vẫn bất lực...”.

Nếu người đọc tạm thời quên đi song thoại của một Hà Quang Minh, thì cái nét dị biệt giữa hai người như vậy nhiều khi trớt quớt mà vẫn dễ thương.

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên