07/08/2024 09:34 GMT+7

Lê Minh Quốc lắt léo và lịch lãm cùng tiếng Việt

Sau Lắt léo tiếng Việt xuất bản năm 2017, nhà thơ Lê Minh Quốc trở lại với Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm, tiếp nối hành trình nhiều năm tìm hiểu và yêu tiếng Việt.

Sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (Lê Minh Quốc) nằm trong bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của Nhà xuất bản Trẻ

Sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (Lê Minh Quốc) nằm trong bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của Nhà xuất bản Trẻ

Tiếng Việt đối với Lê Minh Quốc là "suối nguồn vô tận", "linh hồn Việt Nam". Tác giả nói ở lời đầu tiên trong sách: "Dám nói rằng, dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?".

Bởi tiếng Việt phong phú, rộng mở trong việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài. Chưa kể những khác biệt ở từng địa phương mà có sự biến hóa. Cho nên nhiều từ được đa số chúng ta sử dụng ngày nay như thói quen chứ ít khi hiểu hết ý nghĩa sâu xa.

Lê Minh Quốc khảo sát tiếng Việt ở bốn phương diện (sự biến đổi qua thời gian, phương ngữ Trung Bộ, phương ngữ Nam Bộ, từ vay mượn tiếng nước ngoài) qua bốn phần trong sách: Ăn theo thuở, ở theo thời; Nhập gia tùy tục; Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ; Rành sáu câu... mút mùa lệ thủy.

Ở đó, tác giả dẫn ra các câu chuyện ngôn ngữ thú vị. Chẳng hạn lịch sử của từ "trẻ trâu", "lùa gà", "thổi giá"... Đó là những từ hiện tại được ưa dùng trên không gian mạng, nhưng ít ai chú ý đến nguồn gốc hình thành của chúng.

Ví dụ "thế lọ thế chai" được tác giả giải thích: "Lại nữa, trong khẩu ngữ, ta thường nói thế nọ, thế kia nhưng nọ cũng có vùng miền phát âm thành lọ, dù vậy người nghe vẫn hiểu.

Mà đã nhắc đến lọ ắt ai ai cũng liên tưởng tới chai bởi cả hai cặp kè khít khịt khìn khin như ta vẫn thường gọi chung chai lọ/lọ chai do cùng là vật dụng bằng sành, sứ, thủy tinh... đựng chất lỏng.

Thế thì, từ đó, mới có câu nói tréo ngoe theo "công thức": thế nọ thành thế lọ và cuối cùng lại ra thế lọ thế chai là vậy".

Song theo Lê Minh Quốc, cách phân chia bốn phần này chỉ mang tính tương đối. Ông muốn nhấn mạnh hai phẩm chất "lắt léo" và "lịch lãm" của tiếng Việt, trở thành sợi dây xuyên suốt, kết nối từng mục tạo thành thể thống nhất cho cuốn sách.

Để diễn giải, tác giả đã khảo sát, dẫn chứng từ các tài liệu, sách báo, nhất là trong kho tàng văn học dân gian. Điều này làm mềm đi những kiến thức xơ cứng dễ sa đà vào thuyết giảng. Thay vào đó, tác giả luôn giữ một giọng tâm tình, đôi khi thủ thỉ, lúc lại bông đùa, làm tăng tính đối thoại với độc giả.

Phong cách viết báo cũng khiến độc giả có thể lướt qua hàng chục bài viết trong sách mà không bị nhàm chán. Tác giả góp nhặt từ ngữ cũng là góp nhặt từng khoảnh khắc đời sống quanh ta - một đời sống có quá khứ lâu dài và không ngừng biến đổi, phát triển.

Trên đà đó, từ Lắt léo tiếng Việt đến Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm, biết đâu trong tương lai sẽ có tác phẩm Tiếng Việt lắt léo, lịch lãm và... long lanh?

Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm là tác phẩm mới nhất trong bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ.

Các tác phẩm khác gồm: Tình ca tiếng nước ta (Dương Thành Truyền); Triết lý tiếng Việt (Nguyễn Đức Dân); Tiếng Việt phương Nam (Trần Thị Ngọc Lang); Từ câu sai đến câu hay (Nguyễn Đức Dân); Đi tìm bản sắc tiếng Việt (Trịnh Sâm);

Muôn màu lập luận (Nguyễn Đức Dân); Ăn, Uống, Nói, Cười & Khóc (Trần Huiền Ân); Cuộc sống ở trong ngôn ngữ (Hoàng Tuệ); Nỗi oan thì, là, mà (Nguyễn Đức Dân); Vẻ đẹp ngôn ngữ, vẻ đẹp văn chương (Lê Xuân Mậu)...

Tiếng nước tôi: Mẹo lên ngôi Tiếng nước tôi: Mẹo lên ngôi 'vua tiếng Việt'

TTO - Theo dõi chương trình Vua tiếng Việt của VTV3 suốt 10 số và thấy chưa có thí sinh nào vượt qua được phần tìm từ theo các chữ cho trước, giáo sư - nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân gửi đến Tuổi Trẻ bài viết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên