14/12/2022 10:53 GMT+7

Tiếng nước tôi: Mẹo lên ngôi 'vua tiếng Việt'

NGUYỄN ĐỨC DÂN
NGUYỄN ĐỨC DÂN

TTO - Theo dõi chương trình Vua tiếng Việt của VTV3 suốt 10 số và thấy chưa có thí sinh nào vượt qua được phần tìm từ theo các chữ cho trước, giáo sư - nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân gửi đến Tuổi Trẻ bài viết.

Tiếng nước tôi: Mẹo lên ngôi vua tiếng Việt - Ảnh 1.

Chương trình Vua tiếng Việt mùa 2 vẫn chưa tìm được... vua - Ảnh: VTV3

1. Tôi là một fan trung thành của chương trình VTV3 Vua tiếng Việt (VTV, mùa 2), xem đều mỗi số. Thí sinh vào đến vòng cuối đều tài giỏi, phản ứng ngôn ngữ linh hoạt, nhạy bén, kết hợp tiếng Việt nhuần nhuyễn. Có điều đã 10 số rồi, chưa xuất hiện vua, cứ vào đến vòng cuối tìm từ theo chữ là rụng.

Có lẽ các thí sinh đã không nắm chắc khái niệm tiếng trong tiếng Việt, lại không có phương pháp hợp lý tìm từ nên trong một thời gian hạn định, việc tìm được từ theo những chữ đã cho thật khó khăn. Xin mách các bạn vài mẹo.

Dưới đây là vài "câu khó".

(A) Hãy tìm 5 từ đơn từ các chữ đ/i/a/c/h (câu I vòng 4, VTV, 18-11), Hãy tìm 5 từ đơn và 1 từ phức từ các chữ c/a/n/k/i/ê (câu II vòng 4, VTV, 2-12).

(B) Từ các chữ c/a/n/k/i/ê/t hãy tìm 7 từ phức... (câu III vòng 4, VTV, 2-12).

(C) Hãy tìm 7 từ phức từ các chữ p/h/a/t/r/ô/n trừ... (câu III vòng 4, VTV, 9-12).

Ở cả hai câu A, bạn chỉ cần đọc 6 thanh của hai nguyên âm a và i, cũng đã có 8 từ đơn rồi: a (a = 100 m2), à (trợ từ: vậy à), á (á kim; âm thanh phản ứng tự nhiên khi bị đau bất ngờ); ả (người con gái); ạ (mẹ ạ, vâng ạ); i (chữ i), ì (sức ì, ngồi ì), ỉ (lợn ỉ).

Hai nguyên âm có thể ghép với nhau thành một nguyên âm đôi. Tiếng Việt chỉ có 3 cặp nguyên âm đôi: kìa/tiếng, chuông/chùa, bữa/trước. Tiếng Việt có 6 thanh. Lý thuyết chỉ có vậy.

2. Mẹo tìm từ là mẹo tìm từ theo chu cảnh (configuration) của chính âm (nguyên âm). Mỗi từ ghi thành 3 cột: phụ âm đầu - nguyên âm - phụ âm cuối.

Để tìm từ, phải tìm được vần (nguyên âm kết hợp với phụ âm cuối). Với câu (A), từ hai chữ i, a có 3 chính âm i/a/ia, từ ba chữ i, a, ê có 4 chính âm i/a/ê/ia (≈ iê).

Ghép chính âm với các phụ âm cuối (đứng sau mỗi chính âm) sẽ tạo ra những vần khác nhau. Trong thực hành tìm vần cần theo một trật tự nhất định để khỏi rối và bỏ sót.

Mẹo thứ nhất. Tìm tất cả các vần có thể theo chu cảnh của nguyên âm. Không cần suy nghĩ gì, viết ngay các chữ phụ âm vào cột thứ nhất và thứ ba, các nguyên âm vào cột giữa.

Với câu (B), đó là các cột c/a/n/k/t và cột a/i/ê/ia/iê. Với câu (C), đó là các cột p/h/t/r/n (mấy chữ này kết hợp với nhau thành các phụ âm ph/th/nh/tr) và cột a/ô.

Nối các nguyên âm ở cột giữa với các phụ âm ở cột thứ ba chúng ta sẽ được một mạng 14 vần cần tìm của câu (B): a, ac, an, at, i, in, it; ia/iê, iêc, iên, iêt, ê, ên, êt và 7 vần cần tìm của câu (C): ap, anh, at, an, ôp, ôt, ôn.

Mẹo thứ hai. Nối các chữ ở cột thứ nhất với các vần vừa tìm được sẽ được mạng tất cả các từ có thể. Nhìn qua mạng dễ nhận ra những từ cần tìm.

Mẹo thực hành tìm từ phức. Lưu ý là có nhiều từ phức là những từ láy, từ lặp âm, lặp phụ âm đầu. Nhiều từ phức trùng nhau tiếng thứ nhất hoặc thứ hai.

Ở câu (B) chúng ta được các từ phức: ka ki, cái ca, cái can, cạn kiệt; cạn tiền; cái cán, tài cán, cái kiến, kiến cái, tan nát, nát tan, tàn ác, tàn tệ, cái ác; tai nạn, (nước da) tai tái; (tại ải) tại ai; (khóc) ti tỉ, (bé) tí ti, tỉ tê, (chở) kìn kìn; (mây đen) kìn kịt; ít xịt; kền kền; kiết kiệt; tiên tiến, tiền tiến, tiếc tiền, (nó) kia kìa, (khó thế) kia à, tiền Tết, ai kia, kìa ai [câu đối Nguyễn Khuyến viếng Tú Xương: Kìa ai chín suối xương không nát/Có lẽ nghìn thu thịt vẫn còn].

Ở câu (C) chúng ta cũng được các từ phức: ha ha, hà hà, ha hả, hạn hán; ồ ạt, ồ ồ, ô hô, (cây) ô rô, ô tô, (cười) hô hố, tồ tồ, rổ rá, rộn rã, na ná, nạt nộ; tà tà, tan tành, tan nát, nát tan, tàn tạ, pha tạp, pha trà, pha trộn, trà trộn, phàn nàn, phá nát, phá tan, phốp pháp, pa pa.

Theo cách trên, ở hai câu (B), (C) các bạn dễ dàng tìm ra hơn 7 từ phức trong 30 giây.

Xem thế, ráng lên ngôi vua không khó. Khi có nhiều người tài, giữ được ngôi vua, trị vì thật lâu không bị soán ngôi mới khó.

Vần tiếng Việt

Bài thơ Vịnh cái chuông của Hồ Xuân Hương có câu: "Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,/ Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông".

Nghe ba tiếng ấy ái uông, chúng ta nhận ra ba từ đấy cái chuông. Mỗi tiếng có một vần. Nhiều tiếng cùng vần. Ăn thua của vần là nguyên âm.

Không có nguyên âm không thành vần. Vì vậy ở ba vần trên các nguyên âm â, a và uô được gọi là chính âm.

Các vần ấy, ái không còn phụ âm nào đứng cuối nên hai chữ y và i được gọi là hai bán nguyên âm cuối. Có những từ chỉ là nguyên âm. Chữ a có 5 từ khác nhau: a, à, á, ả, ạ.

Vậy thì khi đi thi Vua tiếng Việt, bạn hãy thủ sẵn trong bụng các từ đơn là nguyên âm. Hẳn bạn sẽ vượt qua câu đầu vòng "thi Đình" ngay tức khắc.

Tiếng nước tôi: Cái lý, cái lẽ của tiếng nước ta Tiếng nước tôi: Cái lý, cái lẽ của tiếng nước ta

TTO - Không theo "ngôn ngữ giáo trình", cuốn sách Triết lý tiếng Việt vừa ra mắt bạn đọc là một cuộc trò chuyện khoa học, hấp dẫn và bất ngờ, lý thú và đặc sắc.

NGUYỄN ĐỨC DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên