Ảnh: DUYÊN TRƯỜNG
Ngay cả với những ai là dân lục tỉnh, vẫn đang nói đang viết tiếng Nam rặt, khi đọc cuốn sách này chắc chắn sẽ nhận được nhiều điều bất ngờ thú vị từ những khác biệt Nam - Bắc trong sách vở, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, được lý giải một cách khoa học, có hệ thống và thuyết phục.
Khám phá những khác biệt
Tiếng Việt phương Nam sẽ bày ra cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh với tám kiểu khác biệt từ vựng - ngữ nghĩa dựa trên sự so sánh phương ngữ Nam Bộ và phương ngữ Bắc Bộ về âm (đồng âm/gần âm - biến âm/khác âm) và về nghĩa (đồng nghĩa/ gần nghĩa/ khác nghĩa).
Cùng đi khám phá những khác biệt này, bạn sẽ biết đâu là nhóm từ ngữ "riêng một góc trời": từ những danh từ chỉ có trong thiên nhiên, trong đời sống và trong sinh hoạt kinh tế - xã hội ở vùng đất này, đến những tính từ, trạng từ, từ láy, từ chỉ mức độ cùng những kiểu nói như trùm mền, chìm xuồng, đắp chiếu, sập tiệm, treo giàn bếp, thí cô hồn, chợ chồm hổm, dân bụi đời... đã làm nên "đặc sản" Nam Bộ.
Và bạn sẽ biết được từ đâu mà sinh ra những nóp, lọp, tha la, cà tăng, cà ràng, mình ên... và những khìa, xí muội, xí quách, xí ngầu, xì thẩu, xì dách, hên xui...
Bạn sẽ "ngạc nhiên chưa" khi biết được những cặp từ như vào và vô, ngấy và ngán, xem và coi, van xin và năn nỉ, ăn khao và ăn mừng... thoạt nghe rất giống nhau về nghĩa mà vẫn có lắm cái khác nhau!
Lại có những từ ngữ toàn dân được ghép đồng nghĩa đẳng lập nhưng lại dùng tiếng Nam trước tiếng Bắc sau: dơ bẩn, đau ốm, lời lãi, bao bọc, hư hỏng, dư thừa, mai mối, bồng bế, hăm dọa... Và ngược lại, tiếng Bắc trước tiếng Nam sau: thóc lúa, giẫm đạp, nông cạn, lừa gạt, sắc bén, lau chùi, chăn mền, đùa giỡn, thuê mướn...
Và còn nữa, tại làm sao ở miền Nam lại có lắm thứ "cà" đến vậy: cà chớn, cà rỡn, cà nhắc, cà nhót, cà thọt, cà lăm, cà nhỏng, cà tưng, cà rịch cà tang, cà xịch cà đuội, cà trật cà vuột...
Hiểu thêm, yêu thêm đất và người Nam Bộ
Cái làm nên giá trị và sức mạnh của Tiếng Việt phương Nam chính là cách tiếp cận phương ngữ không chỉ bằng con đường ngữ học dựa trên phương pháp phân tích ngữ nghĩa và phương pháp thống kê, mà còn dựa trên phân tích các yếu tố tự nhiên, văn hóa và tâm lý - xã hội nữa.
Những câu chuyện về cách xưng hô, về nhóm từ ngữ liên quan đến sông nước, về các tổ hợp tính từ chỉ mức độ cao, về từ láy và ngữ khí từ trong phương ngữ Nam Bộ, đặc biệt là những trang viết về ngôn ngữ và phong cách Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư - ba tên tuổi tiêu biểu cho ba thế hệ cầm bút miền Nam, khiến cho chúng ta không chỉ biết thêm mà còn hiểu thêm, yêu thêm đất phương Nam và người phương Nam.
Tiếng rao lạ lắm, không chỉ rao bán mà còn rao mua, không chỉ rao hàng mà còn rao dịch vụ, không chỉ rao mà còn... như hò nữa!
Xưng hô lạ lắm, ưa gọi nhau về phía bên ngoại (cậu ơi mua vé số đi/ dì ơi có bán bánh không...); thích dùng vai + thứ và kèm theo tên riêng, chức vụ, hình dạng (bác Hai, chú Năm, thím Tư, thầy Thông ngôn, bà phủ Ngọc, ông Hội đồng Tần...); thường rút gọn thành những ổng, bả, cổ, ảnh, chỉ, ẻm, thằng chả, con mẻ...
Và ăn ở cũng lạ lắm, giản dị, chân chất, phóng khoáng, hào sảng; nói năng hướng đến sự thân mật gần gũi dù không phải họ hàng, thân tộc; ứng xử hướng đến sự thân thiện, bình đẳng: "Một nguyên thủ quốc gia hay một người đạp xích lô, chạy xe ôm, bán vé số... khi vào đình, chùa, đến nhà thờ, đi lễ hội, làm lễ thành hôn trước bàn thờ gia tiên hay đứng trước linh cữu của cha mẹ... đều phải chung một nghi lễ. Ông bộ trưởng cũng phải vái lạy kẻ ăn mày nếu như người ta đến thắp nhang viếng cha (mẹ) mình"!
Sách này, do vậy, không chỉ là cẩm nang hữu ích cho những ai đang học tập, giảng dạy, nghiên cứu về tiếng Việt, những ai đang sống bằng nghề nói năng, viết lách với tiếng Việt, mà còn cần thiết cho mỗi chúng ta đang đọc, đang nói, đang viết mỗi ngày. Vì "ngó lơ" sao được, khi ngôn ngữ cũng chính là cuộc sống!
Chỗ kêu hộp quẹt, nơi gọi bao diêm
Cùng một sự vật mà hai miền lại nhìn thấy khác nhau: hộp quẹt - bao diêm, kiếng mát - kính râm, dầu thơm - nước hoa, vải sọc - vải kẻ, mít ướt - mít mật, bánh tráng - bánh đa...
Có khi nơi này dùng cả hai từ, nhưng nơi kia chỉ dùng có một thứ. Chẳng hạn, ở miền Nam người ta dùng cả hai yếu tố: màn/mùng, mủ/nhựa, thuốc tẩy/thuốc xổ... thì ở miền Bắc chỉ gặp cái thứ nhất. Trái lại, miền Bắc có đủ nón/mũ, bông/hoa, cây/gỗ, dư/thừa, cạn/nông, viết/bút, kêu/gọi, lạnh/rét, nóng/sốt... nhưng người Nam thường chỉ xài yếu tố đầu tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận