31/08/2020 09:30 GMT+7

Tiếng nước tôi: Lộn xộn chính tả quanh i và y

NGUYỄN ĐỨC DÂN
NGUYỄN ĐỨC DÂN

TTO - Hiện tượng viết lộn xộn i/y tồn tại lâu nay. Những bất nhất này cần được nhìn lại nhân câu chuyện Quy Nhơn hay Qui Nhơn (Tuổi Trẻ ngày 28 và 29-8).

Tiếng nước tôi: Lộn xộn chính tả quanh i và y - Ảnh 1.

Những gì lộn xộn đều do quy định không thuyết phục mà ra. Ngày 30-11-1980 Bộ Giáo dục và Ủy ban KHXH ban hành văn bản "Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục" trong đó có quy định những từ có vần /i/ thì viết nhất loạt i ngắn (trừ vài ngoại lệ - NĐD).

Khi âm tiết i đứng một mình

Trong thực tế, rất nhiều từ viết y dài khi /i/ đứng một mình làm âm tiết. Chúng ta viết khóc i ỉ nhưng lại viết y học, y đức, chuẩn y, y phục, viết ỉ eo nhưng lại viết ỷ lại, ỷ thế, ỷ sức, viết tiếng ầm ì nhưng lại viết sức ỳ , gọi nhau í ới nhưng viết ý kiến, ý định, ý nghĩa, ý tưởng, ý tại ngôn ngoại...

Phải chăng cách viết y dài (khi âm tiết i đứng một mình) đều là từ Hán - Việt? Hầu hết là như vậy. Điều này có nghĩa là quy định của Bộ Giáo dục chưa chú ý tới những quy luật khác trong chính tả tiếng Việt, trong đó có quy luật về nguồn gốc (từ nguyên) của từ.

Văn bản này còn quy định "Riêng trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i trừ uy...". 

Rõ ràng rằng còn rất nhiều từ Hán - Việt khác (có nguyên âm i ở cuối) chúng ta vẫn viết y dài: quốc kỳ, học kỳ, kỳ thi, kỳ nghỉ, kỳ lạ, ly kỳ, kỳ diệu, kỳ quan, kỳ quái, kỳ tài, kỳ thị, kỳ vọng, kỷ cương, kỷ luật, kỷ yếu, kỷ lục, kỷ niệm, thế kỷ, kỹ năng, kỹ xảo, kỹ sư, kỹ thuật, kỹ nghệ, ký giả, ký hiệu, ký sự, thư ký, ký túc xá, đố kỵ, cách ly, ly biệt, ly hôn, ly khai, ly tán, địa lý, vật lý, nguyên lý, lý do, lý luận, lý sự, lý thú, lý trí, lý tưởng, lý lịch, mỹ nữ, mỹ phẩm, mỹ quan, mỹ thuật...

Lẽ ra văn bản của Bộ Giáo dục nên viết "...trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán - Việt". Nhưng quy định này vẫn còn sinh ra quá nhiều ngoại lệ:

Cũng là từ Hán - Việt vần i nhưng chúng ta viết i ngắn với sĩ khí, ngu si, si tình, si mê, sĩ diện, sĩ số, vi hành, vi hiến, vi sinh vật, vi trùng, vị nghệ thuật, vị nhân sinh, vị giác, vị trí, vị tha, vị thế, vĩ đại, vĩ độ, vĩ tuyến, vĩ nhân, tu mi nam tử, kẻ sĩ, sĩ quan, nghệ sĩ, bác sĩ, tướng sĩ, binh sĩ, tu sĩ, sĩ phu, sĩ tử ("Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ / Ậm ọe quan trường miệng hét loa" - thơ Tú Xương).

Vì sao vậy? Vì Bộ Giáo dục chưa chú ý tới quy tắc ngữ dụng tâm trí thẩm mỹ của người Việt về sự cân đối trong hình chữ.

Sự cân đối trong hình chữ

Những con chữ s, v, m, n... cùng độ cao với i ngắn nên dù là từ Hán - Việt vẫn viết với i ngắn cho mặt chữ cân trên dưới. Đó còn là sự cân đối trái nghịch cao thấp giữa những con chữ phụ âm có độ nhô cao (l, k, h, t) và độ xuống sâu (g, p, q) của con chữ trong một từ, một từ ghép.

Ấy vậy nên sau những phụ âm l, k, h, t... người ta thường viết y dài cho cân mặt chữ dù quy định viết i ngắn: lý do, ký tên, hy vọng, công ty, tỵ nạn... Nhưng nếu mặt chữ là gh, ngh đã cân đối về độ cao thấp thì chỉ thấy i ngắn ở cuối: ghi công, yên nghỉ...

Đã là tên riêng, viết i hay y đều được. Tiếng Pháp hình như không có từ quyxxx, nên người ta viết Quinhon. Trong từ điển Robert 2, từ này được viết rời: Qui nhon. Tôi thường viết Quy Nhơn cho toàn từ có cân đối cao thấp.

Quy tắc ngữ dụng tâm trí thẩm mỹ về sự cân đối trong hình chữ của người Việt cũng áp dụng cho việc đặt dấu thanh tiếng Việt. Dấu thanh đặt ở chữ ngoài bìa cuối cùng trông rất mất cân đối. Điều này thấy rất rõ ở những từ có âm đệm /w/. Quy định của Bộ Giáo dục là bỏ dấu thanh điệu vào vị trí chữ cái thể hiện âm chính. Ví dụ: hoà, chích choè, quà, quờ, thuỷ điện, nguỵ biện... Những trường hợp này bị "xé rào" nhiều nhất.

Kìa tiếng chuông chùa bữa trước

Về việc đặt dấu thanh tiếng Việt, với những từ có nguyên âm đôi, không cần thêm quy tắc đặt dấu thanh nào nữa.

Chỉ cần đặt nó vào vị trí cân đối. Tức là không đặt dấu thanh vào chữ a đứng ngoài bìa cùng.

Cố giáo sư Phan Ngọc đã tóm tắt ba cặp nguyên âm đôi tiếng Việt cùng dấu thanh của chúng trong câu: kìa tiếng chuông chùa bữa trước. Vậy là xong.

Vì sao đổi tên thành phố Qui Nhơn thành Quy Nhơn? Vì sao đổi tên thành phố Qui Nhơn thành Quy Nhơn?

TTO - Câu chuyện tỉnh Bình Định đề nghị điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính TP Qui Nhơn (tỉnh lỵ Bình Định) thành TP Quy Nhơn đang được nhiều bạn đọc quan tâm.

NGUYỄN ĐỨC DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên