Nhưng chắc ít ai biết con đường trung tâm từng được gọi đại lộ này đã có một "cuộc đời" rất dài như chứng nhân của thành phố trải bao dâu bể lịch sử chiến tranh, thăng trầm và khát vọng đổi mới, phát triển...
Năm tháng khó khăn trên con đường cổ
Nối tiếp ký ức của cha mẹ mình, thế hệ U50 như chúng tôi chỉ có thể nhớ về đường Lê Lợi từ đầu thập niên 1980, thời điểm thành phố cũng như cả đất nước ngập chìm trong khó khăn hậu chiến. Gia đình may mắn có chút duyên với sách vở, nên một trong những ký ức đọng lại ở tôi trên đường này là cảnh buồn hiu của phố sách đã tồn tại hàng thập niên dưới tán cổ thụ.
Người Sài Gòn, nhất là lứa sinh viên như cha mẹ tôi lên đường Lê Lợi chơi những thập niên 50, 60 và đầu 70 của thế kỷ trước, chắc chắn không thể nào bước vội qua các tiệm sách.
Những năm trước 1975, đại lộ Lê Lợi không chỉ chốn dạo chơi, hẹn hò, mà còn nổi tiếng là đường sách để bạn đọc thích thể loại sách gì cũng có, từ những tiểu thuyết Việt ngữ tình cảm mùi mẫn, truyện chưởng, trinh thám ly kỳ đến các sách báo ngoại văn hiện đại.
Trong đó, riêng nhà sách Khai Trí đã đọng lại rất nhiều kỷ niệm cho người Sài Gòn lớn tuổi, bởi ông Nguyễn Hùng Trương gầy dựng nhà sách nổi tiếng này từ năm 1952 khi con đường còn mang tên Bonard, phó đề đốc hải quân Pháp.
Sau năm 1975, nhà sách Khai Trí không còn nữa, đường sách Lê Lợi cũng thu hẹp dần, hẹp dần vì người bán nhiều hơn người mua. Những người cần bán sách để mua ký gạo, viên thuốc thời khó khăn hậu chiến.
Một số người từng là chủ tiệm sách đã ra vỉa hè trải bạt bán đủ thứ "lạc xoong" để mưu sinh thời buổi nồi cơm cần hơn tủ sách. Những năm đầu thập niên 1980, tôi vẫn nhớ cảnh dân "chợ trời" hò hét nhau bỏ chạy khi công an đi dẹp lòng lề đường.
Tấm bạt mà họ cuộn vội để ôm chạy có những quyển sách cũ, có hộp quẹt gas, cây viết bic, đôi giày mòn vẹt, bộ quần áo sờn rách... mà kẻ nào đó vừa năn nỉ bán cho họ để trải ra vỉa hè trông ai đó cần mua lại.
Hai hàng cây cổ thụ trăm năm tỏa bóng mát trên đại lộ Lê Lợi thời kỳ này lại tiếp tục như chứng nhân phận người nhọc nhằn mưu sinh. Các nhà hàng, quán xá nổi tiếng dọc bên đường phần lớn đóng cửa. Người ta tìm ăn ở vỉa hè nhiều hơn, những món rẻ tiền như tô bún riêu, hủ tiếu, đĩa bột chiên, ổ bánh mì, gói xôi trên đôi quang gánh hay chiếc thùng ở yên sau xe đạp người bán.
Dưới đường, những hàng xe hơi đời mới bóng bẩy năm nào cũng gần như biến mất để chủ yếu là những chiếc xe đạp và lác đác xe máy mà hầu hết đã cũ kỹ theo thời gian. Thương xá TAX sang trọng, từng bán trăm thứ sang trọng năm nào cũng được đổi thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố và dành chỗ cho những thứ "thiết thực hơn" trong thời buổi ai cũng quay cuồng chuyện cơm áo gạo tiền.
Tuy nhiên, ở một góc nhỏ nào đó, đây cũng là thời kỳ "có thể làm ăn" của những người lanh lợi. Bản thân tôi cũng từng được người mợ bà con nhờ vào cửa hàng bách hóa trung tâm này mua xà bông kem với "giá nhà nước" để về bán lại ở chợ nhỏ kiếm lời vài đồng.
Ngoài mặt đường còn có những người bê thùng gỗ đi bán "linh tinh", nhưng thật ra một số trong họ là vệ tinh đổi tiền đô ở thời kỳ kiều bào di tản bắt đầu gửi tiền về giúp thân nhân.
Và người ta cũng có thể tìm mua những thứ rất hiếm trong các thùng gỗ nhỏ xíu của dân bán ở vỉa hè Lê Lợi, Nguyễn Huệ, từ viên thuốc tây đến băng cassette, thuốc lá ngoại... được thủy thủ tàu viễn dương lén lút đưa về...
Đổi mới và phát triển
Rồi khi các thùng gỗ của dân bán vỉa hè Lê Lợi đầy lên, khi người tìm mua cũng đông hơn, kể cả khách tây đi du lịch, thì thành phố đã dần thay đổi sinh khí, bắt đầu bước vào cuộc đổi mới từ cuối thập niên 1980. Lứa mới lớn chúng tôi cũng thạo dần quán kem Bạch Đằng bán ly và được ngồi vắt vẻo ăn trên chiếc ghế gỗ bọc nệm tươm tất thay cho cây kem đá rẻ tiền ngồi mút dưới gốc cổ thụ bên đường Lê Lợi.
Chiều chiều, những đôi trai gái cũng dặt dìu chở nhau trên xe máy đổ lên khu trung tâm này nhiều hơn, dù hầu hết còn là "xe nghĩa địa" cũ kỹ mua ở biên giới. Vậy là 10 năm hậu chiến khó khăn nhất dần qua, thành phố đang khát khao đổi mới, phát triển. Và đại lộ Lê Lợi lại tiếp tục là chứng nhân như đã chứng kiến người Pháp đến rồi đi, cuộc chiến khốc liệt 20 năm cho đến ngày hòa bình mong đợi.
Đó cũng là thời điểm tôi học báo chí rồi may mắn được đi viết lách từ khi vẫn còn là sinh viên. Đường Lê Lợi tiếp tục là nơi tôi thường xuyên lui tới vì các tờ báo cộng tác ở gần khu vực này. Một ngày năm 1994, người qua đường ai cũng ngước lên nhìn tòa nhà New World, khách sạn lớn và hiện đại nhất thời điểm đó được xây dựng trên đoạn đường Lê Lai nối dài từ Lê Lợi.
Một nơi đã đón tiếp nhiều nhân vật đặc biệt đến Việt Nam để thúc đẩy thêm bước ngoặt bang giao hai nước như Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống George W.H.Bush... Đại lộ Lê Lợi từng in dấu giày lính Mỹ thời chiến , giờ lại in dấu những nguyên thủ Mỹ cùng sự sang trang lịch sử hợp tác và phát triển với đất nước nay đã là bạn.
Còn nhớ nối tiếp New World, bốn năm sau ở đầu bên kia đường Lê Lợi lại xuất hiện thêm một cao ốc sừng sững tỏa bóng xuống khu trung tâm. Đó là khách sạn Caravelle 24 tầng mới xây bên tòa nhà 10 tầng xưa cũ từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trước 1975, nơi từng là điểm tụ họp của nhiều nhà báo quốc tế săn tin chiến cuộc như ở hotel Continental gần đó.
Sau Caravelle lại tiếp tục đến cao ốc Saigon Center soi bóng xuống Lê Lợi... Đại lộ vắt qua ba thế kỷ của đô thị Sài Gòn - TP.HCM đã thật sự bước vào sinh khí mới, sinh khí của giai đoạn thành phố phát triển mạnh mẽ như là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Sang giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, một bước ngoặt lịch sử mới lại diễn ra trên đại lộ trung tâm này. Việc thực hiện đại dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đã buộc phải chặt bỏ nhiều cây cổ thụ và rào kín đường Lê Lợi để xây dựng ga ngầm. Hơn 7 năm "lô cốt bít bùng" khu trung tâm vừa được lần lượt gỡ bỏ.
Nhiều chủ tiệm, cửa hàng bên đường tâm sự mình như tái khởi nghiệp lần thứ hai sau thời gian dài tê liệt vì đường phố bị bít kín. Họ đối diện cơ hội mới mà cũng đầy khó khăn thử thách ở giai đoạn này.
Gần đây, hình ảnh đường Lê Lợi rộng rãi mà toàn bê tông giữa những ngày nắng nóng như đổ lửa lại gây xôn xao dư luận về câu hỏi tái trồng cây xanh như đại lộ xưa cũ từng rợp bóng mát thân thương hay làm mái che?
Trong khi hầu hết bạn đọc Tuổi Trẻ thăm dò ủng hộ trồng lại cây xanh để lọc không khí tự nhiên, tạo cảnh quan và bóng mát, thì phía đề xuất làm mái che cũng có quan điểm. Họ cho rằng đường phố nhiệt đới cần mái che cho du khách cũng như bảo đảm sự an toàn hạ tầng ga ngầm dưới lòng đường.
Nhiều phản biện thuận chiều, trái chiều của các nhà chuyên môn đã được đăng tải, trồng cây xanh thì thế nào, làm mái che ra sao. Gần đây lại có ý kiến vừa làm mái che vừa trồng cây xanh, và thành phố vẫn đang xem xét...
Mong rằng những chọn lựa cuối cùng sẽ đúng đắn cả về khoa học lẫn lòng dân. Bởi đại lộ Lê Lợi, tức Bonard ngày trước, là con đường cổ xưa từng được tạo lập trên dòng kinh thông nước với sông Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19.
Một đại lộ đã có "cuộc đời" dài qua ba thế kỷ gắn liền cùng bao dâu bể lịch sử chiến tranh, thăng trầm và phát triển. Việc tôn tạo đúng đắn và thuận hợp nhân tâm sẽ làm đẹp thêm cho đại lộ Lê Lợi cũng như gìn giữ "long mạch" thành phố lớn nhất nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận