04/04/2023 15:06 GMT+7

Lê Lợi, đại lộ tình yêu - Kỳ 3: Đại lộ đâu chỉ có tình yêu

Thuở ấy, cô nữ sinh Phượng vừa sang tuổi mộng mơ, cuối tuần hay lên đại lộ Lê Lợi dạo chơi với bạn bè để mua sách, chụp hình, ăn kem, xem phim...

Mỹ Lai ảnh viện khoảng thập niên 1950 trên đường Lê Lợi - Ảnh tư liệu

Mỹ Lai ảnh viện khoảng thập niên 1950 trên đường Lê Lợi - Ảnh tư liệu

"Tôi nhớ hồi thập niên 1960, cứ cuối tuần, học sinh lớp lớn và sinh viên hay lên dạo chơi, hóng mát ở đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng bên bờ sông Sài Gòn. 

Nữ sinh ngày đó thường thong thả đi xe đạp, mặc áo dài trắng trông rất dịu dàng dưới tán xanh cổ thụ trên những đại lộ xưa cũ này", bà Trần Thị Phượng, 75 tuổi, một người Bắc di cư vào Sài Gòn từ năm 1954, nhắc nhớ kỷ niệm khó quên.

Con đường mộng mơ

Thuở ấy, cô nữ sinh Phượng vừa sang tuổi mộng mơ, cuối tuần hay lên đại lộ Lê Lợi dạo chơi với bạn bè để mua sách, chụp hình, ăn kem, xem phim và cả... ngóng đợi tín hiệu tình yêu đôi lứa. 

Nhiều năm với bao đổi thay thời cuộc đã trôi qua rồi, bà Phượng vẫn nhớ thời sinh viên lứa bà rất thích ra đại lộ này, mà nhiều khi chỉ là để dạo chơi nhưng cũng có khi là để... biểu tình. Bởi đầu đường là tòa nhà nghị viện, cánh báo chí cũng hay tụ tập ở đây để săn tin tức nóng hổi, nhất là khách sạn Continental luôn có phóng viên quốc tế làm cho các hãng thông tấn lớn không bị kiểm duyệt.

Ngược chút dòng thời gian trở lại thời điểm năm 1955, khi cô bé Phượng còn nhỏ vừa mới từ Hà Nội vào Sài Gòn một năm, thì được cha mẹ lần đầu dẫn lên đại lộ Lê Lợi để mua sách, ăn kem và xem phim. 

"Hồi ấy chưa có hiệu kem Bạch Đằng, nếu tôi nhớ không nhầm thì tiệm kem mình ăn ở đường Lê Lợi là Lan Phương hay Phương Lan gì đó. Và cả bên Nguyễn Huệ cũng có những tiệm kem rất ngon. Nữ sinh vào ăn, các chàng sinh viên và cả thanh niên đi làm rồi cũng là đà vào theo".

Năm 1955 cũng là thời điểm tên Bonard của phó đề đốc hải quân Pháp từng giữ chức vụ thống đốc Nam Kỳ bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới hạ xuống để thay bằng đại lộ Lê Lợi. Đây cũng là thời điểm đồng loạt tất cả tên đường tướng lãnh, chính khách Pháp đều bị hạ xuống để vinh danh các bậc anh hùng, danh nhân nước Việt. 

Nhịp sống thời sự nóng bỏng trên đại lộ Lê Lợi trước 1975 với những tờ quảng cáo ra mắt nhật báo Tin Sống Ảnh tư liệu

Nhịp sống thời sự nóng bỏng trên đại lộ Lê Lợi trước 1975 với những tờ quảng cáo ra mắt nhật báo Tin Sống Ảnh tư liệu

Tấm bảng Bonard từng gắn trên đại lộ này hơn nửa thế kỷ chỉ còn mờ nhạt trong ký ức người lớn tuổi, còn cô Phượng sinh năm 1948 và mới vào Sài Gòn năm 1954 chỉ nhớ đến tên Lê Lợi, vị vua chống ngoại xâm của dân tộc mình.

Người Pháp đến bằng pháo hạm rồi cũng phải ra đi để sang trang lịch sử. Nhiều tên cửa tiệm bằng tiếng Pháp ở đại lộ Lê Lợi cũng như các con đường khác dần dần được hạ xuống và thay bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. 

Cô nữ sinh Phượng không còn vào xem phim ở rạp Casino Saigon của người Pháp tại số 28 Lê Lợi ngay góc đường với Pasteur nữa, mà cô đã xem ở rạp Rex hiện đại, có thang cuốn, màn hình lớn hơn. Thời cô, các nhà sách san sát nhau ở đại lộ này cũng vắng dần sách tiếng Pháp để thay bằng rất nhiều sách tiếng Việt cội nguồn.

Ngoài mê sách, xem phim, người trẻ Sài Gòn ngày ấy lên chơi trên đường Lê Lợi còn có một thú vui khác là chụp hình lưu giữ lại thời xuân sắc không bao giờ trở lại của mình. Đại lộ này từng xuất hiện những tiệm chụp hình nổi tiếng thời Pháp đầu thế kỷ 20, và về sau vẫn có những tiệm khác đủ sức cuốn hút khách chụp. 

Từ năm 1921, tại nhà số 54 Bonard (Lê Lợi) đã có tiệm chụp hình Khánh Ký nổi tiếng của người Việt. Và tên đầy đủ của vị chủ nhân là Nguyễn Đình Khánh, người tiên phong mở nghề ảnh ở làng nhiếp ảnh danh tiếng Lai Xá, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) rồi phát triển ra nhiều nơi, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn.

Đương thời, ông Khánh kết giao với nhiều chí sĩ yêu nước, trong đó có cụ Phan Chu Trinh. Năm 1926, khi cụ Phan Chu Trinh mất bệnh ở Sài Gòn, chính ông Khánh là người đi theo từ đầu đến cuối để chụp hình tang lễ mà đến nay vẫn còn rõ tấm hình lịch sử hai vạn đồng bào kính tiễn bậc nhân sĩ yêu nước...

Thời trẻ của bà Phượng từ sau năm 1955 không còn chụp hình ở Khánh Ký nữa, nhưng vẫn có một tiệm nổi tiếng khác ngay gần đó là Mỹ Lai ảnh viện tại số 48 Lê Lợi, chỉ cách Khánh Ký vài ngôi nhà. Điều đặc biệt, ông Nguyễn Văn Đoàn, còn gọi Viên Đoàn, chủ nhân Mỹ Lai ảnh viện này, cũng người quê Lai Xá như ông Nguyễn Đình Khánh. 

Có người nói cái tên Mỹ Lai mới nghe dễ bị nhầm lẫn, nhất là giai đoạn chiến cuộc nhiều lính Mỹ ở miền Nam và có con rơi rớt, nhưng ông Viên Đoàn đã giải thích rất nghệ thuật trong nỗi niềm thương quý quê hương: Mỹ tức là mỹ thuật, Lai là Lai Xá, nghệ thuật của quê hương Lai Xá.

Nhiều năm kể chuyện lên đại lộ Lê Lợi chụp hình, bà Phượng vẫn còn kỷ niệm: "Tôi nhớ tiệm chụp hình Mỹ Lai tọa lạc trên đoạn đường rất sầm uất. Căn nhà liền bên là tiệm làm tóc Xuân Ngàn Hồng với những lời quảng cáo rất kêu như "uốn tóc mô đéc, danh tiếng thủ đô". Các cô lên đây làm tóc tai, trang điểm xong, chỉ một bước chân đã qua tiệm chụp hình. Họ phối hợp với nhau thật khéo, chẳng biết có bà con, bạn bè gì cùng liên kết làm ăn không?".

Một đoạn phố sách Lê Lợi trước 1975 - Ảnh tư liệu

Một đoạn phố sách Lê Lợi trước 1975 - Ảnh tư liệu

Và lý tưởng tuổi trẻ

Theo trí nhớ những cựu dân Sài Gòn lớn tuổi, đại lộ Lê Lợi trước 1975 còn các tiệm chụp hình khác như tiệm mang tên Thụy Sĩ liền kề tiệm tóc Xuân Ngàn Hồng và Mỹ Lai ảnh viện. Cuối tuần các nơi này đều rất đông khách, vì giới trẻ thành phố thường đổ về đây chơi, chụp hình kỷ niệm. 

Những tấm hình đôi lứa, bạn bè bên nhau nhiều khi mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, vì các chàng trai nay còn có thể mai đã mất trong chiến tranh. Đại lộ Lê Lợi như chứng nhân những mối tình lãng mạn và buồn mong manh thời đạn bom.

Bà Phượng tâm sự mình đã chụp chung với nhiều bạn bè dưới những tán xanh mát rượi của con đường trung tâm thành phố này, nhưng sau đó nhiều người chỉ còn trong nỗi nhớ. Các chàng trai, kẻ bị bắt quân dịch, người theo tiếng gọi núi sông vào chiến khu và mãi mãi không trở về. Những Hùng, những Tuấn, Minh, An mới vừa hóng mát sông Sài Gòn, vui vẻ cùng nhau bên ly kem, thế mà thời gian vụt vèo ngắn ngủi sau đã chỉ còn trong ký ức từ những tấm hình ố màu thời gian. Một người bạn trai trong trái tim bà Phượng cũng đã hẹn hò nhau lần cuối cùng ở đại lộ này!

Sang năm 1963, cuối đường Lê Lợi ở công trường Diên Hồng trước cổng chợ Bến Thành (thời Pháp gọi là Place d'Eugène Cuniac, đặt theo tên một thị trưởng Sài Gòn) đã xảy ra một sự kiện chấn động giới trẻ thành phố. Đó là nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết trong cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ ngày 25-8-1963. Cái chết của nữ sinh mới tròn tuổi 15 đã rúng động nhân tâm. Về sau công trường Diên Hồng nơi cô ngã xuống đã được đổi tên thành Quách Thị Trang để tưởng nhớ về cô. 

Trước năm 1975, nhiều người trẻ đô thành Sài Gòn lên đường Lê Lợi chơi, hay dừng lại thắp nén nhang cho cô. Dưới ánh đèn đường lẫn trong ánh sáng hỏa châu quân sự, khói nhang viếng cô gái hùng anh như nhắc nhớ trách nhiệm mỗi người với non sông.

Đất nước thời chiến tranh, loạn lạc, những đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ rợp tán xanh cổ thụ đâu chỉ là chốn mộng mơ, hẹn hò yêu đương, mà còn là nơi tụ họp luận bàn thời cuộc và chính nghĩa để cùng dấn thân cho lý tưởng.

Tiếp nối thời Pháp thuộc, đại lộ Lê Lợi từ 1955 đến 1975 vẫn luôn được mệnh danh là "chốn ăn chốn chơi" của người Sài Gòn. Ai đến thăm thành phố này cũng được dắt lên đây, để ngắm cảnh đường phố với các dãy xe hơi đời mới đậu san sát nhau, rồi đi mua sắm ở thương xá Tax, nghe nhạc Bồng Lai, cà phê Givral, xem phim rạp Rex, nghỉ ngơi khách sạn Continental (nếu có điều kiện).

Đặc biệt, nơi này còn là đường sách nổi tiếng với rất nhiều tiệm sách lớn nhỏ từ vỉa hè vào nhà phố sang trọng, mà điểm nhấn chính là nhà sách Khai Trí lừng danh được ông Nguyễn Hùng Trương gầy dựng từ giữa thế kỷ 20 ở số 62 đại lộ Lê Lợi.

Sau năm 1975, Lê Lợi tiếp tục là con đường trung tâm lộ rõ tình hình đất nước giai đoạn khó khăn và cuộc chuyển mình đổi mới, phát triển...

Kỳ tới: Con đường của khát vọng đổi thay

Lê Lợi, đại lộ tình yêu - Kỳ 2: Những người in dấu đại lộ Lê LợiLê Lợi, đại lộ tình yêu - Kỳ 2: Những người in dấu đại lộ Lê Lợi

Từ thuở đầu thế kỷ 20, đâu chỉ người Pháp gầy dựng cơ nghiệp, mà chính nhiều người Việt cũng góp phần tạo nên danh tiếng cho đại lộ Bonard, tức Lê Lợi sau này...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên