Trước vụ đánh bắt mỗi năm, họ giong thuyền ra biển làm lễ linh thiêng tri ân tiền nhân giữ gìn biển cả quê hương, và cầu mong an lành, ngư dân đoàn kết, tôm cá đầy khoang.
Một chiều biển đẹp, hai tàu cá công suất 135CV nổ máy giòn tan đưa chín trưởng làng của xã Gio Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) ra vùng cửa biển Cửa Việt làm lễ cúng cầu ngư.
Lễ cầu ngư giữa biển
Nhiều tuần trước lễ cầu ngư, các vạn chài ở Gio Việt đã chộn rộn chờ đón nghi lễ hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh ngư dân. Nhà nhà sửa sang tàu thuyền, ngư lưới cụ để sẵn sàng ra khơi ngay sau lễ cầu ngư. Họ xuất quân đánh bắt vụ cá đầu tiên quyết định sự thành bại một năm.
Chín trưởng làng họp lại, chọn ngày lành tháng tốt và cắt cử các vị trí đại bái, tiểu bái. Điều đặc biệt là trong chín làng có một làng chuyên làm nông nghiệp nhưng vẫn được dự lễ như làng ngư nghiệp thực sự. Có năm, trưởng làng nông nghiệp lại làm chủ lễ cầu ngư. Điều này nói lên mọi làng đều bình đẳng, gắn bó với nhau.
Sau 30 phút, thuyền thả neo ở nơi dòng nước sông và biển giao nhau. Ngư dân Trần Quang Dũng, 57 tuổi, lý giải cửa lạch là nơi vào ra, cửa ngõ khi làm ăn. "Đây là nơi các thần linh trú ngụ, ngư dân thổi hết hồn vào đó. Khi tàu xuất bến, ra cửa lạch bình yên thì chuyến biển mới thuận lợi", ông Dũng nói.
Các bô lão sửa soạn lễ vật ngay trên boong con tàu đánh cá xa khơi. Nghi thức bắt đầu bằng lễ cáo đất trời, tổ tiên, thần biển và những ngư dân bỏ mình giữa trùng khơi sóng nước. Lời mời những bậc tiền nhân về dự cúng cầu mùa cùng với ngư dân. Lễ cáo kéo dài ít phút, mũi tàu hướng ra phía biển để rước thần linh lên tàu.
Khi đã đủ "khách mời", ngư dân quay mũi tàu hướng đất liền với ý niệm chở tôm cá đầy khoang vào bờ. Lễ cầu ngư chính thức bắt đầu. Nghi thức kéo dài khoảng một tiếng nhằm cầu cho toàn bộ ngư dân, tàu thuyền trong xã được bình an, biển được mùa, từ đó đoàn kết, hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn, thiên tai trên biển.
"Lễ cúng cho những người đã mất giữa trùng khơi, cầu mong linh hồn họ không đói khát, thiếu thốn, thể hiện lương tâm người sống lo cho người chết. Hằng năm ngư dân bỏ mạng giữa biển không ít. Lễ tạ ơn người đã khuất gìn giữ biển cả quê hương, mong người tiếp bước được bình an", ông Nguyễn Văn Ba, 69 tuổi, bộc bạch.
Cựu binh Gạc Ma lại giong tàu ra khơi
Lễ cầu ngư có lịch sử hàng trăm năm nay, từ khi ngư dân Gio Việt còn dùng thuyền buồm, chèo tay để đánh bắt hải sản. Từ nghi lễ tâm linh này mà các ngư dân gắn bó chặt chẽ với nhau mỗi khi ra khơi đánh bắt. Cũng từ đó mà vùng đất Gio Việt sinh ra những ngư dân anh hùng từ xưa đến nay.
Ngư dân Trần Quang Dũng từng là một người lính có mặt trong trận hải chiến Gạc Ma. Tháng 3-1987, anh Dũng đi lính nghĩa vụ, ra bãi Gạc Ma, Trường Sa trong chiến dịch CQ-88. Trận hải chiến Gạc Ma sáng 14-3-1988 luôn hằn sâu trong tâm trí anh. Sau trận chiến, anh may mắn sống sót, trôi dạt trên biển rồi được tàu cấp nước cứu vào đảo Sinh Tồn.
Đến 1990, hết nghĩa vụ quân sự, anh Dũng trở về Gio Việt, tiếp tục bám biển trên tàu cá đánh bắt quanh vùng đảo Cồn Cỏ cùng với sáu thuyền viên xã nhà. "Mỗi chuyến ra biển, chúng tôi thường đi theo vạn 5 - 7 chiếc cùng nhau, đánh bắt cách nhau 5 - 10 hải lý. Chiếc nào dò được cá thì báo cả đoàn cùng đến hợp sức, nhiều tàu thì dò ra đàn cá to hơn, không ngần ngại chia nhau sản lượng", ông Dũng chia sẻ.
Cùng hợp sức đánh cá, họ còn tương trợ nhau trên biển. "Tai nạn, rủi ro với nghề biển là khó tránh. Khi một ai gặp hoạn nạn, dông gió, lốc xoáy trên biển thì cả vạn bỏ hết chuyến biển cùng tới cứu giúp", ông Dũng nói.
Tấm lòng vạn chài Gio Việt còn phải kể đến ngư dân trẻ Trần Xuân Cường (31 tuổi). Nhớ tháng 10-2020, khi tàu Vietship 01 bị chìm ở cửa biển Cửa Việt - cách vị trí cầu ngư hôm nay vài trăm mét - anh Cường dũng cảm cùng bạn nghề đi trên tàu cá, vượt sóng dữ ra cứu các thuyền viên mắc kẹt.
Sóng lớn lại đánh chìm tàu cứu hộ, anh Cường bị kẹt trên tàu Vietship 01 một đêm. Sau vụ cứu nạn, anh Cường được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.
Xã biển hùng cường
Nhờ đoàn kết, gắn bó với nhau trên đất liền cũng như giữa biển khơi, ngư dân Gio Việt đi đầu trong đánh bắt hải sản ở huyện Gio Linh nhiều năm qua. Ông Lê Ánh Hùng - chủ tịch UBND xã Gio Việt - cho biết sản lượng đánh bắt hằng năm Gio Việt luôn đứng đầu huyện, đạt 2.500 tấn/năm, chế biến 10.000 tấn/năm. Hải sản chủ lực của xã là cá cơm, cá nục hấp sấy xuất khẩu đi Trung Quốc.
Trong những ngày trước và sau Tết Giáp Thìn, ngư dân Gio Việt miệt mài bám biển, nhờ đó mà sản lượng trong quý 1-2024 đã đạt 1.240 tấn, bằng 50% chỉ tiêu cả năm. "Với đà này thì ngư dân Gio Việt sẽ thắng lớn trong 2024", ông Hùng nói.
Ngư dân Gio Việt cũng từng trúng những mẻ cá đi vào lịch sử ngành thủy sản Việt Nam. Tháng 3-2017, ngư dân Lê Văn Tuấn trúng mẻ cá bè xước 150 tấn, trị giá 5 tỉ đồng ở ngư trường Cồn Cỏ.
Hai năm sau, tháng 2-2019, đến lượt ngư dân Lê Văn Viện trúng mẻ cá bè xước 120 tấn, thu về 4 tỉ đồng. Sau hai mẻ cá kỷ lục này, cả hai ngư dân Tuấn và Viện đều dùng hơn 1 tấn cả để tặng bà con ngư dân khắp cả vùng Gio Linh và Triệu Phong.
Họ đều là những người có trên 20 năm can trường gắn bó với biển cả, bền gan vững chí dù năm nào cũng đối mặt với mưa dông, bão táp. Việc trúng những mẻ cá kỷ lục, ngoài một phần may mắn, thì còn ở kinh nghiệm và con mắt nhìn sóng nước. Và với họ, đó cũng là món quà biển cả dành tặng cho tấm lòng tôn kính biển của ngư dân trong suốt hàng trăm năm qua.
Ông Lê Ánh Hùng cho hay lễ cầu ngư gắn sâu vào đời sống tâm linh ngư dân Gio Việt và các xã vùng biển nói chung. Lễ cúng cầu mưa thuận gió hòa, biển yên lặng, tàu thuyền bội thu.
"Ngay đầu năm âm lịch, các gia đình có tàu thuyền đã làm lễ cúng tại nhà. Đến tháng 2, tháng 3 thì các vạn cúng. Sau đó xã chủ trì, cùng các làng chài, tàu thuyền, cơ sở chế biến, hậu cần cùng với nhau làm lễ cúng và ra quân đánh bắt vụ cá nam, vụ trọng điểm của năm", ông Hùng thông tin.
Lễ cúng đơn giản, không cầu kỳ nhưng là nghi thức không thể thiếu để an dân, củng cố niềm tin, năm nào tổ chức chu đáo thì bà con tin tưởng sẽ được mùa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận