Chiều 15-3, UBND tỉnh Quảng Trị và chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) đã cùng tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp về đề án thí điểm xây dựng khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
Khu kinh tế chung xuyên biên giới
Theo đề án cơ bản đã được thống nhất, khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung về phía Việt Nam sẽ bao gồm khu vực khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích 15.854ha;
Phía Lào bao gồm khu vực khu thương mại biên giới Densavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu), có chiều dài 19km dọc theo sông Sê Pôn và tuyến Đường 9, chiều rộng khoảng 1km, gồm 13 bản.
Khi triển khai, hai bên cùng xây dựng một khu kinh tế thương mại xuyên biên giới đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước, có sự kết nối về hạ tầng và chính sách, nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình.
Quá trình hoạt động sẽ tiến hành xây dựng hàng rào cứng đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn, khu công nghiệp; thay vì dựa vào các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước như trước đây.
Lực hấp dẫn đối với khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan chủ yếu dựa vào các cơ chế "phi thuế quan", tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, dịch vụ logistics.
Còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu của các bộ, ngành cho rằng vẫn còn nhiều điều phải hoàn thiện trước khi triển khai đề án. Trong đó, các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và hạ tầng là những vướng mắc cần phải có được sự thống nhất của hai nước để cùng tháo gỡ.
Các đại biểu cũng cho rằng định hướng phát triển của khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung phải hướng tới hình mẫu "khu thương mại tự do" kiểu mới, đó là hình thành các trung tâm logistics "thế hệ mới" quốc tế, khu công nghiệp "phát triển xanh", gắn liền đô thị thông minh, sáng tạo.
Ông Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - nói kết quả hội thảo, hai bên đã thống nhất tiếp cận mô hình hai nước hai khu kinh tế, nhưng có không gian kinh tế chung.
Ở đó sẽ áp dụng thống nhất một số cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn quy định pháp luật của mỗi nước; cho phép lao động Việt Nam sang làm việc tại các dự án ở khu thương mại biên giới Densavan cao hơn tỉ lệ quy định của Nhà nước Lào.
Điều này sẽ giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài khi triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh tại Lào đó là vấn đề lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo.
"Để triển khai thực hiện cần phải có sự điều chỉnh, ban hành các cơ chế chính sách và đồng bộ về một số quy định pháp luật giữa Việt Nam và Lào, đây là vấn đề mới và khó nhưng đã có chủ trương của hai Bộ Chính trị và Chính phủ hai nước, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai thực hiện từng bước từ dễ đến khó", ông Đồng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận