27/07/2022 15:21 GMT+7

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - “Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, tỉ lệ đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỉ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm…”.

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Một dự án ở huyện Mê Linh (Hà Nội) bỏ hoang đất hơn 10 năm - Ảnh: QUANG THẾ

Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) cho biết như vậy khi lấy ý kiến dự thảo dự án Luật đất đai (sửa đổi) trên cổng thông tin điện tử Bộ TN-MT trước khi trình Chính phủ.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến tại cổng thông tin điện tử Bộ TN-MT (https://monre.gov.vn/đến hết ngày 25-9.

Bộ TN-MT cho biết sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ. Sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhà ở đô thị.

Bên cạnh đó Luật đất đai năm 2013 đã tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước...

Theo Bộ TN-MT mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai nên Luật đất đai năm 2013 đã bộc lộ tồn tại, hạn chế.

Một số hạn chế như: Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất. Nguồn lực về đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển nhưng chưa thực sự phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp. Đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỉ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm. Số vụ án liên quan đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm...

Dự thảo dự án Luật đất đai (sửa đổi) được xây dựng bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai. Mục đích của việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Tạo lập cơ sở pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên, nguồn lực đất đai.... Đồng thời giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.

Về bố cục của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được sắp xếp như luật đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Phó thủ tướng yêu cầu giải quyết nhiều vụ khiếu kiện đông người liên quan đất đai Phó thủ tướng yêu cầu giải quyết nhiều vụ khiếu kiện đông người liên quan đất đai

TTO - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Thanh Hóa… giải quyết 13 vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, trong đó có nhiều vụ việc liên quan tới đất đai.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên