05/01/2013 08:00 GMT+7

"Lấy cắp" giờ công: Chữa "bệnh" từ gốc

GS.TS NGUYỄN HỮU KHIỂN (nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia)VÕ VĂN THÀNH ghi
GS.TS NGUYỄN HỮU KHIỂN (nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia)VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Dõi theo loạt bài trị “bệnh” công chức trên báo Tuổi Trẻ, tôi nhớ mãi chi tiết một người dân phản ảnh với ông bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh câu chuyện “vào xã xin cái dấu nhưng bí thư xã nằm trên bàn, chủ tịch xã nằm dưới ghế. Phòng làm việc của ủy ban sặc mùi rượu”.

Trị bệnh công chức “lấy cắp” giờ công

Thực trạng một bộ phận công chức ham nhậu chắc rằng không chỉ có ở Hà Tĩnh và không chỉ có ở cấp xã. Chính vì vậy, việc Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc cấm cán bộ, công chức uống rượu bia vào buổi sáng và buổi trưa là cần thiết. Đây không đơn thuần là vấn đề liên quan đến an toàn giao thông, mà còn là chất lượng làm việc và hình ảnh cán bộ, công chức trong mắt người dân.

Cũng phải nói thẳng rằng giữa nhậu nhẹt vào buổi sáng hoặc buổi trưa với lấy cắp giờ công luôn song hành với nhau.

Vì sao lại xảy ra thực trạng nêu trên? Một phần nguyên nhân từ cách thức bố trí thời gian công vụ của chúng ta. Có dịp đi nghiên cứu chế độ công chức, công vụ nhiều nước trên thế giới, chúng tôi chưa thấy có nước nào bố trí thời gian nghỉ trưa kéo dài đến hai giờ đồng hồ như nước ta (thông thường từ 11g30-13g30).

Đây là một quán tính kéo dài từ thời bao cấp, với việc bố trí giờ nghỉ trưa khá “rộng rãi” để cán bộ, công chức có thể về nhà ăn trưa và nghỉ ngơi trước khi trở lại làm việc vào buổi chiều. Lâu dần người ta thấy thời gian buổi trưa “rộng rãi” như vậy nên mới nảy sinh tâm lý “tranh thủ” nhậu nhẹt. Những nền hành chính hiện đại thường bố trí thời gian nghỉ trưa ngắn trong vòng một giờ.

Nếu để ý quan sát chúng ta sẽ thấy rằng người nước ngoài (nhất là từ những nước phát triển) sang Việt Nam làm việc đều ngạc nhiên trước thói quen nghỉ trưa kéo dài của ta. Đã đến lúc chúng ta nên nghiên cứu điều chỉnh thời gian công vụ hợp lý hơn, theo hướng vẫn đảm bảo ngày làm việc tám giờ nhưng rút ngắn thời gian nghỉ trưa, trước hết có thể thí điểm ở các đô thị lớn.

Nguyên nhân gốc rễ hơn nằm ở bộ máy hành chính cồng kềnh mà hiệu quả thấp. Không phải tự nhiên mà ông Trần Trọng Dực - chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, người lên tiếng về hiện tượng “chạy” công chức 100 triệu đồng - đã phản ảnh rằng: “Riêng cơ quan tôi, có khoảng 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 35% cán bộ công chức làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm”.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết: “Mặc dù vấn đề này chưa tổng kết, nhưng nhiều người nói với tôi là một cơ quan với biên chế hiện nay và trình độ hiện nay, có thể giảm 30% mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của cơ quan”. Trong thực tế, những người nằm trong diện 30% “có cũng như không” nêu trên thì “nhàn cư vi”... sinh nhậu nhẹt là điều dễ hiểu, vì họ hoặc là đến công sở mà không có việc làm hoặc là cấp trên giao việc nhưng không đủ năng lực giải quyết.

Giải quyết vấn nạn một bộ phận công chức uống rượu bia buổi trưa, lấy cắp giờ làm... bằng những quyết định nghiêm cấm và chế tài nặng là cần thiết, nhưng để dứt điểm “căn bệnh” này thì phải chữa từ gốc. Chúng ta đã nhiều lần nói đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế, nhưng biên chế lại ngày càng phình ra. Nếu thật sự có quyết tâm chính trị để rà soát, làm rõ và tiến tới cắt giảm được 30% biên chế “có cũng như không”, nhất định tình hình sẽ khác.

GS.TS NGUYỄN HỮU KHIỂN (nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia)VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên