Đổi mới được nói đến từ năm 1986 nhưng khối doanh nghiệp tư nhân mới vẫn mò mẫm và trầy trật làm ăn trong sự thận trọng của Nhà nước và kỳ thị của xã hội. Thời đó, doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp tư nhân vẫn nắm vai trò chủ đạo, thống lĩnh thị trường.
Từ mở lối
Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Bitas, nhớ lại: Những năm 1980 - 1990 là thiên đường của những công ty quốc doanh và thị trường là con số 0 của các công ty tư nhân, vì không có chỗ để chen vào.
Thế rồi thị trường Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Những đôi dép số 43 quá cỡ không người Việt Nam nào đi nổi, các doanh nghiệp tư nhân tưởng mất luôn đất sống.
Kinh tế thị trường là cụm từ được nhắc đi nhắc lại thời Đổi mới nhưng phải đến năm 1991 đánh dấu sự ra đời của hai luật: Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân.
Một năm sau đó, Hiến pháp sửa đổi 1992 quy định người dân được quyền tự do kinh doanh. Khối kinh tế tư nhân tưởng có hành lang pháp lý để phát triển.
Nhưng cuộc cọ sát giữa hai tư duy kinh tế chỉ huy - bao cấp của doanh nghiệp tư nhân với kinh tế thị trường của tư nhân đã bắt đầu, dù rằng khối dân doanh chỉ làm những gì khối quốc doanh... chê.
Các chuyên gia nhớ lại giai đoạn 1990 - 1995, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng GDP bình quân hơn 8%, tốc độ mà đến nay vẫn chưa lặp lại được, nhưng kinh tế nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo, khối kinh tế tư nhân vẫn còn hết sức hạn chế.
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng năng động hơn trước thay đổi của môi trường kinh doanh - Ảnh: N.BÌNH
Cuộc va chạm với tư duy cũ và tư duy thị trường thực sự trở thành một chiến trường khốc liệt. Trên bình diện kinh tế đối ngoại, những cựu thù trong khu vực ASEAN và quốc tế đã trở lại thị trường Việt Nam.
Bên trong, cuộc thử lửa của khối tư nhân, vốn âm ỉ chảy trong suốt lịch sử kinh thương của nền kinh tế với nhiều lát cắt thị trường và quản lý, lạ lẫm nhưng cũng đầy cuốn hút.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cả Luật Công ty lẫn Luật Doanh nghiệp tư nhân đều do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chuẩn bị, lúc đầu tham khảo từ Luật công ty Sài Gòn trước năm 1975 có trên 300 điều, sau đưa ra Quốc hội thông qua đã rút xuống còn 34 điều, hoạt động mô phỏng mô hình của Pháp...
Thời đó, một cuộc khảo sát cho thấy để thành lập một doanh nghiệp phải có 35 chữ ký và 32 con dấu.
Thời gian luật ghi 99 ngày nhưng mất ít cũng 3 năm, nếu lĩnh vực nhạy cảm thì phải 9-10 năm. Đến cả máy đánh chữ cũng phải có giấy phép, 3 tháng một lần đổi giấy mới, theo bà Phạm Chi Lan.
Đến con đường rộng của Luật Doanh nghiệp
Vậy là ý tưởng gộp hai luật trên thành Luật Doanh nghiệp nhằm sửa chữa các tồn tại để cho khối tư nhân phát triển ra đời. Để chuẩn bị cho luật này, chính phủ của ông Phan Văn Khải đã có rất nhiều nỗ lực, vượt qua rất nhiều rào cản.
Trình ra Quốc hội gặp rất nhiều thảo luận sôi nổi và cả... nghi kỵ. Phải mất đến cả tuần thuyết phục, vận động, giải thích. Có nhiều thứ phải thuyết phục, chẳng hạn về công ty hợp danh, quy định từ 12 điều rút xuống còn 4 điều. Vậy là Luật Doanh nghiệp được thông qua. Hôm đó là thứ Bảy.
Kinh tế tư nhân VN cần sự bảo vệ hơn là sự hỗ trợ. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH cơ điện Minh Khoa, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh "tổng kết": "Mất đến 22 năm từ lúc ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc để có nghị quyết "khoán 10" đến hộ nông dân trong nông nghiệp và mất đến 9 năm để có được Luật Doanh nghiệp".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu bật hai đặc điểm, cũng là nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp 1999: Thứ nhất, mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật. Thứ hai, Nhà nước chuyển cách quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Nhưng đâu đã xong. Một tổ thực hiện Luật Doanh nghiệp lúc này được hình thành và triển khai, và một trong những công việc thường làm là nghiên cứu "trảm giấy phép con".
Tổng cộng khoảng 150 giấy phép con được cắt bỏ. Kinh tế tư nhân lúc này một mặt có bệ đỡ là Luật Doanh nghiệp, mặt khác đã dễ dàng hơn khi thủ tục, giấy phép con giảm đáng kể. Tư nhân đã có đất sống.
Cả quá trình đột phá trên mang dấu ấn của vị thủ tướng thời đó: Phan Văn Khải. Các chuyên gia nhớ lại quan điểm của ông Khải rất rõ: Cái gì tư nhân làm được thì để cho tư nhân làm, chứ không phải cái gì doanh nghiệp tư nhân không làm được mới để tư nhân làm.
Các con số chứng minh điều đó. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Viện trưởng CIEM thời đó, cũng là Tổ phó Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp, nhớ lại: Trong suốt 9 năm của thời Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1991 - 1999) chỉ có vỏn vẹn 46.770 doanh nghiệp được thành lập.
Nhưng chỉ riêng năm 2000, Việt Nam có thêm 14.453 doanh nghiệp, gấp ba lần năm trước đó, vốn đăng ký 12.000 tỉ đồng, tương đương 850 triệu USD, tạo ra 200.000 lao động.
Điều đáng nói là trong số đó có 440 công ty cổ phần, tổng số của cả 9 năm trước cộng lại.
Cũng lần đầu tiên trong năm đó Việt Nam có 2 công ty hợp danh ra đời. Năm 2001 số doanh nghiệp thành lập tăng lên 19.636 và đều đặn năm sau cao hơn năm trước.
Đến năm 2010, số doanh nghiệp thành lập là 83.600, thấp hơn không nhiều so với 84.534 doanh nghiệp của năm 2009. Hiệu ứng vết dầu loang đã phát huy.
Nếu là tôi, anh sẽ xử lý bằng cách nào?
Ông Lê Trọng Nhi (phải) và ông Lâm Võ Hoàng, hai thành viên của Nhóm Thứ Sáu - Ảnh: TỰ TRUNG
Một buổi chiều cách đây chừng 20 năm tại trụ sở Chính phủ, một cuộc tiếp khách nước ngoài diễn ra.
Chủ lúc đó là ông Phan Văn Khải, khách là một Việt kiều, ông Lê Trọng Nhi, một nhân vật của giới ngân hàng.
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong 15 phút xoay quanh chuyện xử lý nợ cho các công ty của Việt Nam khi đó. Ông Nhi chợt giật mình khi nghe ông Khải hỏi: "Nếu là tôi, anh sẽ xử lý bằng cách nào?".
Rất cụ thể, câu hỏi đi sâu vào vấn đề kỹ thuật của xử lý nợ doanh nghiệp, vốn là một vấn đề hết sức đau đầu thời đó.
Trong sự va chạm của tư duy kinh tế, không ít doanh nhân đình đám thời đó đã vướng vào vòng xoáy của nợ nần mà nếu nhìn bằng con mắt của một nhà chính trị thì sự việc vô phương cứu vãn.
Thời đó việc hình sự hóa quan hệ kinh tế diễn ra không ít và số phận của một người hùng có thể bị kết thúc bằng án tội nhân.
Hỏi câu đó, ông Nhi nhớ lại, là ông Sáu Khải đã đọc trước một bản kế hoạch "giải cứu" xử lý nợ cho một công ty lớn thời đó và ông Khải đã biết ông Nhi, khi đó còn làm cho một ngân hàng của Đức, đang ra tay xử lý nợ cho một số vụ lớn.
Ông Nhi trả lời được và ông Khải quyết: "Anh làm đi!".
Kể lại câu chuyện đó, ông Nhi nói rằng chuyện ông Phan Văn Khải được gọi là Thủ tướng kỹ trị là như thế.
Lắng nghe, hiểu biết vấn đề và tin tưởng vào giải pháp của dân nhà nghề, để thấy rằng nhãn quan kinh tế của một nhà kỹ trị đã vượt qua được cách nhìn của một nhà hoạch định chính sách và chính trị gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận