26/12/2023 09:45 GMT+7

Con trai cố Thủ tướng Phan Văn Khải: 'Gia tài để lại là lối sống của cha tôi'

'Cha tôi luôn nói trong cuộc đời chúng tôi phải sống bằng đôi chân của chính mình, đừng dựa vào cha mẹ. Đứng bằng đôi chân của chính mình và phải là người thật tử tế', con trai cố Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại lễ khánh thành cầu Trung Hà (Hà Nội) năm 2002 - Ảnh: Tư liệu

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại lễ khánh thành cầu Trung Hà (Hà Nội) năm 2002 - Ảnh: Tư liệu

Cha tôi luôn nói trong cuộc đời chúng tôi phải sống bằng đôi chân của chính mình, đừng dựa vào cha mẹ. Đứng bằng đôi chân của chính mình và phải là người thật tử tế.
Ông Phan Minh Hoàn (con trai ông Sáu Khải)

Ngày 25-12, tại nhà lưu niệm bên bờ kênh Đông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM), buổi gặp mặt do gia đình cố Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức diễn ra ấm cúng, thân mật nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (25-12-1933 - 25-12-2023).

Đông đảo các cấp lãnh đạo, người thân, bạn bè cố Thủ tướng Phan Văn Khải (ông Sáu Khải) đã có mặt để tưởng nhớ vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn.

Dặn con đừng dựa dẫm vào cha mẹ

Ông Phan Minh Hoàn - con trai ông Sáu Khải - không khỏi xúc động bởi dù cha đã qua đời 5 năm nhưng mọi người vẫn luôn nhớ đến, dành tình cảm nồng ấm nhất cho cha và gia đình ông. 

Với ông Hoàn, cha ông không phải là người vĩ đại mà chỉ có "một chút thanh danh". Bởi dù trải qua những vị trí lãnh đạo cấp cao và có nhiều đóng góp cho đất nước, ông vẫn luôn dặn dò gia đình phải sống khiêm tốn.

"Cha tôi luôn nói trong cuộc đời chúng tôi phải sống bằng đôi chân của chính mình, đừng dựa vào cha mẹ. Đứng bằng đôi chân của chính mình và phải là người thật tử tế" - ông Hoàn nhắc nhớ. 

Hai chữ "lao động - đúng mực" mà cha Khải dặn dò đến nay đã trở thành phương châm sống của ông Hoàn. Con người sống phải lao động, ứng xử phải đúng mực: phát biểu đúng mực, phê bình đúng mực, không làm việc gì thái quá.

Kể với chúng tôi, ông Hoàn chia sẻ sau khi cha mất, điều người cha để lại cho gia đình không phải là gia tài mà là sự nghiệp, là lối sống của cha. Gia đình ông xưa nay đều vậy, lúc cha chưa làm thủ tướng đến khi làm thủ tướng, lúc nghèo khó đến khi đầy đủ hơn vẫn đối xử với mọi người một cách chân tình nhất. 

Cha mất, gia đình ông Hoàn vẫn chăm lo đầy đủ cho những người phục vụ trong gia đình như người trong nhà, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau.

Sống phải thương người, khiêm nhường

Sinh nhật ông Sáu Khải, bà Trần Thị Ợt (phục vụ gia đình) dậy từ sớm để chuẩn bị mâm cơm cho dịp đặc biệt. Việc chuẩn bị cơm nước cho bác Sáu bà đã làm 50 năm nay, và dù bác đã không còn nữa, ngày ngày bà vẫn lo hương khói và nhà cửa cho ông.

Năm 22 tuổi, gia đình nghèo khó, bà Ợt nhận công việc phục vụ việc nhà cho ông Sáu Khải và bây giờ đã trở thành "nhiệm vụ cả đời". Ký ức của bà Ợt với bác Sáu Khải là những mâm cơm rộn ràng tiếng cười với vợ chồng ông. 

Bà kể sinh thời bác Sáu Khải sống giản dị vô cùng, không kiểu cách với bất kỳ ai. Bác gọi những người phục vụ trong nhà là con, cháu và đối xử như người thân.

Bà kể dù là thủ tướng nhưng mâm cơm thường ngày của bác đều đủ năm người: hai vợ chồng bác, hai cô phục vụ và chú bảo vệ. Mỗi khi con cháu về nhà, trên mâm cơm bác sẽ kể về những ngày bác đi học chân không, quần rách để động viên các con cố gắng. Bác luôn dặn con cháu sống phải thương người, thương chòm xóm, sống khiêm nhường.

Đến dâng nén hương tưởng nhớ ông Sáu Khải, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Củ Chi Dương Văn Duyên nhắc nhớ về những đóng góp của ông cho quê hương Củ Chi. Từ năm 2009 đến 2015, ông Duyên phụ trách công tác Đảng tại xã Tân Thông Hội và có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc với ông Sáu Khải. 

Gây ấn tượng với ông Duyên là hình ảnh vị nguyên lãnh đạo luôn đau đáu cho con em Củ Chi. Ông rất quan tâm đến giáo dục tại địa phương, thường căn dặn các cán bộ làm sao không để cho con em chúng ta thất học, lo chuyện học hành đến nơi đến chốn.

Năm tháng nghỉ hưu tại quê nhà Củ Chi, ông Sáu Khải âm thầm vận động nhà hảo tâm xây mới các trường học để con em có trường học đạt chuẩn, tạo môi trường học tập tốt nhất để "lo chuyện học hành cho con em đến nơi đến chốn". 

Không chỉ vậy, để các em có môi trường học tập tốt nhất, ông còn nhận nhiệm vụ chăm sóc cây xanh cho các trường trong 2 năm để cây trưởng thành tốt nhất rồi mới bàn giao.

Lãnh đạo, người dân tham quan phòng lưu niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Lãnh đạo, người dân tham quan phòng lưu niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Dâng cho quê hương trọn vẹn cuộc đời

Chính vì những tình cảm to lớn đó mà cán bộ, người dân Củ Chi luôn khắc sâu hình ảnh ông Sáu Khải. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, huyện Củ Chi đã khánh thành phòng lưu niệm cố thủ tướng, đặt tại nhà truyền thống huyện. Đây là niềm mong mỏi lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi, thể hiện sự thành kính tri ân, tưởng nhớ đối với một người con ưu tú, giàu đức hy sinh của quê hương Củ Chi. 

Nhà lưu niệm cũng là nơi để người dân Củ Chi và du khách đến tham quan, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào và tạo động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước dựng xây quê hương "đất thép thành đồng".

Đặc biệt, tại vị trí trung tâm phòng lưu niệm đặt bức tượng đồng chân dung cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Bức tượng đồng do chính thủ tướng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi khi ông đến thăm và làm việc với lãnh đạo huyện.

Trong phòng lưu niệm, huyện Củ Chi đã đặt hai câu đối mà ông Sáu Khải viết lúc sinh thời: "Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ. Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già".

Trong lễ khánh thành phòng lưu niệm, ca khúc Tự hào bác Sáu Củ Chi do tác giả Phan Văn Nhớ sáng tác đã vang vọng khắp không gian. Lời vọng cổ "Bác Sáu kính yêu đã ngủ yên giữa lòng đất mẹ. Tám mươi lăm năm là người con ưu tú của quê hương tươi thắm sắc hoa hồng. Bác làm rạng danh thêm đất thép thành đồng. Đi theo Đảng từ thiếu nhi cứu quốc, cho đến ngày trở thành thủ tướng Việt Nam. Đi từ trong khói lửa, lầm than, khi đất nước oằn mình dưới gót giày của Tây, của Mỹ. Qua gian nan càng sáng bừng ý chí, dâng cho quê hương trọn vẹn cuộc đời mình" khiến nhiều người xúc động.

Nhớ bác Sáu tài năng, đức độ

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên sáng tác ca khúc Tự hào bác Sáu Củ Chi, ông Phan Văn Nhớ kể năm 2018 khi ông Sáu Khải qua đời, ông đã cùng người dân đứng tại ngã ba Hóc Môn để đưa tiễn. Nhìn thấy hình ảnh người dân đứng hai bên đường hướng về linh cữu, ông Nhớ đã không khỏi xúc động.

Sau này ông có dịp đến thăm nhà lưu niệm ông Sáu Khải, hình ảnh vị lãnh đạo tài năng, đức độ nhưng chân chất khiến ông rất ấn tượng. Vậy là chỉ trong một đêm, ông đã cho ra đời ca khúc Tự hào bác Sáu Củ Chi. Kết bài là hình ảnh: "Nhớ thuở đi về nắng mưa sớm tối. Như nhắc chúng tôi lớp thanh niên mới. Tiếp tục hành trình rạng rỡ quê hương".

Tình cảm sâu nặng

Trong trí nhớ của ông Duyên, ông Sáu Khải với mọi người không phải là quan chức cấp cao xa xôi mà như một lão nông giàu tình cảm, sống giản dị và gần gũi. Người dân địa phương thân thuộc với ông, hay gọi ông "người của mình", "người trong nhà".

Hằng ngày, ông Sáu cùng các cụ chăm lo chuyện hương khói cho các đình trong thôn. Ông vẫn thường hàn huyên cùng bà con để hỏi công việc làm ăn, vẫn hay đi đến những hộ nghèo để tặng nhà ở, phương tiện sinh kế, thăm ruộng đồng, kênh mương, giúp đỡ nông dân, quan tâm xây dựng đường sá, trường học.

"Tình cảm của bác Sáu Khải với quê hương Củ Chi cũng như tình cảm của người dân Củ Chi với bác phải nói là sâu nặng", ông Duyên nói.

Có một ông Sáu Khải tận hiếu với dânCó một ông Sáu Khải tận hiếu với dân

Rất nhiều người đều có chung nhận định cần học tập ở cố Thủ tướng Phan Văn Khải về tấm gương tận hiếu với dân, suốt đời vì nhân dân. Ở ông luôn có tấm lòng và hành động vì dân, dựa vào dân, học tập nhân dân, học tập từ thực tiễn cuộc sống...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên