24/12/2023 16:47 GMT+7

Ông Phan Văn Khải - vị lãnh đạo 'không lúc nào chao đảo, không có suy nghĩ thoái lui'

Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh hình ảnh ông Phan Văn Khải - ông Sáu Khải - vị chủ tịch lo toan, trăn trở, tận tâm, nghiêm nghị nhưng đôn hậu, gần gũi còn in đậm trong ký ức của Đảng bộ, nhân dân TP.HCM.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải (người đứng) và các lãnh đạo chủ trì hội thảo - Ảnh: GIA HÂN

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải (người đứng) và các lãnh đạo chủ trì hội thảo - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 24-12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TP.HCM" nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Thủ tướng.

Tấm lòng tận tụy với công việc, với nhân dân

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nêu rõ đây là hoạt động thiết thực nhằm tri ân và tôn vinh cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của cố Thủ tướng Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, người con ưu tú của TP.HCM.

Người đã phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trình bày tham luận, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải nhắc lại là người con của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, mang trong mình truyền thống cách mạng và dòng máu hào sảng của Nam Bộ, Củ Chi "đất thép thành đồng", cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại những dấu ấn sâu sắc không thể phai mờ.

Ông Phạm Đức Hải - Ảnh: GIA HÂN

Ông Phạm Đức Hải - Ảnh: GIA HÂN

Cố Thủ tướng là một tấm gương sáng ngời cho Đảng bộ, nhân dân TP.HCM học tập, noi theo. Ông Hải cũng điểm lại hàng loạt cống hiến của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong quá trình chiến đấu, đảm nhiệm các trọng trách ở TP.HCM, sau đó là trung ương.

"Hình ảnh ông Phan Văn Khải - ông Sáu Khải - một chủ tịch UBND TP lo toan, trăn trở, tận tâm, nghiêm nghị nhưng đôn hậu, gần gũi, thân mật còn in đậm mãi trong ký ức của Đảng bộ, nhân dân TP.

Chúng ta học tập ông ở tấm lòng tận tụy với công việc, với nhân dân. Ở cách suy nghĩ, cách xử lý từ những điều đơn giản, đến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, công việc.

Và quan trọng nhất là khi đứng trước những gian lao, thử thách "không có lúc nào chao đảo, không có suy nghĩ thoái lui", ông Hải khẳng định.

Ông Hải cũng chỉ rõ việc học tập ở cố Thủ tướng Phan Văn Khải về tấm gương tận hiếu với dân, suốt đời vì nhân dân. Cùng với đó là tấm lòng và hành động tận hiếu với dân, dựa vào dân, học tập nhân dân, học tập từ thực tiễn cuộc sống...

"Học tập tấm gương cố Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ có nhiều vấn đề cần tiếp tục suy ngẫm. Khi còn sống, ông hết sức bình dị, thân thương. Nay ông đã đi xa, nhưng chính những điều bình dị ở nơi ông lại là những giá trị cao quý được cán bộ, đảng viên và mỗi người dân TP này nâng niu, trân trọng học tập và nỗ lực", ông Hải bày tỏ.

Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật

Còn PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh tư duy chiến lược của cố Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện ở lĩnh vực đối ngoại.

Ông nhắc lại chuyến thăm Mỹ của cố Thủ tướng vào năm 2005 đã thể hiện rõ thông điệp về mong muốn phát triển của Việt Nam, thắt chặt quan hệ song phương, cho sự phát triển quan hệ và có lợi cho hai nước.

Chuyến thăm thể hiện tầm nhìn về phát triển đối ngoại, mở ra nhiều cơ hội và cũng chuyển tải thông điệp về một Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế...

Từ đó, làm cho phía Mỹ hiểu về Việt Nam, xem xét ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, thúc đẩy du lịch giữa hai nước, xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường...

PGS.TS Bùi Đình Phong - Ảnh: GIA HÂN

PGS.TS Bùi Đình Phong - Ảnh: GIA HÂN

Cũng theo PGS Phong, ở cố Thủ tướng còn thể hiện đột phá trong tư duy chiến lược về phát triển doanh nghiệp.

Điều này thể hiện ở việc ra đời Luật Doanh nghiệp năm 1999 nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo nguyên tắc mọi công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật...

Ông đã có nhiều đổi mới về cải cách thể chế cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ông Khải thể hiện rõ không giáo điều, không định kiến "bóc lột", kìm hãm đối với khu vực này.

Cùng với đó, tập trung giải quyết mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp để mở đường cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp phát triển...

PGS Phong nhấn mạnh thêm tư duy chiến lược ở cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn thể hiện ở nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật và đây là tư duy đột phá mở đường cho phát triển.

Ông Khải đã vạch ra kế sách đẩy lùi tham nhũng, trong đó phải dựa vào dân, được đặt ở tầm đổi mới và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Kết hợp công tác chỉnh đốn Đảng, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, với việc làm trong sạch bộ máy công quyền...

Một tư duy chiến lược hiếm thấy và không phải ai cũng có được ở cố Thủ tướng, theo PGS Phong, chính là lời phát biểu từ nhiệm. Cụ thể, ông đã nhận lỗi trước nhân dân, trước Đảng, Quốc hội về những khuyết điểm, tồn tại trên cương vị của mình chưa giải quyết được.

Ông mong các cán bộ kế nhiệm sẽ rút ra được các điều bổ ích, không chỉ qua những bài học thành công mà cả những mặt yếu kém, những thiếu sót của cá nhân ông, bộ máy Chính phủ trong thời gian qua.

Tầm nhìn xuyên Á của cố Thủ tướng Phan Văn KhảiTầm nhìn xuyên Á của cố Thủ tướng Phan Văn Khải

TTO - Sáng nay 22-3, linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đưa về quê nhà trên con đường xuyên Á. Con đường ấy, con đường ông ra đi và trở về, gắn với một quyết định có tầm nhìn xa khi ông làm Thủ tướng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên