Các đối tượng lập tài khoản Zalo giả mạo phòng điều tra công an để hù dọa, lừa đảo - Ảnh: C.A cung cấp
Theo Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng, có ngày số điện thoại đường dây nóng của đơn vị nhận được 4-5 cuộc gọi cung cấp thông tin về hành vi lừa đảo.
Như trường hợp chị T.T.M., trú quận Hải Châu, Đà Nẵng. Theo trình báo, đầu tháng 8-2019 chị M. nhận được cuộc điện thoại lạ yêu cầu không được đi khỏi nơi cư trú để vài ngày nữa Công an TP Hà Nội sẽ vào Đà Nẵng bắt khẩn cấp và tạm giam do chị M. dùng tài khoản tại ngân hàng để giao dịch, mua bán ma túy.
Chưa dừng lại, các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo có tên "Phòng điều tra Hà Nội" có hình nền nguyên lãnh đạo Công an Hà Nội cùng các cán bộ công an để tiếp tục liên lạc và "làm việc" với chị M.
Qua Zalo, các đối tượng gửi cho chị M. "Quyết định của Viện KSND tối cao ban hành tạm giữ tài sản phục vụ điều tra" và yêu cầu hợp tác phục vụ công tác điều tra.
"Cán bộ" này yêu cầu chị M. chuyển tất cả tiền trong tài khoản ngân hàng vào số tài sản do chúng cung cấp. Chị M. cẩn thận tra cứu trên mạng thì thấy số điện thoại gọi cho mình đúng là số máy của công an nên chị đã chuyển số tiền gần 1,5 tỉ đồng và bị lừa mất.
Các đối tượng giả mạo quyết định của Viện KSND tối cao - Ảnh: C.A cung cấp
Tương tự, chị N.T.K., trú Sơn Trà, Đà Nẵng nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo có giấy triệu tập của Tòa án Hà Nội và hướng dẫn chị bấm phím số 9 trên điện thoại để gặp cán bộ điều tra.
Khi bấm phím xong, chị K. được một người xưng là trung úy Hoàng - Phòng cảnh sát hình sự thông báo chị bị tình nghi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền, yêu cầu chị phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để tạm giữ trong thời chờ xác minh.
"Cán bộ" này yêu cầu chị K. phải giữ bí mật để không bị lộ chuyên án điều tra. Trên tài khoản Zalo của các đối tượng cũng để hình đại diện các cán bộ công an. Cả tin, chị K. đã nhiều lần chuyển vào tài khoản của các "cán bộ" với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Sau đó thì không thể liên lạc được với các "cán bộ" này.
Theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo sử dụng phần mềm chạy trên hệ điều hành Androi hoặc Window để tạo ra số điện thoại giả mạo. Tài khoản ngân hàng cũng là tài khoản thuê người khác mở, hoặc mua lại. Số điện thoại được dùng để đăng ký nhận tin nhắn giao dịch là số sim rác.
Qua công tác xác minh, cơ quan công an còn phát hiện một số vụ lừa đảo gần đây là do đối tượng người nước ngoài chủ mưu, với sự giúp sức của các đối tượng trong nước. Số tiền của các nạn nhân được rút ra tại các máy ATM đặt tại nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận