
Dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 tại Hà Nội - Ảnh: X.TR.
Ngân sách cấp tiền làm nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về Quỹ nhà ở quốc gia.
Quỹ nhà ở quốc gia gồm Quỹ nhà ở trung ương do Bộ Xây dựng quản lý và Quỹ nhà ở địa phương do Sở Xây dựng địa phương quản lý.
Theo đó, Chính phủ sẽ lập Quỹ nhà ở trung ương giao cho Bộ Xây dựng quản lý và là đại diện chủ sở hữu. Giám đốc Quỹ nhà ở trung ương do Bộ Xây dựng bổ nhiệm.
UBND các tỉnh, thành phố sẽ lập Quỹ nhà ở địa phương và là đại diện chủ sở hữu, giao cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý. Giám đốc Quỹ nhà ở địa phương do chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ngoài ra Quỹ nhà ở quốc gia sẽ tiếp nhận các đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân.
Quỹ có tư cách pháp nhân, được bố trí ngân sách để hoạt động, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Nguồn vốn của Quỹ nhà ở trung ương được hình thành từ vốn chủ sở hữu, nguồn hỗ trợ tự nguyện, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn huy động hợp pháp khác.
Cụ thể, vốn điều lệ của Quỹ nhà ở trung ương do ngân sách trung ương cấp lần đầu tối thiểu 5.000 tỉ đồng ngay sau khi thành lập, và sẽ nâng mức vốn điều lệ lên tối thiểu 10.000 tỉ đồng trong 3 năm tiếp theo.
Ngoài ra Quỹ nhà ở trung ương cũng được thu tiền bán nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan trung ương đang quản lý theo quy định của pháp luật, vốn bổ sung từ hoạt động của quỹ, vốn khác thuộc sở hữu để bổ sung vốn hoạt động.
Đối với Quỹ nhà ở địa phương vốn điều lệ của quỹ do ngân sách địa phương cấp và cấp bổ sung, sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Quỹ nhà ở địa phương được thu số tiền tương đương giá trị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội do chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở.
Thu tiền bán nhà ở thuộc tài sản công do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở; tiền đấu giá quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, và nguồn vốn bổ sung từ hoạt động của quỹ nhà ở địa phương.

Nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường hiện nay quá khan hiếm, trong khi nhu cầu mua nhà để an cư rất lớn - Ảnh: X.TR.
Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Bộ Xây dựng cho biết mục tiêu hoạt động của Quỹ nhà ở quốc gia là đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án nhà ở xã hội độc lập, dự án nhà ở xã hội đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để cho thuê.
Tổ chức quản lý vận hành nhà ở xã hội thông qua hình thức tiếp nhận, chuyển đổi công năng nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan trung ương đang quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở, nhà ở thuộc tài sản công do địa phương bàn giao để cho thuê, mua lại nhà ở xã hội do các chủ đầu tư tư nhân xây dựng để cho thuê.
Quản lý vận hành nhà ở thông qua hình thức mua nhà ở thương mại để cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cũng theo Bộ Xây dựng, các dự án nhà ở xã hội độc lập sẽ được đầu tư trong thời hạn không quá 5 năm, dự án nhà ở xã hội có hạ tầng đồng bộ được đầu tư trong thời hạn không quá 7 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận