10/09/2013 07:10 GMT+7

Lao động giỏi trở về từ Nhật - Kỳ 2: Khai thác nguồn lực quý

HỒ VĂN (còn tiếp)
HỒ VĂN (còn tiếp)

TT - Trong một buổi họp mặt gần 200 lao động VN từng làm việc cho Tập đoàn Kanto ở Nhật được tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Fukuda - tổng giám đốc tập đoàn - chia sẻ: “Chúng tôi đã liên hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản để tiếp nhận các bạn”.

Những người cốt cán

byCE0nPa.jpgPhóng to
Giám đốc người Nhật ở Công ty Nakata VN (đứng giữa, áo trắng) chuyện trò với công nhân VN trong giờ giải lao. Đây là công ty tuyển dụng nhiều lao động VN từng làm việc ở Nhật -Ảnh: Tự Trung

Ông cũng tâm sự: “Sau khi làm việc ở Nhật trở về, các em số thì thất nghiệp, số làm trái nghề, số khác muốn trở lại Nhật làm việc tiếp... Không sử dụng số lao động từ Nhật trở về là rất lãng phí”. Hiện đang có vài công ty đã bắt đầu biết tận dụng nguồn lực này, tuyển dụng và phân phối cho các doanh nghiệp Nhật.

Những bước đi đầu tiên

"Các bạn phải tự đặt câu hỏi tại sao lao động ra nước ngoài làm việc luôn tìm cách trốn ở lại. Đó chính là vấn đề của hậu XKLĐ"

Ông Masumi Higuma (trưởng đại diện IM Japan tại VN)

Esuhai là công ty đầu tiên trong lĩnh vực đào tạo, đưa lao động đi Nhật và tuyển mộ lao động từ Nhật về để cung ứng cho doanh nghiệp Nhật tại VN. Ông Lê Long Sơn - giám đốc công ty - cho biết khi thành lập công ty năm 2005 ông đã nghĩ tới việc làm cầu nối này. Chuẩn bị nhiều năm, đến năm 2011 Esuhai đã làm được điều này và các doanh nghiệp Nhật tìm đến rất nhiều.

Đến nay Esuhai đã giới thiệu được gần 100 lao động trở về từ Nhật cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Đó là chưa kể những lao động được Esuhai kết hợp với Trường Nhật ngữ Kaizen đào tạo công nhân theo từng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

“Khi đưa lao động qua Nhật, Esuhai luôn hướng các em về ý thức đi để về. Tức ba năm làm việc tại Nhật, ngoài mục đích kiếm tiền còn phải cầu tiến học hỏi cả về kỹ thuật tiên tiến. Làm được như vậy các em sẽ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần vào sự phát triển của đất nước” - ông Lê Long Sơn nói. Với mục tiêu đó, ngày 12-9 Esuhai sẽ khánh thành tòa nhà tám tầng để phục vụ việc đào tạo, huấn luyện lao động. Dự án này do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - Jica tài trợ ưu đãi vốn ODA.

Ngoài Esuhai, Công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) Suleco (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) từ năm 2008 đã thành lập phòng việc làm trong nước để giới thiệu việc làm cho các thực tập sinh cũng như kỹ sư lao động từ Nhật về. Theo ông Trần Quốc Ninh - giám đốc Công ty Suleco, đến nay công ty đã giới thiệu hàng trăm lao động cho các doanh nghiệp Nhật đầu tư tại khu vực Đông Nam bộ.

Đi đầu trong việc này là Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan). Đây là tổ chức thực hiện chương trình đưa thanh niên nghèo nông thôn và sinh viên từ các trường nghề sang Nhật làm việc. Sau 1-3 năm trở về, các lao động này được văn phòng IM Japan tại VN tìm việc làm ở các doanh nghiệp Nhật. Ngoài ra, các lao động thuộc chương trình này còn được tặng một số tiền gọi là “tiền giúp họ tái hòa nhập cộng đồng”.

wBk6Oxwb.jpgPhóng to
Công ty Esuhai đón các thực tập sinh trở về từ Nhật Bản tại sân bay -Ảnh: C.T.

Cần tính tới chiến lược hậu XKLĐ

Theo ông Fukuda (Tập đoàn Kanto), không thể để lãng phí nguồn lực đã qua đào tạo, có tay nghề khá, giỏi, nhất là được đào tạo theo công nghệ Nhật. “Nhưng chưa có cầu nối để các em đến với doanh nghiệp Nhật trong nước nên chúng tôi qua VN để làm việc này” - ông Fukuda nói.

Còn ông Yanagi Seiichi - tổng giám đốc Công ty Sanup (nơi tiếp nhận nhiều lao động VN qua Nhật làm việc) - buồn lòng chia sẻ: “Nhìn lại chương trình trao đổi lao động giữa hai nước, chúng tôi rất buồn khi đa số lao động VN làm việc ở Nhật trở về đều thất nghiệp. Nhiều lao động không phát huy được tay nghề đã học hỏi từ Nhật vì không có việc hoặc vì làm trái nghề”.

Ông Masumi Higuma, trưởng đại diện IM Japan tại VN, cũng chung đánh giá này: “Đối với những nước đang phát triển như VN, vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chiến lược XKLĐ là đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề để trở về phục vụ phát triển trong nước. Các bạn phải tự đặt câu hỏi tại sao lao động ra nước ngoài làm việc luôn tìm cách bỏ trốn ở lại. Đó chính là vấn đề của hậu XKLĐ”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết cũng rất trăn trở về chiến lược hậu XKLĐ. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và các phòng ban liên quan xây dựng đề án hậu XKLĐ. Trong đó điều cần nhất là xây dựng được ngân hàng dữ liệu về lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó có thể cung cấp cho các địa phương để bàn tính chuyện giải quyết việc làm cho họ. Hay các doanh nghiệp cần tuyển lao động sẽ vào ngân hàng dữ liệu này chọn lựa.

Lễ tốt nghiệp cho thực tập sinh

Sáng 7-9-2013, Công ty Esuhai đã làm lễ tốt nghiệp cho 14 thực tập sinh trở về từ Nhật sau ba năm làm việc. Đây là số thực tập sinh được Esuhai phái cử qua Nhật làm việc từ tháng 9-2010. Ba năm làm việc đó được coi là một khóa học.

Tại lễ tốt nghiệp, Công ty Esuhai đã trao tặng bốn thực tập sinh mỗi người 2 triệu đồng vì đã đạt năng lực tiếng Nhật cấp độ N2 (tiếng Nhật chia thành năm cấp độ, cao nhất là N1). Ông Lê Long Sơn, giám đốc Esuhai, cho biết cả 14 bạn sẽ trở về gia đình nghỉ ngơi ít ngày, sau đó quay lại công ty để được tư vấn và giới thiệu cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại VN.

Đây là lần đầu tiên một công ty XKLĐ làm lễ tốt nghiệp cho các thực tập sinh trở về VN.

HỒ VĂN

Bộ LĐ-TB&XH vào cuộc làm cầu nối

Gần đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (OWC) đã tổ chức vài phiên giao dịch việc làm cho các lao động trở về từ Hàn Quốc. Theo OWC, vào tháng 5-2013 tại phiên giao dịch tổ chức ở Bắc Ninh, đã có 171 người lao động được 22 công ty tuyển chọn vào làm việc. Riêng Công ty Samsung Electronics VN, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, trụ sở tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tuyển 88 người. Và trong tháng 9 sẽ tổ chức thêm phiên giao dịch tại Bắc Ninh cho lao động về từ Hàn Quốc và Nhật Bản (chương trình IM Japan).

HỒ VĂN (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên