Ông Anthony Albanese (trái) là thủ tướng Úc đầu tiên hội đàm chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ năm 2016 - Ảnh: ABC
"Tôi rất vui mừng vì chúng ta có cuộc gặp này hôm nay" - Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu hôm 15-11, khi bắt đầu cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia.
Ông Albanese nói: "Chúng ta (Úc và Trung Quốc) đã có những khác biệt. Tôi mong đợi một cuộc trao đổi và đối thoại mang tính xây dựng ngày hôm nay".
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa thủ tướng Úc và chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2016. Thủ tướng Úc gần nhất trước đó có cuộc hội đàm chính thức với ông Tập là ông Malcolm Turnbull vào năm 2016.
Canberra coi cuộc gặp mặt trực tiếp là một chiến thắng, nhưng giới quan sát cho rằng cuộc gặp này sẽ chưa thể tạo ra nhiều chuyển biến tích cực đáng kể trong quan hệ giữa hai nước.
Về phía ông Tập, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói tại cuộc gặp: "Trong vài năm qua, quan hệ Trung - Úc đã gặp một số khó khăn - điều mà chúng ta không muốn chứng kiến. Vì Trung Quốc và Úc đều là các quốc gia quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta nên cải thiện, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai nước".
Các lãnh đạo Úc và Trung Quốc đã có cuộc trao đổi ngắn tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào năm 2019, nhưng chưa có cuộc gặp cấp cao chính thức nào như trên trong hơn 5 năm qua.
Thời gian qua, quan hệ Trung - Úc đã xấu đi đáng kể vì nhiều nguyên nhân. Trong số đó, Bắc Kinh đã bày tỏ giận dữ với việc Úc cấm thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) trong quá trình triển khai mạng 5G và lời kêu gọi của Canberra về việc tổ chức một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt với hàng hóa của Úc, đóng băng các cuộc tiếp xúc cấp bộ trưởng và đẩy quan hệ song phương vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong khoảng 30 năm qua. Nhiều hàng hóa của Úc từ lúa mạch, than đá cho đến rượu vang, thịt bò và thậm chí cả sữa bột trẻ em đã bị ảnh hưởng.
Ông Albanese khẳng định Úc sẽ "không từ bỏ các lợi ích và giá trị của mình" ngay cả khi nước này hoan nghênh cơ hội trao đổi với Trung Quốc.
Ngoài ra Trung Quốc và Úc cũng tranh giành ảnh hưởng ở khu vực nam Thái Bình Dương. Trung Quốc đã tìm cách xây dựng ảnh hưởng ở các quốc đảo nhỏ nhưng có vị trí chiến lược tại khu vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận