06/12/2019 10:02 GMT+7

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM có gây ảnh hưởng chọn sách khi nhận thù lao hàng tháng của NXB?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Mỗi cán bộ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhận 2,5 - 6 triệu đồng/tháng để tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Liệu họ có đảm bảo 'đứng ngoài' trong các quyết định chọn sách của các trường trong thời gian tới không?

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM có gây ảnh hưởng chọn sách khi nhận thù lao hàng tháng của NXB? - Ảnh 1.

NXB Giáo Dục Việt Nam công bố bốn bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, trong đó có bộ sách Chân trời sáng tạo - Ảnh: HÀ BÌNH

Trước khi Bộ GD-ĐT công bố phê duyệt sách giáo khoa (SGK) mới, Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục đã có các hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK đã đạt trong các vòng thẩm định. Trong đó ở hội nghị tại TP.HCM, bộ SGK "Chân trời sáng tạo" được nhắc đến nhiều hơn. 

Đích danh ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - đã chia sẻ những điều tâm huyết của ông về "bộ SGK phối hợp biên soạn".

"Vừa đá bóng vừa thổi còi"

Ngay sau đó, nhiều băn khoăn đã được đặt ra. Thậm chí có những chuyên gia giáo dục đã nói vui: "Xem ra TP.HCM đã chọn xong SGK". Thời điểm đó vẫn chưa rõ việc chọn SGK thực hiện theo Luật giáo dục 2019 hay theo NQ 88/QH. 

Nếu theo Luật giáo dục, sở GD-ĐT là thành viên chủ chốt trong hội đồng chọn SGK, còn dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn SGK mà Bộ GD-ĐT vừa công bố lại đưa việc chọn SGK về cấp trường. 

Tuy vậy, khi sở GD-ĐT là thành viên tổ chức biên soạn một bộ SGK thì xuất hiện nhiều băn khoăn về việc các trường khó có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí chịu tác động, định hướng để chọn bộ SGK "Chân trời sáng tạo".

Những văn bản của NXB Giáo Dục vừa rò rỉ lại cho biết một sự thật khác hẳn. Quyết định số 778 của NXB Giáo Dục ban hành năm 2015 quy định về việc chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Theo đó, có 11 người trong ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK mới, trong đó ông Lê Hồng Sơn - giám đốc (trưởng ban), phó giám đốc (phó trưởng ban) và các ủy viên là chánh văn phòng, hai phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn. 

Những người này được nhận thù lao của NXB Giáo Dục. Ông Lê Hồng Sơn nhận 6 triệu đồng/tháng, những người khác nhận 3,5-5 triệu đồng/tháng. Thời gian bắt đầu nhận thù lao là 1-5-2015.

Tiếp đó, năm 2018, NXB Giáo Dục lại có quyết định số 04 về việc thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam. Ngoài 11 thành viên ở trên, còn có thêm 9 người của NXB Giáo Dục. 

Tại quyết định này, ông Nguyễn Đức Thái - chủ tịch hội đồng thành viên - là đồng trưởng ban. Bên cạnh đó, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM. 

Mức thù lao vẫn giữ nguyên như năm 2015 với những người trong ban chỉ đạo, riêng nhóm hỗ trợ nhận thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng.

NXB Giáo Dục thừa nhận việc phối hợp

Ngày 5-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tùng - phó tổng biên tập NXB Giáo Dục - thừa nhận từ năm 2015 NXB đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK của các tác giả khu vực phía Nam.

Bộ SGK này được gọi là "Bộ SGK miền Nam", tới khi hoàn thiện có tên chính thức là "Chân trời sáng tạo". "Trong nhiều lựa chọn thì NXB Giáo Dục chọn việc phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM nhằm đảm bảo tốt nhất cả về tiến độ và chất lượng" - ông Tùng chia sẻ. 

Theo đại diện NXB Giáo Dục, phần việc của Sở GD-ĐT TP.HCM là định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo cho đội ngũ tác giả, thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung các bản thảo.

Về khoản thù lao theo các văn bản của NXB Giáo Dục, ông Tùng giải thích: "Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. NXB Giáo Dục đã cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình".

Tuy khẳng định việc phối hợp tổ chức, nhưng ông Tùng khẳng định: "Sách do NXB Giáo Dục giữ bản quyền và đăng ký thẩm định với Hội đồng quốc gia thẩm định SGK mới. NXB Giáo Dục cũng chịu trách nhiệm về việc xuất bản, in và phát hành các cuốn SGK do NXB Giáo Dục đăng ký thẩm định và được phê duyệt sử dụng chính thức từ năm học 2020-2021".

Về những băn khoăn khi Sở GD-ĐT "vừa đá bóng vừa thổi còi", tham gia tổ chức biên soạn nhưng lại có ảnh hưởng trong việc chọn SGK, ông Tùng viện dẫn các quy định pháp lý trong việc chọn SGK, trong đó vai trò của giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý cấp trường quyết định việc này chứ không phải sở GD-ĐT hay NXB.

Ông Tùng cho biết thêm NXB Giáo Dục có 24/32 bản mẫu SGK lớp 1 được phê duyệt đợt vừa qua. Với đặc trưng của mỗi SGK, hi vọng có thể phù hợp với các địa phương khác nhau và được lựa chọn dựa vào chất lượng thực sự.

Luật có sơ hở?

Trên thực tế, thông tư 33 do Bộ GD-ĐT ban hành quy định về việc tổ chức biên soạn, thẩm định SGK không có nội dung nào về việc cấm các sở GD-ĐT tham gia biên soạn SGK.

Ngay khi dự thảo thông tư này được công bố, nhiều chuyên gia đã có ý kiến cho rằng cần phải bổ sung quy định sở GD-ĐT không được tham gia hoặc cử người tham gia quá trình biên soạn SGK. Vì nếu không quy định chặt chẽ, các sở GD-ĐT có thể sẽ được các NXB mời chào hợp tác, liên kết để biên soạn SGK và mặc nhiên họ sẽ rơi vào tình thế "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi liên quan tới việc chọn SGK.

"Nếu sở GD-ĐT nào cũng tham gia biên soạn 1 bộ SGK riêng cho địa bàn mình phụ trách thì có thể sẽ hình thành tình trạng cát cứ ở 63 tỉnh, thành. Tinh thần "một chương trình, nhiều SGK để đa dạng hóa tài liệu dạy học" có thể sẽ không thực hiện được, mà thực chất chỉ là chuyển cơ chế độc quyền từ NXB về địa phương" - một chuyên gia giáo dục nhận xét.

Tuy nhiên, khi quy định pháp luật không "phủ sóng" thì các sở GD-ĐT không phạm quy. Chỉ có điều khi thực tế diễn ra rồi thì ai cũng nhìn thấy bất cập. Việc khách quan trong chọn SGK rất dễ không thực hiện được. Và nếu việc này bị cho qua thì như vết dầu loang, sẽ có nhiều sở GD-ĐT vào cuộc và "địa phương hóa" SGK phổ thông.

Liên quan câu chuyện này, Bộ GD-ĐT chưa có phát ngôn gì.

Sở GD-ĐT TP.HCM: Các trường tự mua SGK lớp 1 mới để tham khảo Sở GD-ĐT TP.HCM: Các trường tự mua SGK lớp 1 mới để tham khảo

TTO - Trước ý kiến của giáo viên ở TP.HCM băn khoăn vẫn chưa thấy "mặt mũi" các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết các trường phải mua sách để giáo viên tham khảo và tham mưu việc lựa chọn sách.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên