Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) - Ảnh: Reuters |
Ngày 31-3, đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc thừa nhận cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Washington, có tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn bất đồng lớn, nhất là về vấn đề tranh chấp biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang thừa nhận Mỹ và Trung Quốc còn những bất đồng về vấn đề tranh chấp ở biển Đông, nơi Bắc Kinh đang bành trướng tuyên bố chủ quyền phi lí.
Sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc về tranh chấp ở biển Đông, hãng tin Reuters dẫn lời ông Tập Cận Bình phản ứng không chấp nhận bất kỳ hành động nào của Mỹ dưới vỏ bọc tuần tra “tự do hàng hải” ở biển Đông.
Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình cảnh báo tổng thống Obama về việc quân đội Mỹ đã xâm phạm cái mà Trung Quốc tự cho là chủ quyền của họ ở khu vực biển Đông.
Ông Tập Cận Bình vẫn khăng khăng rằng Trung Quốc theo đuổi tới cùng việc”bảo vệ chủ quyền của mình” và lại nói rằng những tranh chấp ở biển Đông nên được giải quyết bằng con đường hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa Trung Quốc và các bên liên quan.
Hãng này dẫn lời chủ tịch Trung Quốc một lần nữa cam kết Bắc Kinh tôn trọng và giữ an toàn tự do hàng hải cũng như quyền bay của các nước khác ở khu vực biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Chính Bắc Kinh đang là nước gây ra những căng thẳng hiện nay ở biển Đông thông qua hàng loạt hành vi khiêu khích như xây dựng bồi đắp đảo trái phép và tăng cường quân sự hóa trong khu vực.
Ông Trịnh Trạch Quang còn nói rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện hi vọng Washington sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt cam kết của mình là không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền ở biển Đông”. Thay vào đó, Washington hãy đóng vai trò là bên duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Song, Washington vẫn khẳng định không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp này nhưng muốn đảm bảo tự do hàng hải. Mỹ sẽ tăng cường cho tàu hải quân của nước này thực hiện tuần tra hàng hải ở biển Đông trong thời gian sắp tới.
Các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ theo qui định của luật pháp quốc tế, cho phép tàu của Mỹ đi vào các vùng biển quốc tế mà các nước khác không được can thiệp. Washington cáo buộc Trung Quốc làm leo thang căng thẳng trong khu vực qua hành vi quân sự hóa trong khu vực.
Ngày 30-3 trước đó, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work tuyên bố không thừa nhận “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) do Trung Quốc tự tuyên bố ở biển Đông và vẫn tiếp tục tuần tra ở bất cứ nơi nào trong khu vực này, theo luật pháp của quốc tế.
Ông Work cho rằng hành động này của Trung Quốc sẽ gây bất ổn ở biển Đông.
Malaysia triệu tập đại sứ Trung Quốc Ngày 31-3, Kuala Lumpur đã triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Malaysia, ông Hoàng Huệ Khang đến để phản ứng việc 100 tàu cá của Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vùng biển gần cụm bãi cạn Luconia, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia hồi tuần qua. Hãng tin Bermana cho biết Malaysia muốn ông Hoàng đại diện cho Bắc Kinh giải thích rõ về vụ việc. Bộ ngoại giao Malaysia đã xác nhận số lượng tàu cá được tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống đã xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Malaysia. Bộ ngoại giao Trung Quốc chưa có phản ứng gì về vụ việc trên. Hồi tuần trước, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng ông ta chưa nhận được thông tin gì đặc biệt liên quan đến 100 tàu cá này. Trong một diễn biến khác, lãnh đạo mới đắc cử của lãnh thổ Đài Loan Thái Anh Văn trong cùng ngày nhấn mạnh chính quyền của bà sẽ không bao giờ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển dù Bắc Kinh có gây sức ép đến đâu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận