07/07/2018 12:24 GMT+7

Lắng nghe lòng dân muốn gì

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Lãnh đạo Hội An đã nhanh chóng dứt khoát từ chối dự án đổi đất lấy cáp treo qua phố cổ di sản văn hóa thế giới.

Lắng nghe lòng dân muốn gì - Ảnh 1.

Một dự án chỉ mới được "chào mời" đã làm cho những người tâm huyết với di sản phải nóng lòng chờ đợi phản ứng của chính quyền địa phương. 

Họ ví: "Cáp treo này mà hình thành chẳng khác gì sợi dây phơi đồ vắt ngang qua diện mạo lẫn hồn cốt cổ kính hàng trăm năm của Hội An!".

Cụ thể gần đây, với phương thức đổi đất lấy công trình, Công ty CP tập đoàn NVN đề xuất địa phương giao hơn 100ha đất để làm tuyến cáp treo 2.000 tỉ đồng dài 7,6km, cao 80m khởi đầu từ phường Thanh Hà, Hội An đến xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. 

Dự án còn trong giai đoạn được nhà đầu tư "chào mời" chính quyền xem xét, nhưng đã bị phản ứng mạnh mẽ ở cả địa phương lẫn các nơi. Hầu hết đều không đồng tình với nỗi lo "sợi dây phơi đồ" ảnh hưởng phố cổ du lịch tuyệt đẹp.

Và Hội An đã có ngay câu trả lời. Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND TP Hội An, đã gửi công văn cho nhà đầu tư khẳng định rõ: "Với đặc thù Hội An, việc đầu tư cáp treo của công ty là không phù hợp. Vì vậy, UBND TP thông báo thống nhất dừng việc nghiên cứu đầu tư dự án cáp treo tại Hội An". 

Ngoài ra, chính quyền cũng không đồng ý giao quỹ đất vốn được địa phương dành thực hiện công viên văn hóa đa chức năng để người dân và du khách thụ hưởng.

Lắng nghe dư luận, lãnh đạo Hội An đã kiên quyết từ chối cả hai vấn đề có thể gây bức xúc dư luận. 

Thứ nhất, tránh được việc làm cáp treo trên phố cổ di sản văn hóa thế giới. 

Thứ hai, tránh được kiểu thực hiện lấy dự án bằng đổi đất vốn đã rất hạn hẹp ở thành phố du lịch này. Kiểu đầu tư lấy đất vốn đã và đang gây nhiều khuất tất, bức xúc ở không ít nơi khác.

Chẳng đâu xa, ngay thời điểm này, việc khắc phục hậu quả công trình vi phạm di sản thế giới ở Tràng An, Ninh Bình vẫn đang ngổn ngang và dư luận chưa nguôi bức xúc. 

Chuyện như thật như đùa khi Công ty Du lịch Tràng An huy động hàng ngàn lượt công nhân với nhiều loại máy móc để làm hẳn một con đường bêtông kiên cố lên núi. 

Con đường như cây cầu dài hơn 1km với 2.000 bậc thang bắc tới tận ngọn núi Huyền Vũ đẹp nhất di sản Tràng An.

Chuyện động trời đổ bể, thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch yêu cầu tháo dỡ công trình xâm phạm. 

Lúc đó chính quyền địa phương nhìn nhau, xã nói đã báo huyện, huyện nói đã báo tỉnh, tỉnh nói đã chỉ đạo huyện… Và công trình lừng lững tới tận ngọn núi vẫn được ngang nhiên xây dựng.

Chuyện cây kim thì tỏ nhưng ngọn núi lại không rõ ở Ninh Bình vẫn đang còn những câu hỏi cần làm rõ trách nhiệm thì lại có chuyện Hội An. 

Tuy nhiên, rất mừng là chính quyền phố cổ đã lắng nghe dư luận và dứt khoát từ chối dự án ngay từ đầu để bảo vệ di sản, bảo vệ sản phẩm du lịch đặc sắc.

Chuyện cáp treo Hội An vậy đã tạm khép lại, nhưng sẽ là kinh nghiệm hết sức ý nghĩa cho việc cẩn trọng đối xử với cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, mà sai một li đi một dặm, một lần làm lỗi thì ngàn năm chưa khắc phục được. 

Nhưng sau chuyện này còn ý nghĩa sâu sắc hơn nữa. Di sản cũng chính là công trình của dân, theo dân qua trăm năm, ngàn năm.

Dân gian có câu: "Trăm năm bia đá cũng mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Đó là lắng nghe lòng dân muốn gì trước khi khởi động một dự án, một chính sách...

Xin đừng Xin đừng 'bóp cổ' Hội An

TTO - Ý kiến phản hồi của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (nguyên trưởng khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM) về thông tin “Xin làm cáp treo dài 7km tại Hội An”

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên