16/06/2018 10:45 GMT+7

Tràng An: tháo dỡ xong cũng đừng mong đẹp như xưa

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Ngày 15-6 là hạn chót để phá dỡ công trình sai phép đường lên núi Cái Hạ, thuộc vùng lõi di sản thế giới Tràng An. Xây đường lên núi đã khó, giờ phá dỡ càng khó hơn. Dù vậy, di sản cũng khó trở lại hình dạng ban đầu.

Tràng An: tháo dỡ xong cũng đừng mong đẹp như xưa - Ảnh 1.

Công trình sai phép đường lên núi Cái Hạ, thuộc vùng lõi di sản thế giới Tràng An (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) - Ảnh: NAM TRẦN

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-6, ông Nguyễn Quốc Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình - cho biết: "Chúng tôi đã tháo dỡ xong phần lan can, bậc thang và đang cắt phần dầm đỡ còn lại cũng như dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực đã tháo dỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc vào ngày mai".

Ông Hưng cho hay về cơ bản đã tháo dỡ xong 90%.

Sự việc đến mức thế này chỉ còn biết nuối tiếc cho di sản

PGS.TS Đặng Văn Bài

Công trình sai phép giữa bạch nhật

Cây cầu lên núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (thuộc quần thể danh thắng Tràng An) do Công ty cổ phần du lịch Tràng An xây dựng có chiều dài 510m, rộng trung bình 1,4m.

Sau khi hoàn thành, công ty đã bán vé cho du khách tham quan. Thậm chí địa điểm này đã xuất hiện trong các bài giới thiệu những địa điểm du lịch hấp dẫn trên phương tiện truyền thông.

Khu vực núi Cái Hạ được xác định là vùng lõi quần thể Tràng An, vốn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014.

Về mặt lý thuyết, quần thể này phải được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Nhưng thực tế cho thấy "con voi" là cây cầu lên núi đã chui lọt "lỗ kim" dễ dàng đến khó hiểu.

Khi báo chí thông tin về vụ việc vào đầu tháng 3-2018, Thanh tra Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vào cuộc và xác định đây là công trình sai phép.

Lúc này dư luận mới biết từ giữa năm 2017, Công ty du lịch Tràng An đã tự ý xây dựng công trình cầu lên núi Cái Hạ. Mặc dù xã Trường Yên nhiều lần gửi văn bản tới công ty này yêu cầu dừng thi công, nhưng công ty phớt lờ và hoàn thành công trình vào cuối năm 2017.

Ngày 8-3-2018, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã gửi công văn yêu cầu tỉnh Ninh Bình xử lý nghiêm công trình sai phạm nói trên. UBND tỉnh Ninh Bình lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty cổ phần du lịch Tràng An.

Theo đó, Công ty cổ phần du lịch Tràng An bị yêu cầu phải phá dỡ công trình sai phép, nhưng không hoàn thành đúng tiến độ được giao là ngày 31-5.

UBND tỉnh Ninh Bình phải ra văn bản yêu cầu công ty hoàn thành việc tháo dỡ vào ngày 15-6. Phó chủ tịch UBND huyện Hoa Lư Nguyễn Thị Cúc cho biết trong trường hợp Công ty cổ phần du lịch Tràng An không hoàn thành đúng tiến độ, UBND huyện đã chuẩn bị sẵn phương án cưỡng chế.

Vết thương trên di sản

PGS.TS Đặng Văn Bài, phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại cho di sản khi tỉnh Ninh Bình để chính công ty vi phạm tổ chức tháo dỡ.

Theo PGS Bài, với các công trình xâm phạm lõi di sản, kinh nghiệm cho thấy không nên ép các đơn vị vi phạm phá dỡ công trình theo tiến độ, mà chính quyền nên lập các đội phá dỡ có kinh nghiệm trong ngành xây dựng hay bộ đội công binh, phá dỡ từ từ, có kỹ thuật để làm giảm thiểu thiệt hại cho di sản.

Ông Bài cho rằng: "Sự việc đến mức như thế này chỉ còn biết nuối tiếc cho di sản, ảnh hưởng tới di sản là không tránh khỏi".

Cho đến giờ, công trình được tháo dỡ coi như là một "thành công". Tuy nhiên, vụ việc vẫn để lại quá nhiều câu hỏi.

Một chuyên gia về di sản trao đổi với Tuổi Trẻ: "Một công trình lớn như thế mà được cho phép xây dựng trong lõi di sản. Câu hỏi đặt ra là: Ai cho phép công trình này được xây dựng? Nếu không có người lơ đi thì làm sao làm được?

Nếu báo chí không đưa tin thì chưa chắc có chuyện sửa sai đâu. Còn ảnh hưởng của công trình tới di sản là đương nhiên. Công trình dỡ đi sẽ để lại sẹo trên di sản. Đừng đòi hỏi phục hồi như cũ, không thể được đâu!".

Ngoài cây cầu lên núi Cái Hạ, Công ty cổ phần du lịch Tràng An còn tự ý xây dựng nhiều công trình tại quần thể di sản này trên diện tích đất không được Nhà nước giao quyền sử dụng gồm nhà hai tầng kiên cố, bể nước, bồn hoa, trồng cây bóng mát, lối đi, sân bêtông, cổng lên núi Cái Hạ, nhà ngói, cổng ra vào công ty, bến hành khách thủy nội địa...

UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến vụ việc này tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý người đứng đầu, các tập thể, cá nhân liên quan đến công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ. Thời hạn báo cáo kết quả kiểm điểm của tập thể, cá nhân với UBND tỉnh để xem xét hình thức kỷ luật theo quy định là trước ngày 30-6.

Di sản Tràng An: doanh nghiệp tháo không xong, Hoa Lư phải vào dỡ Di sản Tràng An: doanh nghiệp tháo không xong, Hoa Lư phải vào dỡ

TTO - UBND tỉnh Ninh Bình đã thông báo kết luận thanh tra toàn diện hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, thuộc Quần thể danh thắng Tràng An.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên