04/03/2017 10:07 GMT+7

Làng đóng thuyền bên bờ sông La

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Nằm bên bờ sông La hiền hòa, dưới chân cầu Thọ Tường có làng đóng thuyền Bến Đền. Cha làm, con học lỏm. Cứ thế hơn 400 năm qua lớp lớp người dân Bến Đền tiếp nối nghề.

Một thuyền công suất lớn đang trong quá trình hoàn thiện Ảnh: HÀ THANH
Một thuyền công suất lớn đang trong quá trình hoàn thiện Ảnh: HÀ THANH

Làng nằm ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề này mấy trăm năm cha truyền con nối, người trước truyền cho người sau. Nhưng giờ đây, làng nghề đứng trước những trăn trở...

“Thợ thuyền bọn tui không chỉ đóng tàu, thuyền cho ngư dân mà còn đóng thuyền nhỏ cho bà con vùng lũ. Mỗi nhà đều sắm một cái đề phòng nước lũ, giá trung bình từ 1,5 triệu đồng/chiếc

Thợ thuyền LÊ VĂN SƠN

Lớp sau giỏi hơn lớp trước

“Trước làng này nổi tiếng về nghề đóng thuyền có ông Thông, ông Yến. Nay có xưởng của ông Quân, ông Huân” - bà Nguyễn Thị Thảo (56 tuổi) bắt đầu câu chuyện.

Từ nhỏ, bà Thảo cũng như hầu hết người dân nơi đây sống gắn bó với nghề đóng thuyền. Dân làng Bến Đền truyền tai nhau câu nói “Đàn ông đóng thuyền, đàn bà cào hến”.

Đàn ông - trụ cột trong nhà - là thợ thuyền chính kiếm tiền nuôi gia đình, còn phụ nữ ngoài nghề cào hến còn trở thành thợ thuyền phụ giúp các công việc lặt vặt.

Chỉ vào bàn tay trái bị cụt ngón út, ông Lê Văn Sơn (60 tuổi, chồng bà Thảo) tâm sự: “38 năm đóng thuyền, nhớ nhất là lần bị máy cưa chém vào tay. Tui bị cụt mất ngón út, sẹo lồi sẹo lõm khắp bàn tay. Làm nghề này, có người còn đứt cả tay”. Nhưng ông cười bảo: “Tai nạn là thường thôi, yêu nghề mô (đâu) có bỏ được”.

Theo các thợ thuyền, tai nạn là chuyện thường xuyên xảy ra khi họ phải tiếp xúc với máy móc, lưỡi cưa hay bào.

Đặc thù của nghề đóng tàu, thuyền là nặng nhọc, mang vác nặng, đòi hỏi thợ thuyền phải có sức khỏe tốt.

Ông Dương Văn Sỹ (80 tuổi), có 65 năm gắn bó với nghề, được coi là một trong những nghệ nhân đóng thuyền đời đầu của làng, nói: “Tiêu chí để đánh giá một thợ thuyền giỏi bên cạnh kỹ thuật chính còn phải có óc sáng tạo từng mẫu thuyền phù hợp với từng cửa lạch, cửa biển. Một khi đóng sai yêu cầu sẽ phải làm lại từ đầu. Nhưng càng về sau, lớp trẻ càng giỏi hơn, đổi mới sáng tạo hơn lớp trước”.

Làng đóng thuyền nay đóng cho khắp các nơi, từ thuyền ba vách, thuyền nhỏ cho đến tàu công suất lớn. Khách hàng từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... cũng đến đây đặt hàng.

Ông Lê Văn Sơn (trái) gắn bó với nghề đóng thuyền 38 năm. Ông cùng người dân thôn Bến Đền mở cơ sở sản xuất ngay tại nhà 
Ảnh: HÀ THANH
Ông Lê Văn Sơn (trái) gắn bó với nghề đóng thuyền 38 năm. Ông cùng người dân thôn Bến Đền mở cơ sở sản xuất ngay tại nhà Ảnh: HÀ THANH

Đóng thuyền ra khơi, đóng thuyền chống lũ

Theo các cụ cao niên, ông tổ của làng là cụ Phạm Đà, về đây lập làng và truyền dạy lại nghề đóng thuyền cho dân.

Từ đó đến nay làng đã tồn tại hơn 400 năm. Để tưởng nhớ công ơn ông tổ của làng, người dân đã lập đền thờ thành hoàng Phạm Đà (còn gọi là đền Ông Noốc).

Năm 1959, anh em thợ thuyền trong làng cùng kêu gọi nhau vào HTX đóng thuyền. Tên gọi HTX đóng thuyền Lý Chính Thắng ra đời từ đó với 350 lao động làm việc.

Ông Dương Văn Sỹ cho biết: “Thời đó các anh em trong HTX được hướng dẫn đến nơi đến chốn, học hỏi nhau nâng cao tay nghề. Cha, con đều vào HTX; cha mần, con dòm đó mà học thôi”.

Ông Sỹ kể thời kháng chiến chống Mỹ, theo tiếng gọi đất nước, các thợ thuyền trong làng không chỉ đóng thuyền cho bà con sản xuất mà còn đóng phà ghép thành cầu cho xe qua sông Nghèn (huyện Can Lộc), sông Họ (huyện Cẩm Xuyên), sông Rác (huyện Kỳ Anh)...

Nhưng đến năm 1991 HTX tan rã, người dân bỏ làng đi khắp nơi tìm kiếm công ăn việc làm. Không đành lòng để làng nghề bị mai một, ông Sỹ tập trung một số thợ thuyền đứng ra khôi phục làng nghề và phát triển từ đó đến nay.

“Đây là nghề sinh sống của làng, chỉ có duy nhất nghề này, nếu mình không khôi phục được thì người lao động trong xóm không có việc, tình hình an ninh sẽ không ổn định.

Từ khi khôi phục lại nghề đến nay, thôn Bến Đền trở thành thôn điển hình trong xã, trong huyện, trong tỉnh về lao động sản xuất” - ông Sỹ cho biết.

Sau 15 năm phục hồi làng nghề, ngư dân các tỉnh đều về thôn Bến Đền để ký hợp đồng đóng thuyền.

Trưởng thôn Nguyễn Trọng Tám cho biết thôn có 310 hộ thì có 1/3 thợ từ các hộ làm nghề đóng tàu, thuyền. Trong đó có các cơ sở sản xuất đóng tàu, thuyền với công suất lớn như xưởng Lê Văn Quân, Xuân Huân, Lê Văn Vĩnh...

Với người thợ đóng thuyền, ông Sỹ cho hay phải bắt đầu từ việc vác gỗ, hốt củi, nhen lửa, hui ván... như làm thợ phụ hồ.

Cuối cùng mới học xảm (trét - PV) các khe hở ở thuyền. “Khó nhất là công đoạn vô vỏ, sau khi hình thành vỏ rồi thì thợ mô cũng mần được. Còn khổ nhất là công đoạn thui đốt vỏ thuyền” - ông nói.

Với thợ giỏi, công trả thợ là 300.000 đồng/ngày, thu nhập trung bình từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

Thợ thuyền Lê Văn Sơn cho biết: “Những năm gần đây, thợ thuyền bọn tui không chỉ đóng tàu, thuyền cho ngư dân mà còn đóng thuyền nhỏ cho bà con vùng lũ. Mỗi nhà đều sắm một cái đề phòng nước lũ, giá trung bình từ 1,5 triệu đồng/chiếc”.

Bên cạnh nghề đóng thuyền, làng còn phát triển nghề mộc cho thu nhập cao.

Ở Bến Đền, những người thợ thuyền tâm niệm đóng thuyền vừa giúp ngư dân vươn khơi bám biển, vừa làm kinh tế vừa góp phần giữ gìn, đảm bảo an ninh vùng biển quê hương.

Thế nhưng ai cũng đau đáu nỗi niềm: Làm sao để gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại, bởi làng nghề đóng thuyền đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ và lớp lao động kế cận. Lớp trẻ giờ không còn thích làm công việc này.

Trăn trở gìn giữ làng nghề

Con trai nghệ nhân Dương Văn Sỹ là đời thứ 4 tiếp nối nghề đóng thuyền của cha ông để lại và mở xưởng đóng thuyền lớn.

Thế nhưng khi được hỏi về đời tiếp theo kế tục, ông trầm tư: “Nghề này vất vả quá, các cháu chọn đi học xa hết...”. Con trai ông Lê Văn Sơn, một thợ đóng thuyền kỳ cựu, cũng không kế tục nghề của cha.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết làng đóng thuyền thôn Bến Đền đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống. Khó khăn hiện nay là không có âu thuyền (bến bãi - PV) tốt nhất nên các hộ còn sản xuất cá nhân, manh mún.

Dự định đến năm 2020, phía chính quyền xã sẽ phối hợp với chính quyền cấp huyện, tỉnh để triển khai làm âu thuyền, như một cách quy hoạch làng nghề cho bà con sản xuất. Nhưng cũng là dự tính xa lơ xa lắc...

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên