20/03/2021 11:30 GMT+7

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 8: Sống lại trước giờ liệm

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Bà Hảo tỉnh dậy, hai ngón tay cái và chân cái đã bị buộc vào nhau bằng dây gai. Đầu giường, bát cơm với quả trứng cắm khói hương nghi ngút "cúng hồn"... Kể từ lần chết đi sống lại ấy đến giờ đã hơn 20 năm, bà Hảo, 86 tuổi, vẫn khỏe mạnh...

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 8: Sống lại trước giờ liệm - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Hảo kể khi sống lại, hai ngón tay cái bị trói theo tục tang lễ trong vùng - Ảnh: VŨ TUẤN

"Ngày nào bà cũng ăn được bốn bát cơm, hôm nay đổi món, từ sáng đến giờ bà ăn bốn bát miến. Con bà tốt, dâu rể học theo. Ba đứa cháu dâu, một thằng cháu rể ngoan lắm. Ai cũng bảo nhà bà có phúc.

Bà Hảo cười hiền hậu

Bà Hảo tỉnh dậy, hai ngón tay cái và chân cái đã bị buộc vào nhau bằng dây gai. Đầu giường, bát cơm với quả trứng cắm khói hương nghi ngút "cúng hồn"... Kể từ lần chết đi sống lại ấy đến giờ đã hơn 20 năm, bà Hảo, 86 tuổi, vẫn khỏe mạnh, vui vầy với con cháu.

"Sao có bát cơm, quả trứng ở đây?"

Căn nhà nhỏ nằm giáp với bãi nuôi tôm ở xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) khe khẽ tiếng sàn sạt của chiếc khuôn dệt cói. Có khách đến, bà Hảo lật bật bước ra cửa nheo nheo mắt: "Đứa nào đấy? Nom giống thằng Tâm? Bay đi tàu sao về sớm vậy? À không à? Bà nghe giọng tưởng thằng Tâm... " - bà Hảo cười móm mém, vui vẻ.

"Chú xem, bà có 25 đứa chắt rồi, răng cửa răng nẻo đi vắng tiệt nhưng mỗi ngày vẫn ăn được bốn bát cơm. Bà khỏe vì đứa dâu út hiếu thảo, con cháu ngoan ngoãn" - bà cụ cao tuổi tự hào khoe cuộc sống gia đình đầm ấm.

Bà Hảo nhớ như in lần "chết hụt" của mình. Ngày ấy là năm 1996, sau một lần ra ngòi (rạch) đổ đó tôm về, bà Hảo lăn ra ốm. Nhà bà ở xóm 7, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cách ngôi nhà bây giờ hơn 20 cây số. Cả nhà nghĩ bà bị cảm, uống thuốc không khỏi.

Ba ngày nằm liệt giường, chồng bà và anh con cả buộc cái cáng bằng võng lên hai cái xe đạp đưa bà đi viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng uốn ván, cho bà nằm lại. Được hai hôm thì bác sĩ lắc đầu, gia đình đưa về. Anh con trai ròng ròng nước mắt, cõng mẹ ra võng đưa về.

Dọc đường về bà Hảo lên cơn co giật, về đến nhà bà lịm dần, chân tay lạnh ngắt. Sau bữa trưa hôm ấy, cô con dâu Phạm Thị Mừng nghẹn ngào báo tin bà không còn thở nữa.

Bà Mừng năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi, là người chăm sóc bà Hảo từ ngày bà ốm cho đến tận bây giờ. Bà kể lại trong căn nhà thấp le te của người miền biển, gian khách kê hai chiếc giường, một bên là bà nội (mẹ chồng bà Hảo) nằm vì ốm nặng, một bên là giường bà Hảo. 

"Cả nhà chạy loạn lên! Anh Thảo (con trưởng) lo việc chuẩn bị tang ma, chồng tôi chạy đi mời thầy cúng. Hàng xóm nghe tin sang dựng rạp, tắm rửa, thay quần áo cho mẹ tôi" - bà Mừng nói.

Ngày ấy, mẹ chồng bà Hảo vẫn ốm nặng được đưa vào trong buồng để dành gian nhà chính làm đám tang.

Hàng xóm sang mắc màn, đặt một tờ giấy pơluya lên mặt bà Hảo. Họ buộc hai ngón chân cái, hai ngón tay cái của bà lại với nhau bằng sợi dây gai. Dưới lưng, phía bả vai, họ kê thêm hai cái bát con theo phong tục ma chay trong vùng. 

Trên đầu giường, người ta đặt một bát cơm úp đầy đặn, một quả trứng gà và cắm đôi đũa vót ngược tua ra như bông. Khói hương nghi ngút "cúng hồn" người đàn bà đã kết thúc cõi trần.

Họ hàng, con cháu, người chạy đi mua vải xô, người hò nhau bắt lợn, dựng rạp, mượn bàn ghế chuẩn bị làm đám.

Chiều hôm ấy, con cháu trải chiếu bên cạnh giường bà Hảo thút thít khóc nghẹn. Mắt ai cũng đỏ hoe, nhạt nhòa nước mắt. Người trong vùng kiêng, không cho người thân khóc to nếu chưa được liệm vào quan tài. Không khí tang lễ u buồn lan ra cả làng...

Chỉ còn ít phút nữa là khâm liệm, con cháu tranh thủ lại gần bà Hảo lần cuối cùng. Bất ngờ bà Hảo ho khùng khục, rơi cả tờ giấy mỏng trên mặt. Có người nghĩ bà hiện hồn "trách mắng tang lễ sơ suất gì đó", đã hét lên rồi quỳ mọp, vái lấy vái để. 

Bà Hảo ngỏng đầu dậy ngơ ngác: "Ai trói mẹ thế con? Sao có bát cơm, quả trứng ở đây? Khói quá!". Con cháu vỡ òa trong tiếng khóc. Họ cắt sợi dây gai buộc ở chân tay bà Hảo rồi người bóp chân, người bóp tay cho bà. "Chúng tôi miệng cười nhưng hai mắt cứ nhòe đi" - bà Mừng nói.

"Lúc ấy, tôi thấy đau buốt hai bên vai này - bà Hảo kể, tay vòng ra đập đập vào bờ vai vì bị kê hai chiếc chén - Chúng nó mừng quá, cứ ngồi bóp tay, bóp chân nhưng chả đứa nào bỏ cho tôi hai cái bát dưới lưng ra, đau lắm!".

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 8: Sống lại trước giờ liệm - Ảnh 3.

Bà Hảo vẫn nhớ cảm giác đau buốt vì chiếc bát con kê sau lưng - Ảnh: VŨ TUẤN

"Tôi phải sống để chăm mẹ"

Bà Hảo chậm rãi kể lại những giây phút trở về từ cõi chết. "Tôi chiêm bao anh ạ! - bà Hảo nói - Tôi gặp chị dâu tôi, anh tôi (hai người đã mất). Anh tôi quát: "Mày phải về! Mẹ đang ốm, mày đi đâu?". Ngày đó, mẹ chồng tôi cũng ốm liệt giường. Tôi nghĩ thương bà, thấy đau nhói sau lưng giật mình tỉnh dậy".

Bà Hảo kể từ lúc bị sốt cao, bà nằm liệt giường, giường bên kia là mẹ chồng cũng nằm liệt. Bà thương mẹ, thương cô dâu út tần tảo, chu đáo. Ngày nào cũng tất bật từ gà gáy đến tối mịt sắc thuốc, cơm cháo cho hai người ốm.

Bà Mừng - dâu út, ngày đó sáng nào cũng dậy từ tinh mơ, cái bếp nhỏ một bên là nồi cháo, một bên khi thì ấm thuốc, khi thì nồi nước nóng để tắm rửa cho mẹ chồng, bà nội.

Sau trận ấy bà Hảo vẫn nằm liệt. Nghe tin bà chết đi sống lại, ông bác sĩ Trinh (theo trí nhớ của bà Mừng), người Hà Nội, đến thăm. Ông bẹo vào mu bàn tay cứng như que củi của bà Hảo, bà kêu đau. Ông cười bảo gia đình là bà có thể hồi phục được. Ông Trinh tiêm cho bà Hảo một mũi thuốc, rồi dặn bà Mừng lấy cây sài hồ giã với gừng, sắc nước ngày hai lần bóp tay chân cho bà.

Nửa năm sau thì bà Hảo dậy được, cô con dâu dìu bà tập đi từng bước. Gần hai năm thì bà Hảo khỏe, làm được việc nhà, đỡ đần cô con dâu chăm bà nội đau ốm.

Vài năm sau mẹ chồng mất, bà Hảo nhờ vợ chồng anh con trai tậu cho bà con bò, chiều chiều bà dắt đi chăn quanh bờ kênh.

Bà Hảo vui vẻ pha trò: "Bà nói có cái bóng điện ở đây chứng nhé. Khỏe thế này là nhờ đứa con dâu đấy, nếu không bà chết tiệt rồi (bà cười). Mấy năm trời nó vất vả, bà thương chúng nó, đi chăn bò kiếm thêm tiền cho chúng nó đỡ vất vả. Chúng nó có cần đâu? Cứ bảo mẹ khỏe, mẹ vui là chúng nó mừng" - bà Hảo đưa tay che cái miệng cười móm mém.

Hơn năm trước, bà Hảo lại ốm một trận thập tử nhất sinh, phải mổ tán sỏi thận. Bà cao số, nằm viện hai tuần thì về. Thỉnh thoảng mấy anh con trai lại đón bà về nhà ở xã Quang Thiện chơi, nhưng chỉ vài hôm là bà nhớ con dâu, nhớ mấy đứa cháu ngoan ngoãn tíu tít nên lại đòi về.

Bà cụ 86 tuổi thỉnh thoảng vẫn phải dùng thuốc để điều trị chứng đau "rễ thần kinh". Chân đã chậm, răng cửa "đi vắng" hết nhưng bà tự tắm rửa, tự tay giặt quần áo, tự chăm sóc để cô con dâu có thời gian bán hàng, đan cói.

*************

Phần xương sọ bên phải đầu cô bị khuyết lớn hơn cả bàn tay, chỉ có lớp da thịt mềm che tạm não. Trở về từ cõi chết, cô vẫn còn lồ lộ dấu vết chấn thương sau tai nạn giao thông kinh hoàng.

>> Kỳ tới: Tử thần trước đầu xe

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 7: Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 7: 'Phép mầu' ở mỏ đá

TTO - Bất ngờ ngã từ vách núi cao hơn 30m, tương đương tòa chung cư 9 tầng, xuống thẳng bãi đá bên dưới nhưng anh Nguyễn Duy Thắng vẫn sống sót một cách kỳ diệu.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên