Sáu Tâm quê ở xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân (An Giang). Năm nào cũng vậy, đầu tháng 8 âm lịch vợ chồng ông lại “dọn nhà” xuống ghe, cắt ngang dòng lũ trên sông Tiền, sông Hậu vào vùng Trường Xuân, Mỹ An (Đồng Tháp) tìm chỗ mưu sinh.
Phóng to |
Lênh đênh con nước
Sáu Tâm, ngư dân hơn 20 năm đặt lợp nhủi (chuyên bắt cá lóc) mà chúng tôi gặp bên tỉnh lộ 831 xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng (Long An). Quanh quẩn ở sông Tiền, sông Hậu cho tới khi nước giật, lũ xuống thì ông lại dời sâu vô Đồng Tháp Mười. “Đây là loại lợp nhủi, chuyên trị cá lóc. Cứ lựa lùm cây đám cỏ trên đồng nhủi xuống là xong. Lợp đặt không cần mồi, nhưng cách ngày mới thăm một lần nên tui chơi luôn hai giàn, hơn trăm rưỡi cái, mỗi ngày thăm một giàn” - đứng dỏng người trên sạp xuồng, tay cầm chiếc lọp che ngang mặt trời, từ ngoài đồng Sáu Tâm gân cổ nói. Hỏi mua vài ký cá lóc đồng, Sáu Tâm kêu: “Không bán đâu, đã hứa với lái rồi, trúng thất có nhau, cho người ta kiếm chút lời”.
Đồng Tháp Mười rộng khoảng 700.000ha, nằm trong ba tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang, là vùng đất lòng chảo, có thảm thực vật rất phong phú, môi trường lý tưởng cho các loài thủy sản sinh sôi. Hằng năm lũ đã bổ sung một lượng nước và cá khổng lồ, biến nơi đây thành “vương quốc cá” với trên 150 loài, bao gồm cá đen (cá đồng) và cá trắng (cá sông). |
“Nay đỡ không anh Hai?”, một lái cá cất tiếng. “Chừng ba, bốn chục ký gì đó” - Hai Bằng, ngư dân có mái đầu muối tiêu, trả lời. Năm nay Hai Bằng mới 50 nhưng tuổi nghề thì đã ngót 40, kể từ lúc ông theo cha xuống ghe rày đây mai đó phụ cha trộn xác mắm với lúa hột bỏ vô sà di làm mồi dụ cá. Chừng lấy vợ, ông được cha chia cho chiếc ghe, tách ra làm ăn riêng. Tám mùa du cư trên đồng lũ, bốn đứa con ra đời. Lớn lên con nối nghề cha, sống đời sông nước.
Mùa lũ năm nay, vợ chồng con cháu ông có cả thảy 10 người đi trên ba chiếc ghe, hai con đầu đã lập gia đình, mỗi người đi một ghe, hai người còn lại đi làm chung với vợ chồng ông. Ba chiếc ghe kéo theo năm chiếc xuồng từ Châu Phú (An Giang) qua kênh 28 thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng neo lại, tỏa ra tìm chỗ đặt sà di. Được hơn tháng nước lên vùn vụt, sà di cao 1,5m bị ngập lút, cá vào ngộp chết, không đặt được nữa nên đại gia đình di dời sang Tân Lập, Mộc Hóa, neo ghe ven quốc lộ 62 cho tiện việc bán cá. Hằng ngày Hai Bằng cùng bốn người con dậy từ 2, 3 giờ sáng, mỗi người một chiếc xuồng con gắn máy “đuôi tôm”, mang theo cơm nước, chạy băng đồng tràm, ngược lên Bình Bắc, Bình Thạnh, sát biên giới với Campuchia để thăm giàn sà di hơn trăm cái. Đoạn đường đi và về cả trăm cây số nên mấy cha con làm không ngơi tay mới kịp quay về cân cá cho lái. Mấy ngày gần đây cá ra nhiều nên mỗi người cũng kiếm được đầy hai khoang xuồng, cân ngang cho lái 13.000 đồng/kg, trừ tiền xăng cũng bỏ túi được vài trăm ngàn đồng.
Phóng to |
Một góc xóm du cư của người làm nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ tại ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa (Long An) - Ảnh: Tấn Đức |
Lỡ mang lấy “nghiệp”
Chiều muộn, chúng tôi ghé lại làng du cư ở ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa. Hơn chục chiếc ghe và ngần ấy xuồng con đậu dài theo con rạch. Mấy người đàn ông vừa cân cá xong, quay ra trộn mồi, thăm xăng nhớt máy, đâu đó sẵn sàng để rạng sáng mai lại đi tiếp. Đằng lái ghe, những người vợ lui cui bên bếp lửa hồng. Tiếng củi tràm nổ tí tách, tỏa mùi hăng hắc. Mấy đứa trẻ con lên 3, lên 4 ghé mắt qua vách ghe lén nhìn khách lạ. Một không khí yên bình hiếm thấy giữa bốn bề rừng cây và sóng nước.
Bữa cơm với cá rô đồng chiên giòn vàng rụm thêm vài ly rượu đế khiến ngư dân mở toang tấm lòng. “Dòng họ tôi theo nghề sà di tính đến nay đã qua bốn đời. Nó như là nghiệp rồi, không bỏ được chú ơi” - ông Tư Chúc, 51 tuổi, quê ở Châu Phú, An Giang, bộc bạch. Chừng ấy năm rong ruổi khắp nơi, từ tứ giác Long Xuyên qua tới Đồng Tháp Mười, khiến Tư Chúc mỏi gối chồn chân, nên làm xong mùa lũ năm ngoái ông đã tính chuyện “giải nghệ”. Về quê, ông làm sẵn mấy cái bể sau nhà, mua lươn giống về thả. Đầu mùa lũ ông quanh quẩn ở nhà bắt ốc về xay cho lươn ăn. Nhưng khi thấy nước lên vùn vụt ông lại “nhớ nghề” không chịu nổi, đành cầm lái chiếc tắc rán, lai dắt theo hai chiếc ghe và ba xuồng con từ An Giang qua Đồng Tháp Mười để cùng ba người con trai tiếp nối nghề của cha và ông nội. Ba anh em ruột Dệnh, Cang, Thum tuổi 24-30 mà người nào cũng có thâm niên hơn mười năm trong nghề. “Ghe xuồng, dụng cụ đánh bắt có sẵn, đường đi nước bước thuộc lòng như trong vườn nhà mình nên bỏ nghề thì thấy tiếc” - một người con của ông Tư Chúc tâm sự.
Ông Lê Văn Nữa, một ngư dân cùng quê với ông Tư Chúc, lý giải: Bình Phú và cả vùng Láng Linh cũng trũng tấp như Đồng Tháp Mười, một thời gian dài chỉ độc canh cây lúa mùa nổi. Lúa sạ rồi bỏ đó, nước dâng tới đâu cây lúa vọt lên theo tới đó, tháng 11, tháng chạp lũ rút, đồng ruộng cạn khô, mọi người đi cắt vần công, quây mê bồ đập tại chỗ, dùng cộ trâu kéo về nhà ăn tết. Thời gian lũ tràn đồng, người dân quay ra làm thêm nghề đánh bắt cá dưới chân ruộng, ngay sau nhà. Cứ mười hộ thì hết tám có xuồng câu lưới. “Một năm chỉ làm trong hơn ba tháng mùa lũ, nếu chịu khó cũng kiếm được cả cây vàng. Nhưng rồi việc làm bờ bao ngăn lũ, sản xuất ba, bốn vụ lúa mỗi năm đã thu hẹp môi trường sống của cá, nên ngư dân chúng tôi ngày càng phải đi xa hơn và rồi cái nghề bắt cá đồng xa đầy may rủi cứ đeo riết lấy” - ông Tư Chúc phân tích.
Lấy ghe làm nhà, chiếc xuồng con làm phương tiện mưu sinh, hàng trăm gia đình bị mất địa bàn đánh bắt từ khắp nơi cứ tiến lần vô Đồng Tháp Mười, nơi còn nhiều lung, bàu, rừng sản xuất, là môi trường tốt cho cá trú ngụ sinh sôi...
____________
Ở nơi đầu nguồn, người vùng sông nước có những hình thức “đấu thầu” rất lạ: thầu cả trăm hecta trên mặt nước hay thầu hẳn quyền khai thác trên mặt sông. Ở đó hình thành những “sở cá”...
Kỳ tới: “Sở cá” đầu nguồn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận