Phóng to |
Kỳ 1: Du cư mùa nước nổi Kỳ 2: “Sở cá” ở đầu nguồn
Huy hoàng nghề đáy
Mâm cơm dọn ra, nhón đũa gắp cho khách khoanh chân giò heo hầm măng, ông Tư To nói vui: “Về sông ăn thịt đỡ hen”. Anh bạn đi cùng tôi là dân “thổ địa” tiếp lời: “Từ khi xóm đáy mình thôi hoạt động, muốn ăn cá sông, cá đồng phải dặn trước mấy anh hay đi câu ở bến phà Cần Thơ cũ, chớ ra chợ cũng khó tìm quá. Với đà suy giảm này, chắc chỉ vài năm nữa thôi tôm cá tự nhiên biến thành đặc sản cao cấp hết chú Tư hén”. Câu chuyện cá đồng - cá sông, chuyện nghề đóng đáy trở nên rôm rả.
Bà Tư Hài, 71 tuổi, vợ ông Tư To, đang xem bộ phim Hàn Quốc trên đài truyền hình nghe vậy quay sang góp chuyện: “Hồi đó nấu cơm mà không cẩn thận coi chừng ăn cơm với cá lòng tong, lìm kìm. Biết tại sao không? Có người trong xóm này bị mấy lần, bởi lúc quăng gàu dây xuống sông múc nước vo gạo đã múc luôn cá mà hổng hay”.
Ông Tư To nói thêm như một nỗi niềm tâm sự: “Thiệt mà, vợ chồng tui làm nghề đóng đáy trên sông Hậu, ngay phía sau nhà này từ sau giải phóng tới khi có cầu Cần Thơ mới nghỉ. Năm nào cũng vậy, hễ qua mùng 10 tháng 10 âm lịch là cá đi xanh nước, nhiều khi phải mở đụt (túi chứa cá ở cuối đáy) ra xả vì sợ sập giàn đáy. Còn cá linh, lòng tong, tôm tép thì mỗi miệng đáy ngày vô 4-5 tấn, lấy thùng táo đong lúa mà bán chớ không có thời giờ cân ký. Hồi lúa 20.000 đồng một giạ, mỗi táo cá linh đổi một giạ lúa, tính ra thì rẻ bèo nên người ta mới hay ví von “rẻ như cá linh”.
Nghề đóng đáy ở ấp Mỹ Hưng 2 đã ra đời cách nay cả trăm năm. Sau đó, thấy địa thế thuận lợi, những người dân theo nghề cá bên xóm Chài, đối diện bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ rủ nhau sang hợp sức khai thác. Nghề đáy ở Mỹ Hưng 2 nhanh chóng phát triển, những gia đình khá giả, có điều kiện đóng ghe đụt, trang bị máy nổ từ các nơi tới thu mua sản phẩm, chở lên chợ cá Cầu Ông Lãnh (Sài Gòn) giao cho vựa.
Thời hưng thịnh nhất của làng nghề có tới 47 miệng đáy, mỗi miệng đáy bề ngang 10 thước, phân nửa căng từ bờ Vĩnh Long sang phía cồn Ấu (Cần Thơ), phân nửa từ cồn Ấu căng ngược trở qua bờ Vĩnh Long. Lòng sông Hậu ở khoảng giữa hai dây đáy này còn rộng hơn 500m dành cho tàu thuyền lưu thông. Do các miệng đáy phía ngoài luôn trúng cá nhiều gấp năm bảy lần các miệng đáy phía bờ nên hằng năm, vào dịp lễ cầu ngư (10-3 âm lịch), các thành viên trong tổ đáy sẽ bốc thăm chọn vị trí đặt đáy cho mùa khai thác mới.
Một miệng đáy từ vị trí 15 trở ra, trong một mùa (từ tháng 10 tới tháng 5 năm sau) có thể mang lại thu nhập ngang với làm cả trăm công ruộng hoặc nuôi chục đôi trâu. Vì vậy, những gia đình bắt trúng “số đẹp” thể nào cũng mổ bò đãi tiệc cả làng. Đó là những ngày vui nhất của xóm đáy.
Những ngày này, tiếng tù và của ông Tư To lại vang khắp mặt sông. Trong cái vui chung của cả xóm có cái vui riêng của ông Tư To, vì tổ trưởng xóm đáy như ông không cần bốc thăm mà nghiễm nhiên được ưu tiên một vị trí đẹp.
Phóng to |
Tiếng tù và bên bờ sông Hậu
Biết không còn cơ hội trở lại với nghề đóng đáy, nhưng mấy năm rồi ông Tư To vẫn dành riêng một nhà kho để chứa ba miệng đáy cùng những “phụ kiện” đi kèm như đụt, dây điêu (tay vịn miệng đáy), phao, neo... Trên trần nhà ông lại làm cái giá đỡ bằng mấy cọng căm xe đạp để giữ cái tù và, kỷ vật quý nhất của người tổ trưởng xóm đáy.
Mấy chục năm làm nghề đáy là từng ấy thời gian ông gắn bó với cây tù và. Mỗi lần cất đáy là ông thổi. Thổi riết thì quen, rồi “nghiện” tiếng tù và. Bây giờ, phần do nguồn cá cạn kiệt, phần khơi thông luồng lạch cho tàu qua lại dưới chân cầu Cần Thơ, xóm đáy Mỹ Hưng 2 đã không còn nhưng ký ức đẹp về một làng nghề có bề dày lịch sử ngót trăm năm vẫn sống động trong ông...
Những lúc nhớ nghề, nhớ sông nước, ông lại lặng lẽ mang tù và ra chòi canh đáy sau nhà, mé ngoài sông Hậu, đứng day mặt về phía cầu Cần Thơ, đưa tù và lên miệng, chậm rãi thổi ba hồi “tu... tu... tu...”.
Ngày trước, nghe tiếng tù và, đàn bà, con nít đầu trên xóm dưới mau mau bơi xuồng ra dàn đáy nhà ông Tư To để chọn mua những con cá ngon nhất, còn giãy đành đạch như chạch lấu, cá hô, cá bông lau, cá lăng... mang về nấu bữa. Ưng con nào cứ bắt con đó, chủ đáy bán như cho, vì “lộc trời cùng hưởng thì làm ăn mới thuận buồm xuôi gió, “bà cậu” mới độ cho được mùa”, ông Tư To kể.
Đám trẻ trong xóm nhiều khi không mua gì, nghe tiếng tù và cũng nhao nhao chạy ra và thể nào cũng được ông chủ hàng đáy phát cho mấy con tôm, chạch lấu về lùi vô bếp than nướng lên thơm phức. Lái rổi (mua bán cá đường sông) nằm tài chờ tới lượt lên cá ở đầu vàm Tắc Từ Tải, nghe tiếng tù và cũng vội vàng đưa ghe lườn, ghe đụt ra cặp vào giàn đáy. Những con cá sống thì đưa vào rọng nước chở đi chợ xa, cá chết mổ bụng làm khô tại chỗ.
“Tu...tu...tu...” - tiếng tù và của người chủ đáy như một lời mời gọi, kết nối nghĩa tình giờ đã “khản đục, hay đứt quãng vì thiếu hơi, chớ không còn ngân vang, đầy uy lực như xưa” - ông Tư To tự nhận, nhưng ông cũng nói sẽ vẫn cứ thổi mỗi khi nhớ tới nghề đóng đáy và cái thời cá đầy đồng, đầy sông đã qua và đã xa. Rồi bất chợt ông hỏi: “Mà bây giờ người ta có dùng mắt lưới từ 2-3 phân trở lên và chỉ xuống đáy từ đầu tháng 10 để chừa đường sống cho cá con, rộng thời gian cho cá mẹ sinh đẻ... như những làng đáy xưa đã từng làm không vậy?”.
__________________
Cá đồng đang đến hồi tuyệt diệt nếu con người chỉ khai thác mà không làm hồi sinh. Có một tiến sĩ lớn lên từ miệt đìa đã lập kế hoạch tạo những “túi cá” tự nhiên đầy ắp niềm hi vọng trên chốn ruộng đồng.
Kỳ tới: Túi cá của tiến sĩ miệt đìa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận