Diễn đàn kinh tế số - xã hội số do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định tổ chức, thu hút hơn 1.000 đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Kinh tế số là trụ cột chuyển đổi số quốc gia
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết phát triển kinh tế số, xã hội số là trọng tâm chiến lược của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Theo ông Hùng, mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn, xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn và đây là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.
"Chủ đề của diễn đàn đã thể hiện mục tiêu và cách làm của Việt Nam trong chuyển đổi số. Đó là mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số, thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số" - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Trần Tuấn Anh - trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số - xã hội số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia.
Mục tiêu, định hướng và đột phá chiến lược thời gian tới, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
"Phát triển kinh tế số được xác định là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và chúng ta đề ra mục tiêu năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP, tăng lên 30% vào năm 2030, đây là một mục tiêu cao đòi hỏi nỗ lực lớn" - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á
Theo trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP của Việt Nam ngày càng tăng, tỉ trọng kinh tế số tăng từ 11,91% năm 2021 lên mức 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu, công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 đạt 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á.
Năm 2022, có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển.
Điểm sáng trong phát triển xã hội số tại các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023, một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh, có thể kể đến như Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang.
Theo ông Trần Tuấn Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khi số lượng nền tảng số quốc gia chưa được triển khai rộng rãi, nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ I được tổ chức trong cả ngày 14-9, bao gồm phiên toàn thể và ba phiên hội thảo chuyên đề về các vấn đề: Phát triển đổi mới sáng tạo trở thành động lực xây dựng nền kinh tế số; Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế số - xã hội số và Phát triển Công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số - xã hội số toàn dân, toàn diện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận