Và không thể phủ nhận nhờ thành công của Tro tàn rực rỡ, việc gọi vốn và tìm nhà sản xuất cho phim mới này đương nhiên dễ dàng hơn.
Tro tàn rực rỡ với tôi là một phim chữa lành, vì thời điểm sau năm 2012 tôi bị trầm cảm và nghĩ là chẳng thể làm phim nữa.
Sau vài năm, một lần tôi quyết định đi về phương Nam đến vùng đất mà chưa bao giờ tôi đi tới, được bơi trên cánh đồng mùa nước nổi, được ăn cá nướng bờ đê xung quanh nước ngập mênh mông, được nhìn thấy thiên nhiên và con người nhập lại làm một ở một vùng đất mà sự tự nhiên còn được duy trì, và tôi tìm thấy một nguồn năng lượng mới.
Tôi bắt gặp những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư mang tinh thần ấy.
Tôi bắt đầu viết trở lại. Từ khi hoàn thành kịch bản cho đến khi quay phim, đến lúc bộ phim được giải, tôi vẫn không tin là Tro tàn rực rỡ lại có một đời sống như thế.
Bộ phim đã chọn tôi chứ không phải tôi chọn bộ phim.
Với tôi, có lẽ phần khó khăn nhất của một bộ phim là quá trình làm ra nó. Nhất là về chuyện tài chính.
Một bộ phim mà ngay từ đầu đã không định hướng tới thương mại thì càng khó tìm được tiền để làm phim.
Tôi đã viết mà không nghĩ là mình sẽ thực hiện nó như thế nào, tiền đâu để làm? Đó thực sự là một sự điên, một sự lừa mị bản thân. Vì viết là công đoạn nặng nhọc nhất. Nên nếu viết mà không có một sự hứa hẹn nào thì chính xác viết là một sự tự thân, đúng hơn là hành xác.
Tôi vẫn không hiểu điều gì đã dẫn tôi đi, có lẽ do chẳng còn cách nào khác để thoát khỏi cơn trầm cảm hành hạ. Bắt buộc phải thế. Vấn đề quan trọng là phim phải hay thôi.
Khổ mấy mà phim không hay thì cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng làm phim nếu không khổ thì không hay được. Có những thứ buộc phải dấn thân.
Rồi khi kịch bản hoàn thành, bắt đầu quá trình giới thiệu dự án. Hóa ra đây là quá trình nhọc nhằn nhất. Mất tới năm năm để kiếm tiền làm bộ phim, đi qua tới ba chợ dự án quốc tế, xin nhiều quỹ đầu tư... để rồi cuối cùng tôi không tin là mình đã có tiền làm phim.
Nhưng khi đó dịch COVID-19 ập đến. Quay hay không? Phải quay. Rồi cuối cùng bộ phim cũng thành hình.
Khi lên nhận giải ở liên hoan phim tại Đà Lạt, tôi đã nói lời cảm ơn những thấu hiểu. Đó là lời cảm ơn cho những tâm giao. Là diễn viên, họ là những người cống hiến hình ảnh để mọi người hình dung về nhân vật.
Nếu không tâm giao thì họ không làm cho người khác nhớ mãi. Thương diễn viên thì đạo diễn phải làm cho bộ phim tốt nhất, làm cho khán giả nhớ đến phim.
Điều tối thượng của chúng ta là mang tình yêu đến với khán giả, vậy nên hãy làm đến cùng, đừng vì những khó khăn trước mắt mà hạ thấp giá trị nghệ thuật của mình.
Tôi cũng từng là diễn viên và hiểu được cảm giác tối thượng của diễn viên khi dấn thân trong cuộc chơi này là muốn khán giả cảm nhận mạnh mẽ về nhân vật. Chúng ta sẽ xấu hổ khi xem lại phim mà phải nói "giá như".
Sau hơn 10 năm, tôi tin chẳng có hành trình nào giống hành trình nào, nên tôi chẳng thể nào xui khôn xui dại cho các bạn trẻ. Có lẽ quan trọng là bộ phim sẽ chọn bạn, hành trình sẽ chọn bạn và bạn phải đi.
Tôi là một người theo đạo Tin Lành, Kinh thánh có một câu rất hay đã giúp tôi bước đi: Làm việc gì cũng phải hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người. Tôi đã làm phim như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận