10/12/2022 09:57 GMT+7

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Làm phim không khổ không hay được

MI LY thực hiện
MI LY thực hiện

TTO - "Vấn đề quan trọng là phim phải hay. Khổ mấy mà phim không hay thì cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng làm phim nếu không khổ thì không hay được", tác giả phim Tro tàn rực rỡ chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Làm phim không khổ không hay được - Ảnh 1.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (hàng sau) trên phim trường Tro tàn rực rỡ - Ảnh: ĐPCC

* Làm phim từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, anh có tìm nét đồng điệu giữa mình và nhà văn?

- Trước tiên, tôi rất trân trọng một nhà văn có sắc thái riêng, có một giọng văn riêng, sức viết rất tốt, mang lại một cửa sổ thú vị về một vùng đất cực Nam của đất nước, tôi rất trân trọng tài năng đó.

Thứ hai, trong quá trình làm phim, khi tôi chia sẻ những gì mình muốn và hỏi ý kiến của Tư, một chuyên gia của vùng đất Nam Bộ thì đều nhận được những góp ý rất hồn nhiên, đơn giản, nhiệt tình. Tôi rất biết ơn điều đó để có thể làm nên bộ phim.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: 'Tôi cũng không biết ai đốt nhà trong Tro tàn rực rỡ’

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Làm phim không khổ không hay được - Ảnh 3.

Cảnh phim Tro tàn rực rỡ

* Chị Tư xem phim xong có nói gì không, thưa anh?

- Tư không nói gì, điều đó cho thấy Tư rất cẩn trọng và kín đáo ở việc phát ngôn. Việc cô ấy đi 400km từ Cà Mau đến TP.HCM để xem phim xong về ngay cho thấy sự trân trọng lớn đối với đoàn làm phim, điều đó là việc không bàn cãi.

Tôi hiểu và cũng không muốn làm khó bạn ấy vì biết rằng một nhà văn khi viết ra một quyển sách rất khác một đạo diễn tạo ra một bộ phim.

Văn học thì có tính ma thuật trong câu chữ, một chữ gieo ra tạo rất nhiều thứ lung linh, suy tưởng, ngẫm ngợi trong đầu óc của người đọc. Còn điện ảnh thì chằng chịt hình ảnh, có thể thấy diễn viên A, diễn viên B, xong mọi thứ rõ ràng như vậy.

Trailer phim "Tro tàn rực rỡ" - Nguồn: CGV Cinemas Vietnam

* Sau nhiều năm làm phim, anh có còn tìm kiếm những người tâm giao trong nghệ thuật?

- Tất nhiên là có bởi vì điện ảnh là lĩnh vực cần có người tâm giao nhiều nhất, bởi vì tôi buộc phải làm việc với họ, nhạc sĩ, nhà văn, tác gia, nhà báo... Chưa kể họa sĩ, quay phim, thiết kế, những người làm âm thanh... Nó thực sự cần những người tâm giao.

Trong Tro tàn rực rỡ, có họa sĩ thiết kế Nguyễn Văn Thanh. Thanh làm phim bằng tình yêu với dự án, sự hết mình là điều thấy rõ.

Còn diễn viên, họ là những người cống hiến hình ảnh để mọi người hình dung về nhân vật. Nếu không tâm giao thì họ không làm cho người khác nhớ mãi. Có một cảnh diễn viên Quang Tuấn cầm bật lửa và đốt vào tay để diễn tả cảnh nhân vật tự làm mình bị thương.

Tay của Tuấn được bọc bằng một lớp da heo và diễn cảnh đó rất lâu, sau khi không diễn nữa thì diễn viên bị bỏng. Tuấn nhất quyết không rút ra và chịu đau đến khi hết cảnh. Tôi hết sức xúc động khi thấy diễn viên hóa thân như thế.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Làm phim không khổ không hay được - Ảnh 5.

Lê Công Hoàng (bìa trái) trong phim Tro tàn rực rỡ

* Là đạo diễn, anh có giằng xé giữa việc phải làm đến cùng để có cảnh quay tốt và thương diễn viên phải chịu đau?

- Thương diễn viên thì đạo diễn phải làm cho bộ phim tốt nhất, làm cho khán giả nhớ đến phim chứ không phải "quỳ thế này khổ quá, thôi em đừng làm nữa". Diễn viên cũng hiểu điều đó. Thậm chí đạo diễn cho diễn viên quay nhàn hơn thì chính diễn viên cũng ghét mình.

Tối thượng của chúng ta là mang tình yêu đến với khán giả, vậy nên hãy làm đến cùng, đừng vì những khó khăn trước mắt mà hạ thấp giá trị nghệ thuật của mình. Có những buổi tối lạnh lúc 3h sáng, diễn viên Bảo Ngọc phải nhảy xuống nước không chỉ một lần.

Tôi cũng từng là diễn viên và hiểu được cảm giác tối thượng của diễn viên khi dấn thân trong cuộc chơi này là muốn khán giả cảm nhận mạnh mẽ về nhân vật. Chúng ta sẽ xấu hổ khi xem lại phim mà phải nói "giá như".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Làm phim không khổ không hay được - Ảnh 6.

Đoàn làm phim Tro tàn rực rỡ trên sông nước Tây Nam Bộ

* Một đoàn phim khi ra mắt thường kể chuyện làm phim khổ cực, nhưng một khán giả từng nói với tôi rằng: "Khổ cực hay không thì không biết, người xem chỉ cần phim hay".

- Đúng thế. Vấn đề quan trọng là phim phải hay thôi. Khổ mấy mà phim không hay thì cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng làm phim nếu không khổ thì không hay được. Có những thứ buộc phải dấn thân.

Tôi rất vui khi khán giả hỏi là những cảnh quay với lửa là dùng kỹ xảo hay sao. Tôi đã rất tự hào khi nói: "Không, tất cả những cảnh này đều là quay thật hết". Tro tàn rực rỡ động tới những vấn đề khó nhất của sản xuất như quay trên biển, sông nước, cháy nhà nhiều lần. Điều đó tạo sự áp lực lớn cho diễn viên, nhà làm phim, sản xuất và tôi thì có những yêu cầu rất khắt khe.

Ở nhiều nơi khi quay cháy thì họ chỉ đốt một lần và dùng nhiều máy quay. Nhưng tôi thì muốn ngọn lửa không chỉ cháy mà nó còn phải biết diễn, ngọn lửa phải có giá trị phát triển theo ý mình muốn.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Làm phim không khổ không hay được - Ảnh 7.

Cảnh phim Tro tàn rực rỡ

Vì vậy, chúng tôi cứ đốt xong rồi dập bằng nước, chờ khô rồi đốt lại. Một đêm chỉ có thể dàn dựng 3 - 4 lần thôi. Và tôi rất hài lòng các cảnh quay đó.

* Tro tàn rực rỡ là phim mới nhất của anh sau 10 năm, với những dự án mới đang ấp ủ. Đây có phải là giai đoạn sung sức nhất của Bùi Thạc Chuyên?

- Hy vọng thế, hy vọng mọi thứ thuận lợi để năm sau tôi quay phim mới. Đó là một bộ phim tôi rất thích, có tên Địa đạo. Kịch bản được phát triển nhiều năm rồi.

Tro tàn rực rỡ gặp khán giả tri âm

tRO TAN RUC RO

Đoàn phim Tro tàn rực rỡ giao lưu trực tuyến với bạn đọc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, từ trái qua: diễn viên Lê Công Hoàng, diễn viên Hạnh Thúy, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (riêng diễn viên Bảo Ngọc Doling giao lưu từ Úc) - Ảnh: T.T.D.

Qua cầu nối Tuổi Trẻ, đoàn phim Tro tàn rực rỡ có cuộc gặp gỡ trực tuyến với những khán giả tri âm. Khán giả hỏi đoàn phim từ "Rốt cuộc ai đốt nhà?", chất giọng miền Tây, doanh thu, bày tỏ thương cô Nhàn, cô Hậu, cô Loan, anh Dương... đến rưng rưng vì hình ảnh dịu dàng của nước.

Buổi giao lưu trực tuyến giữa đoàn phim Tro tàn rực rỡ và bạn đọc báo Tuổi Trẻ diễn ra tại tòa soạn ở TP.HCM, hôm 9-12. Giữa hàng chục câu hỏi được tới tấp gửi về, tòa soạn chọn ra những câu tiêu biểu, được nhiều bạn đọc quan tâm.

Giữa những lời thắc mắc, chia sẻ, có cả chất vấn đến từ bạn đọc, đoàn làm phim cảm nhận được những nét tri âm. Bạn đọc Tuổi Trẻ đều là những khán giả đã xem rất kỹ bộ phim, họ suy ngẫm về từng tình tiết nhỏ lẫn thông điệp bao trùm và mong đoàn phim giải đáp.

z3945601653861_0d6744bd15765cb75c26e748bcd2dc25

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc gặp nhiều câu hỏi khó. Bạn đọc Trần Trung hỏi thẳng: "90% doanh thu một phim chiếu rạp đến từ khán giả miền Nam. Tại sao chị chọn một đạo diễn miền Bắc?".

Chị Bích Ngọc đồng tình và bổ sung về con số: "Sau dịch COVID-19, thị trường miền Nam đóng góp đến 95% doanh thu phim chiếu rạp". Chị nói thêm: "Nếu nhà sản xuất định hướng mục tiêu quan trọng nhất là doanh thu mà lại chọn đạo diễn miền Bắc thì đúng là có phần "sống trong sợ hãi". Ở góc độ nhà sản xuất, đó là một lựa chọn đầy thử thách.

Với Tro tàn rực rỡ, tôi có cân nhắc về doanh thu nhưng vẫn tôn trọng yếu tố cá nhân của đạo diễn, và tin rằng ngôn ngữ điện ảnh đó sẽ chạm đến khán giả".

Bên cạnh những câu hỏi về tổng thể bộ phim, bạn đọc Tuổi Trẻ dành sự quan tâm đến từng diễn viên như Hạnh Thúy, Lê Công Hoàng, Bảo Ngọc Doling và nhân vật của họ. Nhiều phân cảnh khiến khán giả phải suy ngẫm và cuộc giao lưu trở thành cơ hội để người xem được bóc tách thêm các nhân vật Hậu, Dương, Loan khùng (Phương Anh Đào - vai Nhàn và Quang Tuấn - vai Tam vì có lịch trình riêng không tham gia cuộc giao lưu)...

Trước những câu hỏi thú vị, các diễn viên cũng trả lời thuyết phục về sự sống động của vai Loan, sự "mù đường trong tình yêu", "hơi trẻ con" và đáng thương của Dương, sự "đa tầng, đa nghĩa, chồng chéo đan cài giữa thương - ghét, hồn nhiên - mưu mẹo" trong tính cách và tình yêu của Hậu.

Bạn đọc Trần Khả Ngọc liên hệ hình ảnh của nước trong cảnh cuối của phim Chơi vơi Tro tàn rực rỡ, đều của Bùi Thạc Chuyên.

Đạo diễn chia sẻ: "Tôi thích hình ảnh của nước bởi tính gợi cảm và đa nghĩa. Rất vui khi bạn nhắc đến Chơi vơi, trong bộ phim đó các nhân vật mắc kẹt trong ham muốn và tình cảm của bản thân.

Cảnh ngập nước cuối phim Chơi vơi như là đỉnh điểm của những ham muốn không thỏa mãn. Nhưng nước trong Tro tàn rực rỡ mang một ý nghĩa khác, giống như sự an ủi, bao dung, tình cảm của người phụ nữ không bao giờ cạn, không bao giờ dừng lại".

LÊ GIANG

Giao lưu với đoàn phim Giao lưu với đoàn phim 'Tro tàn rực rỡ': Khi yêu một vùng đất, người ta có cảm xúc để gửi vào phim

TTO - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cùng các diễn viên Hạnh Thúy, Lê Công Hoàng và Juliet Bao Ngoc Doling trong phim "Tro tàn rực rỡ" đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Có gần 100 câu hỏi đã được gửi đến.

MI LY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên