03/10/2018 11:59 GMT+7

Làm tình nguyện phải có trái tim

D.KIM THOA thực hiện
D.KIM THOA thực hiện

TTO - Xà phòng hi vọng, Vải cho cuộc sống và Bánh than cà phê là các chương trình độc đáo: xin xà phòng, vải drap giường, khăn ăn đã sử dụng, bã cà phê tại các khách sạn rồi làm sạch, tái chế thành những sản phẩm, vật dụng hữu ích cho người nghèo.

Làm tình nguyện phải có trái tim - Ảnh 1.

Stefan Phang hướng dẫn trẻ em ở Sa Pa cách làm xà phòng tái chế và giữ gìn vệ sinh - Ảnh: NVCC

Đó là những sáng kiến được Stefan Phang (người Malaysia) điều phối thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bắt đầu từn hững thứ bỏ đi

* Là người nghĩ ra các sáng kiến tái chế xà phòng, vải, bã cà phê, ông có thể nói thêm những ý tưởng đó đã ra đời thế nào?

- Nếu bạn xin tiền của khách sạn hoặc bất cứ ai để tặng người nghèo thì khó, nhưng nếu xin rác thải của khách sạn như xà phòng rửa tay, xà phòng tắm, dầu gội, đồ vải, chai lọ, đồ ăn thừa, bã cà phê thì dễ được chấp nhận hơn.

Tôi nghĩ tới việc tìm cách tái chế chúng thành những thứ hữu ích, tạo sinh kế, bảo vệ môi trường thông qua tái sử dụng rác thải.

Tôi hỏi xin khách sạn những thứ họ bỏ đi này, rồi chỉ dẫn cho người dân các địa phương cách biến những đồ phế thải thành sản phẩm mới có thể hỗ trợ và cải thiện việc chăm sóc vệ sinh của bà con ở những miền xa, vùng cao. Trong quá trình này, một số người đã có sinh kế ổn định.

* Cụ thể ông đã làm như thế nào để những thứ bỏ đi trở thành những món đồ hữu ích?

- Xà phòng hi vọng (Soap For Hope) là một chu trình đơn giản, có thể áp dụng cho mọi cộng đồng, không phụ thuộc chuyện có điện hay không. Với các dụng cụ quen thuộc và đơn giản như dao, thớt, chậu nhựa, vỏ chanh, bưởi, nước giếng sinh hoạt và ít hóa chất, chỉ cần 2-3 phút đã có thể biến các bánh xà phòng qua sử dụng thành những bánh xà phòng mới cho trẻ em và người nghèo.

Tương tự, Vải cho cuộc sống (Linens For Life) giúp tận dụng triệt để các tấm vải trắng từ drap giường, khăn trải bàn, khăn ăn. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ may, tình nguyện viên, chúng được tạo thành túi xách, chăn, drap giường và đặc biệt là đồ dùng trong các trạm y tế, bệnh viện và phát miễn phí cho người nghèo để tái chế thành những đồ cần thiết trong gia đình.

Với Bánh than cà phê (Coffee Briques) cũng vậy, trong khi làm việc với các đối tác là khách sạn và chuỗi cửa hàng thực phẩm, tôi thấy một lượng lớn bã cà phê bị bỏ đi mỗi ngày, rất lãng phí. Tôi thử nghiệm ép những bã cà phê này thành các bánh than củi bằng chiếc máy ép của chương trình Xà phòng hi vọng. Cũng vẫn đơn giản và không cần dùng điện.

Những bánh than cà phê trở thành nguồn nhiên liệu mới sạch, dùng để nấu thức ăn và nướng thịt, thay vì phải chặt cây, giảm bớt rác thải, bảo vệ môi trường.

Đặt trái tim và đam mê vào đó

* Đâu là khó khăn lớn nhất ông đối mặt khi triển khai các chương trình này?

- Một điểm khó khăn lớn nhất ở chỗ những chương trình này về bản chất là việc tình nguyện, vì vậy tôi phụ thuộc vào các nhóm tình nguyện của mình tại quốc gia triển khai và sự sẵn lòng của những khách sạn trong khi tham gia.

Khi người ta không đặt trái tim và đam mê vào đó, người ta không thể làm tình nguyện. Phải thành thực nói rằng những chương trình này chưa bao giờ được ưu tiên cao vì mọi người đều có những trách nhiệm và công việc khác cần phải ưu tiên hơn của họ. Thách thức với tôi là làm sao để khiến mọi người vừa có thể cân bằng các ưu tiên của họ và vừa có thể giúp đỡ những người kém may mắn hơn thông qua các chương trình này.

* Tôi biết trước các dự án Xà phòng hi vọng và Vải cho cuộc sống, ông từng thực hiện một số dự án khác tại Việt Nam, như Mũ bảo hiểm cho trẻ em từ năm 2001?

- Tôi bắt đầu thực hiện chương trình Mũ bảo hiểm cho trẻ em (Helmets For Kids) cho Hãng Johnson & Johnson (công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ) tại Việt Nam từ năm 2001. Đó là những năm ở Việt Nam chưa có luật bắt buộc mọi người phải đội mũ bảo hiểm và mỗi năm đã có nhiều trẻ em thiệt mạng trong các vụ tai nạn xe máy.

Bây giờ những chuyện đó đã thay đổi rất nhiều. Nhưng hồi đó tôi đã rất kinh ngạc khi thấy hầu như những người đi xe máy ở Việt Nam không đội mũ bảo hiểm, nhất là các em nhỏ. Và tôi bắt đầu tìm kiếm các nguồn quỹ hỗ trợ từ công ty mình để thực hiện chương trình Mũ bảo hiểm cho trẻ em tại nhiều trường học ở Hà Nội và sau đó mở rộng ra nhiều trường khác, giúp được nhiều học sinh hơn trên cả nước.

Hãy "giữ lửa" với công tác xã hội

* Ấn tượng của ông sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam là gì?

- Khi tôi lần đầu đến Việt Nam, lúc đó chưa có nhiều khách sạn thương hiệu quốc tế. Giờ thì rất nhiều. Do vậy đây là thời điểm tốt để bắt đầu triển khai các chương trình như Xà phòng hi vọng và Vải cho cuộc sống.

Làm việc ở Việt Nam luôn là điều rất thú vị. Tôi yêu văn hóa, con người, ẩm thực và những ngôi làng.

Chuyến công tác gần đây của tôi tới Sa Pa là một trải nghiệm tuyệt vời, tôi hạnh phúc vì chúng tôi sẽ đưa chương trình Xà phòng hi vọng đến Sa Pa. Dự án tiếp theo của chúng tôi là triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về nạn buôn bán trẻ em tại Sa Pa.

* Thông qua những dự án đã thực hiện tại Việt Nam, ông muốn chia sẻ điều gì với các cộng sự của mình ở đây?

- Các bạn trẻ ở Việt Nam rất có lý tưởng và lạc quan về tương lai. Tôi đã gặp nhiều doanh nhân trẻ cũng rất quan tâm công tác xã hội. Nhiều người trẻ tôi có dịp trò chuyện cũng nói họ muốn làm nhiều hơn nữa (công tác xã hội) nhưng vẫn đang phải làm công việc của họ. Họ cũng sợ khi phải bỏ việc để tham gia các tổ chức phi lợi nhuận hay các tổ chức thiện nguyện.

Thực sự thì không cần phải làm vậy. Nếu có thể duy trì đam mê mạnh mẽ, họ vẫn có thể tạo ra khác biệt ngay tại môi trường làm việc của mình. Họ có thể giúp công ty của mình tạo ra các giá trị chia sẻ cho những cộng đồng nơi họ đang sống và làm việc.

Lời khuyên của tôi với họ là hãy tìm ra đam mê của mình, sau đó hãy "giữ lửa" để đam mê đó mạnh mẽ tới mức họ có thể tiếp tục tạo ra khác biệt.

Stefan Phang sinh năm 1968 tại Penang, Malaysia. Năm 20 tuổi, ông tới Singapore học đại học rồi ở lại đây từ đó tới nay. Ông đã kinh qua công việc tại nhiều cơ quan chính phủ và quốc tế khác nhau (trong đó có Tổ chức Y tế thế giới) và nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ.

Hiện ông là giám đốc toàn cầu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của Công ty hóa chất Diversey có trụ sở tại thành phố Charlotte, bang North Carolina, Mỹ.

Những sản phẩm ý nghĩa với người nghèo

Tại Việt Nam, chương trình Xà phòng hi vọng lần đầu được khởi động ngày 14-8-2015 ở Hà Nội do Diversey và Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) thực hiện.

Đến nay, chương trình đã được mở rộng tới Sa Pa, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, TP.HCM, tái chế 113 tấn xà phòng đã qua sử dụng thành 941.000 bánh xà phòng mới đạt các tiêu chuẩn y tế, cấp miễn phí cho trẻ em và người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình Vải cho cuộc sống cũng đã tái sử dụng hơn 5.000 đồ vải thành drap trải giường, đồ dùng trong y tế, cung cấp miễn phí cho các trạm y tế và bệnh viện ở Sơn La, Khánh Hòa, Bình Định, Yên Bái.

Chương trình Xà phòng hi vọng đã được thực hiện tại 156 thành phố trên thế giới, Vải cho cuộc sống đã được thực hiện ở 14 thành phố.

Bác sĩ Phạm Vũ Thiên (phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số - CCIHP tại Hà Nội):

Một người yêu Việt Nam

e506d685

Stefan là người nhiệt huyết, anh ấy có lửa trong mình và biết cách truyền lửa cho người khác. Không dưới 5-7 lần nghe anh kể câu chuyện Xà phòng hi vọng mà lần nào cũng thấy cảm xúc tràn trề yêu thương, trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ người khó khăn hơn mình.

Đặc biệt là những ý tưởng tuyệt vời về tái chế xà phòng, tạo sinh kế cho người nghèo, giúp người nghèo tiếp cận điều kiện vệ sinh tốt hơn và bảo vệ môi trường.

Một Stefan yêu Việt Nam, anh gắn bó với rất nhiều chương trình làm việc tại Việt Nam. Mỗi lần trở lại anh thường dành thời gian ghé thăm chốn cũ, hoặc dành thời gian ngồi với những người bạn đang cùng làm việc hoặc bạn cũ và những buổi gặp đó thường đầy tiếng cười và kỷ niệm.

Chị Đinh Phương Nga (điều phối chương trình Xà phòng hi vọng và Vải cho cuộc sống tại Việt Nam từ tháng 8-2015):

Tiết kiệm cho bản thân và vì người khác

ffc9cc17

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Stefan 3 năm trước khi bắt đầu hoạt động Xà phòng hi vọng. Xuống khỏi máy bay là Stefan đến gặp nhóm tình nguyện viên ngay để giới thiệu chương trình và hướng dẫn tình nguyện viên làm xà phòng.

Trong các chuyến thực địa đến cộng đồng, Stefan luôn ngồi giữa các học sinh và nói chuyện với các em thay vì vị trí dành cho quan khách.

Anh không thích sự quan cách, rườm rà mà luôn đi thẳng vào trọng tâm công việc để đạt hiệu quả tốt nhất. Stefan giản dị, tiết kiệm cho bản thân nhưng luôn sống vì người khác.

Dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo, tôi tìm được hạnh phúc ở VN Dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo, tôi tìm được hạnh phúc ở VN

TTO - Là kỹ sư phần mềm, Angelo Caccavale đã quyết định đến với Việt Nam để vừa làm việc, vừa điều hành một quỹ phúc lợi hướng đến giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng khó khăn, xây những ngôi nhà cho người nghèo khó.

D.KIM THOA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên