20/05/2011 09:33 GMT+7

Lạm thu thuế

CẦM VĂN KÌNH ghi - NGUYỄN HOÀNG HẢI
CẦM VĂN KÌNH ghi - NGUYỄN HOÀNG HẢI

TT - Hàng vạn nhà đầu tư chứng khoán cho rằng đang bị lạm thu khi họ bị thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân mức 0,1% trên giá bán chứng khoán. Nói là lạm thu bởi theo nguyên tắc của Luật thuế thu nhập cá nhân, chỉ phải nộp khi có thu nhập, với người kinh doanh chứng khoán đó là thu nhập từ việc mua bán chứng khoán.

Thực tế đại đa số nhà đầu tư thua lỗ, ăn vào vốn, không có thu nhập nhưng vẫn phải “miệt mài” nộp thuế.

Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, nhà đầu tư được chọn một trong hai hình thức tính thuế. Với phương pháp nộp theo thuế suất 25% trên chênh lệch giữa giá bán trừ giá mua và chi phí, ngay từ khi xây dựng dự luật thuế, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã nhiều lần bày tỏ không đồng tình. Lý do là nhà đầu tư cá nhân không phải là doanh nghiệp, không có đủ chứng từ, hóa đơn về chi phí nên không thể áp dụng cách tính thuế này. Bên cạnh đó, còn có cổ phiếu chưa niêm yết nên không thể xác định được giá mua bán chính xác để tính thuế.

Thế nhưng phương pháp tính thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán được xem là dễ cả cho cơ quan thuế và người kinh doanh chứng khoán lại dẫn đến hệ quả lỗ cũng phải nộp thuế. Với nhà đầu tư ít mua bán chứng khoán thì số thuế phải nộp không lớn, nhưng với người mua bán hàng ngày thì khoản thuế này không nhỏ. Bất hợp lý càng kéo dài khi thị trường ảm đạm, thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế đã đẩy nhà đầu tư rời sàn chứng khoán, thay vì giữ chân họ lại để tăng thanh khoản cho thị trường.

Với chính sách kiểu gì cũng thu được thuế mà Bộ Tài chính đang áp dụng đối với nhà đầu tư chứng khoán chỉ có lợi trước mắt nhưng lại đang làm cạn kiệt động lực phát triển kinh tế. Chuyện lạm thu, tận thu ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán ảm đạm, nhà đầu tư rời sàn chứng khoán, hậu quả là quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng giậm chân tại chỗ.

Hàng loạt đề án cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn đã phải tạm gác lại vì nhà đầu tư chưa muốn góp vốn. Các công ty cổ phần thay vì có thể huy động vốn thì nay do nhà đầu tư quay lưng, nên không ít đơn vị phải gõ cửa ngân hàng để vay vốn...

Chứng khoán là loại hình đầu tư đặc biệt, giúp tạo vốn đầu tư cho nền kinh tế nhưng hoạt động này cũng khá mạo hiểm với người đầu tư, vì thế rất cần khuyến khích. Tuy nhiên, tại VN không chỉ lỗ cũng bị đánh thuế, việc đánh thuế thu nhập đối với cổ tức cũng khác với cách làm của nhiều nước.

Không ít nhà đầu tư than thở khi họ nhận cổ tức, thị giá cổ phiếu giảm đi tương ứng nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức 5% trên cổ tức thực nhận. Trong khi đó Thái Lan, Indonesia từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực năm 1997-1998 đã không thu thuế chứng khoán nữa. Họ khuyến khích bỏ vốn đầu tư kinh doanh, nên dù không thu được thuế từ chứng khoán nhưng sẽ thu được nhiều khoản khác từ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nếu cứ duy trì cách thu thuế chứng khoán như hiện nay thì VN không cạnh tranh được với Thái Lan và Indonesia về thuế chứng khoán để thu hút nhà đầu tư.

CẦM VĂN KÌNH ghi - NGUYỄN HOÀNG HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên