Chương trình workshop "Sinh viên và kỹ năng tài chính thông minh thời 4.0"
"Tiết kiệm cho tương lai" hay "Ta chỉ sống một lần trong đời" là điều mà rất nhiều bạn trẻ phân vân khi nói về câu chuyện quản lý tài chính cá nhân.
Bí kíp làm sao để cân bằng cả hai đã được nhiều chuyên gia chia sẻ tại chương trình Workshop "Sinh viên và kỹ năng sinh tài chính thông minh thời 4.0", do báo Tuổi Trẻ phối hợp với ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 6-11. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Theo bà Đặng Tuyết Dung - giám đốc Visa Việt Nam và Lào, nhiều bạn sinh viên cho rằng với số tiền rất ít, chi tiêu cho các nhu cầu hằng ngày còn khó khăn, nói chi đến quản lý tài chính hay tiết kiệm.
"Tuy nhiên, khi được trang bị những kiến thức về tài chính, dịch vụ tài chính, kỹ năng quản lý tài chính..., các bạn sẽ rất ngạc nhiên về việc mình có thể quản lý tài chính rất hiệu quả ngay khi còn là sinh viên, chuẩn bị vô cùng tốt cho tương lai" - bà Dung chia sẻ.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), cũng cho rằng sinh viên nên lập kế hoạch ngân sách và chi tiêu của mình thông qua 5 trụ cột: thu, chi, tiết kiệm dự phòng khẩn cấp và đầu tư, quản lý nợ, bảo hiểm và phòng ngừa rủi ro.
Theo ông Phạm Đức Duy - giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank, nhiều ngân hàng khác đã xây dựng những ứng dụng ngân hàng số đa tính năng đóng vai trò như một trợ lý quản lý tài chính cho cá nhân. Trong đó có thể dễ dàng nhìn thấy 5 trụ cột quản lý tài chính cá nhân được số hóa thành các tính năng dễ sử dụng.
"Ví dụ như quản lý thu chi, trước đây chúng ta phải ghi giấy thì nay được thể hiện thành các báo cáo, có thể dễ dàng truy xuất lịch sử giao dịch. Hay như tính năng tích lũy, đầu tư, tiết kiệm..., người dùng hoàn toàn có thể gửi tiết kiệm mỗi ngày chỉ 50.000 đồng chứ không nhất thiết phải chờ đến mấy chục triệu mới mở được sổ như trước" - ông Duy nói.
Ngoài ra, việc truyền thông cũng như trang bị kỹ năng quản lý tài chính cũng vô cùng cần thiết. Theo bà Lê Thị Thúy Sen - vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ, người dùng có thể tự gây ra rủi ro như vô tình cung cấp mã xác thực OTP cho người khác hoặc cho mượn thẻ...
"Hay như khi cần tiền, thay vì có thể sử dụng các thẻ tín dụng cho phép 45 ngày trả mà không tính phí, nhiều bạn sinh viên lại đi vay tín dụng đen" - bà Sen cảnh báo.
Người dùng quan tâm công nghệ thanh toán mới
Theo khảo sát công bố cuối tháng 8-2021 của Visa, thái độ thanh toán của người tiêu dùng đã thể hiện rõ sự quan tâm ngày càng tăng đối với ngân hàng số và các công nghệ thanh toán mới khác, đặt nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Theo đó, có đến 77% số người được khảo sát có biết về ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này do sự tiện lợi, như có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được ưa thích nhất (72%) và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè (67%). Thẻ không số cũng dần được nhận biết bởi 62% người tiêu dùng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận