Người dân huyện Chợ Mới (An Giang) đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp từ nhiều năm nay - Ảnh: Chí Quốc
Ba phiên thảo luận đã diễn ra đồng thời: "Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở" do Bộ NN&PTNT chủ trì; "Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL" do Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì và "Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL" do Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì".
Số hồ chứa (thủy điện) trên sông Mekong - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Giá trị cốt lõi: 4 miệt rõ ràng
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng: ĐBSCL cần phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào giá trị cốt lõi của vùng, đó là phát triển nhưng phải tôn trọng hệ sinh thái.
Theo ông, từ xưa ông bà ta đã chia ĐBSCL ra 4 miệt rõ ràng là miệt bưng (đầm lầy, đất ngập nước), miệt biển (rừng ngập mặn và thủy sản), miệt vườn (trồng cây trái), miệt đồng (trồng lúa) với các sản phẩm chủ lực khác nhau tại mỗi khu vực. Vì vậy, khi quy hoạch phải chú ý các giá trị cốt lõi đó.
Trong 13 tỉnh ĐBSCL, Đồng Tháp là tỉnh bắt đầu có tín hiệu về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo giá trị cốt lõi vùng. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã bắt đầu giảm diện tích lúa thu đông để thử nghiệm không gian trữ lũ và thoát lũ, lấy phù sa.
Tại bốn huyện đầu nguồn đang bắt đầu thiết kế các mô hình chuyển đổi, xác định được 9 mô hình sinh kế thay thế cho lúa vụ ba. Đó là làm hai vụ lúa, một vụ tôm càng xanh, trồng sen và nuôi cá tự nhiên gắn với du lịch... Đồng Tháp định hướng giảm bớt diện tích trồng lúa, chuyển sang rau màu và cây ăn trái.
Ông Jacob Weger, chuyên gia nghiên cứu về quản lý nước và biến đổi khí hậu đang công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu nên kết hợp giữa kiến thức khoa học của chuyên gia cùng khả năng sáng tạo của người dân. Bởi người dân là người trải qua thực tế nên họ có cách làm sáng tạo, đã được rút kinh nghiệm theo thời gian.
Ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chú ý đề xuất của chuyên gia Jacob Weger và xác định: chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sẽ không đi theo hướng tăng sản lượng mà quan tâm nhiều hơn tới môi trường, hiệu quả sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đó là phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Quản lý rủi ro về nguồn nước
Về nguồn nước cho ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng trước những thách thức kép từ khai thác nước của các quốc gia thượng nguồn, từ biến đổi khí hậu, vấn đề quan trọng là phải xem lại, sửa ngay các chủ trương, chính sách cho phù hợp. Từ đó, cùng nhau xây dựng kế hoạch tổng thể, trong đó lấy tài nguyên nước làm trung tâm để đảm bảo quản lý về rủi ro nước cũng như tận dụng khai thác tài nguyên nước.
"Nước đã làm nên đồng bằng này. Nước sẽ tiếp tục quyết định sự sống của đồng bằng. Do vậy sẽ phải dựa trên những yếu tố căn bản đó, dựa trên điều kiện tự nhiên, khả năng cung ứng từ tự nhiên và cách tiếp cận liên vùng, quản lý tài nguyên nước xuyên suốt cả lưu vực sông" - ông Hà nói.
Ông Trần Hồng Hà cũng cho rằng vấn đề tài nguyên nước cần được xem xét tổng thể và theo toàn bộ lưu vực sông. Bên cạnh đó, cần có sự chuyển đổi từ quản lý về đất đai, tập trung định hướng về môi trường, định hướng các ngành
kinh tế.
Giảm diện tích lúa
Tại phiên thảo luận chủ đề "Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL" do Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL - cho rằng các giải pháp để ĐBSCL phát triển thích ứng biến đổi khí hậu cần theo hướng không nên can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, bởi việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần thận trọng, không thể "nhảy mũi" mà đi xạ trị bởi khi nhận ra sai lầm thì... đã rụng tóc.
Theo ông Thiện, lâu nay sản xuất nông nghiệp cứ chạy theo sản lượng. Lúa ba vụ đã làm kiệt quệ và đầu độc đất đai, làm ô nhiễm nguồn nước (bởi phân bón, thuốc trừ sâu...), về lâu dài sẽ đe dọa đời sống của thế hệ mai sau. Ông Thiện đề xuất phải chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, vươn tới thị trường cao hơn và phải tránh làm ô nhiễm nguồn nước, bớt sử dụng nước ngầm.
TS Hoàng Ngọc Phong, nguyên phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - đầu tư, đồng tình: cần phải thay đổi tư duy sản xuất, vừa hướng tới sản xuất có năng suất và giá trị cao vừa đảm bảo an ninh lương thực. Ông đề xuất nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ.
Chuyển sang tôm cá, trái cây
ĐBSCL chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao (hiện quy hoạch vùng ĐBSCL đất chuyên trồng lúa khoảng 1,7 triệu ha) đủ để người dân có thu nhập tốt. Diện tích 500.000ha đất nhiễm mặn có thể trồng lúa mùa đặc sản và một vụ tôm sẽ có giá trị cao hơn. Như vậy tiết kiệm được nước ngọt.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng: người lãnh đạo phải thay đổi tư duy vì nếu tiếp tục tư duy an ninh lương thực thì đất nước này nghèo mãi. Theo ông, nông dân lâu nay "khoái" trồng lúa bởi với tư duy an ninh lương thực, Nhà nước lâu nay đầu tư sẵn hạ tầng cho trồng lúa. Phần lớn nông dân trồng cây ăn quả, nuôi tôm, cá... chỉ là tự phát. Như Thái Lan đã chuyển hàng trăm ngàn hecta lúa sang trồng mía từ nhiều năm nay. Ở ĐBSCL, những khu vực có đê bao trồng ba vụ lúa có thể biến thành khu trồng cây ăn trái.
Bà Anjali Acharya (chuyên gia môi trường của Ngân hàng Thế giới):
Thay đổi phải từ nông nghiệp
Theo quan điểm từ các nhà tài trợ, cần phải chuyển đổi tư duy từ ngắn hạn sang dài hạn. Chúng tôi mong muốn thay đổi từ khía cạnh nông nghiệp. Lấy công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Theo tôi, việc thâm canh lúa 2-3 vụ trước đây đã từng mang lại lợi ích. Tuy nhiên, khi lượng phù sa giảm, tình trạng xâm nhập mặn gia tăng đã làm giảm chất lượng và độ màu của đất, vì vậy cũng cần có thay đổi về cơ cấu cây trồng. Có thể chỉ cần 1-2 vụ lúa kết hợp với các hoạt động nông nghiệp khác.
Trước tác động từ biến đổi khí hậu, từ tác động nguồn nước, từ khai thác nước ngầm gây sụt lún, rất cần phải chuyển đổi sinh kế. Ở những khu vực sụt lún, khu vực bị xâm nhập mặn cần chuyển sang mô hình nông nghiệp và thủy sản, cần có những dự án hồ trữ nước cho cả canh tác lúa, cho cả trồng hoa màu và nuôi thủy sản.
Ông Đào Xuân Học (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT):
Xây hồ chứa, làm điện mặt trời
Chính phủ cần đề ra một quy chế liên quan đến tất cả các khu đô thị phải dành quỹ đất xây dựng hồ. Đó là những hồ sinh thái được hình thành từ một quỹ đất nhất định khoảng 10%/tổng diện tích. Những hồ này sẽ góp phần trữ nước khi có mưa lớn để giải quyết vấn đề úng ngập, cũng có thể sử dụng cấp nước sinh hoạt ở những vùng không có nước mặt, như vậy sẽ giảm khai thác nước ngầm.
Mặt khác, ưu thế của ĐBSCL là năng lượng mặt trời rất lớn. Năng lượng mặt trời ở trên các hồ tĩnh đạt hiệu suất rất cao. Vì vậy, với các hồ sinh thái hoàn toàn có thể sử dụng 50% diện tích mặt hồ để phát triển điện mặt trời. Với đô thị xây dựng dưới 40% quỹ đất, nhà ở không cao hơn 5-6 tầng thì hoàn toàn có thể đủ cấp điện cho khu dân cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận