06/09/2013 05:49 GMT+7

Làm mạnh nội lực bằng ngoại lực

VÕ VĂN THÀNH ghi
VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Tham gia bàn luận về ý kiến “Không đủ nội lực sẽ khó giữ chủ quyền” của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, ông Vũ Mão - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - đề cập vấn đề chuyển hóa ngoại lực thành sức mạnh bên trong.

kPWzS7k5.jpgPhóng to
Ảnh: Việt Dũng

Đánh thức nội lực thành sức mạnh dân tộcKhông đủ nội lực, sẽ khó giữ chủ quyền

Theo tôi, trong điều kiện một nước có điểm xuất phát thấp và đi sau thiên hạ ở nhiều lĩnh vực, nhất là đi sau với một khoảng cách khá xa nếu so với các nước phát triển, muốn phát huy nội lực để hiện đại hóa đất nước chúng ta cần biết dựa vào ngoại lực, sử dụng ngoại lực để làm mạnh nội lực.

Một trong những tư tưởng của nhà yêu nước Phan Bội Châu mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đó là khi phát huy nội lực để tự cường đất nước không có nghĩa là chúng ta đóng kín cửa, không có nghĩa là quay mặt với xu hướng vận động của thế giới văn minh. Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu và các cộng sự khởi xướng vào đầu thế kỷ 20 kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, là minh chứng cho tư tưởng đó.

"Những bàn luận sôi nổi xung quanh chủ đề phát huy nội lực trên báo Tuổi Trẻ dẫn dắt người đọc vào một thế giới suy tư. Việc mở ra những không gian bàn luận như thế này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay"

Vũ Mão (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội)

Các học giả quốc tế đã đúc kết rằng sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản và các con rồng, con hổ ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore... đều bắt nguồn từ một yếu tố quan trọng là tiếp thu nền văn minh phương Tây. Họ tiếp thu rất sớm và có chiến lược quốc gia để chuyển hóa ngoại lực thành nội lực, tích lũy các nguồn lực trong nước dần thay thế ngoại lực. Nhìn vào quá trình phát triển của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia..., chúng ta cũng thấy rằng ngoại lực nói chung mà cụ thể là đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Việt Nam chắc chắn không là ngoại lệ, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang đóng góp tích cực (chiếm khoảng 23,3% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2012) vào tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là lâu nay hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực trong nước chưa cao và vốn đầu tư từ các nước phát triển vào Việt Nam còn khiêm tốn. Nếu muốn tận dụng ngoại lực tốt hơn trong việc cải thiện và nâng cao nội lực, còn rất nhiều điểm nghẽn cần phải khơi thông, và đừng quên thế giới đã đúc kết rằng “không có bữa ăn nào miễn phí”.

Hiện nay Đảng ta đang tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, cả cho trước mắt và lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Như vậy vấn đề phát hiện, đào tạo, sử dụng người hiền tài ở cấp lãnh đạo là một vấn đề có tính thời sự cao. Đặc biệt là vai trò dẫn dắt, khơi dậy sức mạnh dân tộc của những người ở vị trí cao nhất. Lịch sử đã chứng minh rằng thời nào có minh quân thì đất nước hưng thịnh, thời nào hỗn quân hỗn quan thì vận nước suy vong.

Người dân đang đặt câu hỏi vì sao một số cán bộ giàu nhanh, giàu một cách bất thường như vậy? Câu hỏi này cho thấy rõ ràng chúng ta chưa làm tốt công tác công khai, minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức. Kê khai và công khai thu nhập, tài sản là để phòng chống tham nhũng, để bộ máy trong sạch hơn, tại sao phải ngập ngừng là công khai đến đâu, công khai chỉ ở cơ quan hay công khai đến tận khu dân cư?

Bùi Thị Minh Châu (sinh viên cao học ngành quản lý phát triển Ruhr-University Bochum, CHLB Đức):

Nội lực bắt đầu từ mỗi công dân

YhLWeYAZ.jpg
Bùi Thị Minh Châu - Ảnh: CTV
Sống và học tập ở Đức được hơn một năm, tôi cứ tự hỏi điều gì đã làm nên đất nước có nền kinh tế hùng mạnh này? Nội lực của nước Đức nằm ở đâu? Nằm ở một hệ thống tổ chức xã hội rất bài bản, chặt chẽ? Nằm ở chiến lược phát triển hài hòa và bền vững của những nhà lãnh đạo đất nước tài ba và có tầm nhìn? Hay nằm ở nền khoa học công nghệ phát triển bậc nhất thế giới?

Có lẽ tất cả đều đúng nhưng chưa đủ. Theo tôi, nội lực của nước Đức trước hết bắt đầu từ những người dân Đức bình thường nhất. Đó là những người tận tụy và nghiêm túc trong công việc, là những người rất tôn trọng giá trị của thời gian và nổi tiếng đúng giờ, là những người sống tiết kiệm và chừng mực dù không phải họ thiếu tiền (là đất nước hiện đại với trình độ khoa học kỹ thuật phát triển rất cao, ở Đức một số nơi người ta vẫn dùng những chiếc tivi hay thang máy từ thập niên 1970-1980, đơn giản vì còn xài tốt). Đó còn là những người tôn trọng pháp luật và là những người tràn đầy tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc.

Nhiều người trong chúng ta vẫn có thói quen suy nghĩ nội lực dân tộc, nguồn nhân lực... là những vấn đề gì đó vĩ mô, to tát, là chuyện của những nhà lãnh đạo, những nhà trí thức lớn... Tóm lại là không phải chuyện của mình. Một số người lại có suy nghĩ mình có quan tâm cũng không làm được gì, không thay đổi được gì, mình quá bé nhỏ trong một xã hội rộng lớn, một đất nước với 91 triệu con người. Nhưng thực tế nội lực dân tộc bắt đầu từ mỗi cá nhân, từ những chuyện rất bình thường trong đời sống.

Mỗi người trong chúng ta không thể tự mình thay đổi cả đất nước, dân tộc. Điều chúng ta có thể làm là thay đổi chính bản thân mình. Mahatma Gandhi từng nói: “Be the change you want to see in the world” (tạm dịch là: Chính bạn hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc sống). Mỗi người trong chúng ta là một mắt xích quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước, dân tộc. Nội lực của Việt Nam không nằm ở đâu xa, nội lực của đất nước đang ở trong bạn, trong tôi. Và nói như bà Nguyễn Thị Bình, chúng ta chỉ có thể giữ vững độc lập, chủ quyền nếu nội lực của đất nước đủ mạnh.

VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên