29/11/2018 20:09 GMT+7

Làm gì khi con 'có vấn đề' với thầy cô?

ĐỒNG LỘC
ĐỒNG LỘC

TTO - Các bậc cha mẹ hẳn rất buồn bực khi thấy mỗi lần con đi học về lại nước mắt ngắn dài than thở: 'Cô/thầy ghét con, hay phạt con'.

Làm gì khi con có vấn đề với thầy cô? - Ảnh 1.

Ở nhiều nước, phạt học sinh bằng đòn roi vẫn còn phổ biến - Ảnh cắt từ clip

Không chỉ các phụ huynh ở Việt Nam, mà phụ huynh ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng có thể lâm vào tình cảnh trên. Lúc đó, họ thường làm gì?

Phần lớn sẽ làm mọi điều để bảo vệ con mình - theo bản năng của người làm cha mẹ. Nhưng đây không phải cách ứng xử đúng.

Việc chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân đã hấp tấp đi tìm giáo viên chất vấn với lời lẽ gay gắt chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề, không tạo ra được sự thông hiểu và hợp tác giữa phụ huynh - giáo viên trong việc giáo dục trẻ.

Vậy khi con 'có vấn đề' với thầy cô, cha mẹ nên làm gì? Theo hướng dẫn của Hội Phụ huynh và giáo viên Hoa Kỳ, trước hết cha mẹ cần tìm hiểu sự việc để có nhận định khách quan và trấn an con trẻ.

Đôi khi con bạn cảm thấy bị giáo viên bỏ rơi bởi nó cãi nhau với bạn cùng lớp, hoặc bị bạn học ức hiếp mà thầy/cô không đứng ra phân xử cho công bằng, cũng chẳng hỏi han an ủi gì.

Cũng có khi thầy cô đặt câu hỏi cho cả lớp và con bạn rất muốn trả lởi nhưng chẳng bao giờ được gọi, thế là nó cho rằng thầy cô ghét bỏ nó. Trường hợp này rất phổ biến vào những năm học đầu đời của những đứa trẻ có tâm lý nhạy cảm.

Nhưng tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi giáo viên lăng mạ trẻ trước các bạn đồng học, hoặc phạt roi, bắt quỳ gối, tát vào mặt...

Do vậy, cha mẹ hãy quan tâm chú ý đến tâm trạng của con em mình sau khi ở trường về. Thường sau khi bị phạt hay bị bạn bè ức hiếp, các em có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không nói cười tự nhiên, biếng ăn. Nhiều trẻ khóc lén sau khi lên giường vào buổi tối.

Làm gì khi con có vấn đề với thầy cô? - Ảnh 2.

Hãy quan tâm, hỏi han để biết con gặp vấn đề gì ở trường - Ảnh: Shutterstock

Cha mẹ hãy tìm cách "khai thác" khéo léo để con thổ lộ sự việc. Hãy kiên nhẫn, đừng thúc ép các em khi chúng chưa muốn nói. Chú ý các biểu hiện khi chúng muốn nói chuyện với bố mẹ.

Một số biểu hiện thường thấy: con cứ lượn lờ quanh bố mẹ khi họ đang làm việc nhà, tìm cách nán lại bên bố mẹ thay vì đi ngủ sau khi xem xong chương trình truyền hình chúng yêu thích... Có đứa lại cắm cúi viết, vẽ, chơi nhạc như một cách giải tỏa tâm lý ẩn ức.

Bạn hãy hỏi con kỹ càng xem thầy cô đã nói gì với nó: "Thật sự là thầy/cô đã nói gì với con? Có chuyện gì xảy ra trong lớp lúc thầy/cô nói với con như thế?".

Ở độ tuổi mới học lớp 1, đôi khi con bạn không biết chọn từ hay cách diễn đạt chính xác về điều đã xảy ra. Có thể con bạn dùng từ có phần phóng đại, chẳng hạn "đối xử xấu" ý để chỉ rằng thầy cô bắt nó phải làm những gì trái ý muốn của nó, như bắt làm bài kiểm tra chẳng hạn.

Cũng có thể do giáo viên đó có tính hơi cộc, lời ăn tiếng nói không được dịu dàng cho lắm nên trẻ cho là thầy/cô không ưa mình.

Hãy nói với con rằng bạn đã nhớ rõ những gì con kể lại và bạn sẽ gặp giáo viên để trao đổi về việc tại sao nó lại có cảm giác như thế. ĐỪNG nói với con rằng bạn sẽ gặp giáo viên để hỏi cho ra lẽ tại sao thầy cô lại đối xử như thế với nó.

Giải thích với con để nó hiểu rằng bố mẹ, giáo viên và nhà trường sẽ cùng hợp lực để tạo điều kiện tốt nhất cho nó yên tâm học hành, rằng bố mẹ luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của con, song không phải cứ bênh con chằm chặp bất kể phải trái.

Điều cốt yếu ở đây là trước tiên bạn phải giải quyết ổn thỏa tâm trạng bất an của con mình. Bạn chỉ nghe con mình mà chưa gặp trực tiếp giáo viên thì không thể nắm bắt thấu đáo mọi việc.

Nếu con bạn cho rằng thầy, cô "đặc biệt chú ý" tới nó, thì hãy khuyên con gặp thầy cô sau buổi học và trình bày việc nó bị gọi lên bảng như thế là nhiều quá.

Thật ra, cũng lắm khi các giáo viên không nhận biết được tâm trạng của học sinh do thiếu tinh tế, hoặc do sĩ số học sinh trong lớp đông quá nên không thể bao quát hết, cứ thường xuyên gọi tên một số em quen thuộc nhất.

Sau khi đã tìm hiểu cặn kẽ sự việc về phía con mình và giải tỏa tâm lý cho trẻ, bước tiếp theo là phụ huynh phải tìm gặp trực tiếp giáo viên để trao đổi.

Có một số bố mẹ rất nghiêm khắc, ít gần gũi con và lại thường hay mắng, phạt con khi chúng phạm lỗi ở trường càng làm cho trẻ thêm sợ hãi. Do đó, trẻ tìm cách giấu giếm, không dám nói cho bố mẹ biết rằng mình bị thầy, cô đánh đòn ở trường dù có khi chuyện đó là do cách xử sự không đúng mực của giáo viên. Việc này càng cho trẻ bị ức chế hơn vì không ai giải tỏa tâm lý cho chúng.

* Kỳ tới: 'Đối thoại' với thầy cô, dễ hay khó?

Vụ cô phạt học sinh 231 cái tát: Hãy dạy trẻ phản biện Vụ cô phạt học sinh 231 cái tát: Hãy dạy trẻ phản biện

TTO - Giáo viên phạt học sinh bằng 231 cái tát là quá tàn nhẫn. Nhưng còn học sinh, các em cần được học những kỹ năng gì để không bị bạo hành trong trường học?

ĐỒNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên