19/11/2015 10:12 GMT+7

Dùng chung bàn chải đánh răng với người yêu có sao không?

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Sáng nay 19-11, tại tòa soạn Tuổi Trẻ, Giáo sư Hoàng Tử Hùng và Phó giáo sư Phạm Huy Hùng đã có buổi giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc của bạn đọc về cách chăm sóc răng miệng và dưỡng sinh đúng cách.

Ông Lê Thế Chữ (bìa trái) - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - tặng hoa cho khách mời: GS Hoàng Tử Hùng (bìa phải) và PGS Phạm Huy Hùng - Ảnh: Tự Trung

GS Hoàng Tử Hùng - chuyên gia đầu ngành Răng Hàm Mặt.

Phó GS Phạm Huy Hùng - trưởng bộ môn dưỡng sinh khoa y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược TP.HCM - giải đáp.

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Tôi thường xuyên bị chảy máu chân răng, sáng dậy nước bọt có máu khi ít khi nhiều và viêm nếu.Tôi vệ sinh răng miệng cẩn thận ngủ dậy ngậm muối súc miệng ăn sáng xong đánh răng, ăn trưa xong súc listerine, ăn tối xong đánh răng. Xin hỏi tôi cần làm thêm gì nữa. Cám ơn nha sĩ̉ rất nhiều (tran canh tam, 66 tuổi, trancanhtam1950@)

GS Hoàng Tử Hùng. Ảnh: Tự Trung 

- GS Hoàng Tử Hùng: Theo những gì ông nói có thể ông bị bệnh nha chu. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lung lay và mất răng, hôi miệng. Ông nên đến nha sĩ để được khám và điều trị. Những việc ông đã làm hằng ngày nói chung là tốt, nhưng việc ngậm muối trong miệng là không cần thiết và có thể có hại. Chào và chúc ông sức khỏe!

* Xin bác sĩ cho biết những nguyên nhân gây nên hiện tượng đau buốt răng?(MinZu, 29 tuổi, minzu@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào bạn, ê buốt răng có nhiều nguyên nhân, là tình trạng thường gặp nhiều người, nhiều lứa tuổi và nhiều răng.

Một răng bị ê khi ngà răng bị lộ, ống ngà mở thông và có kích thích. Ngà bị lộ thường do mòn men răng; ống ngà mở thông thường do các chất có tính axit (ví dụ: các loại nước đóng chai, một số loại trái cây và nước trái cây ...); kích thích thường là lạnh, cọ xát (khi đánh răng, ăn thức ăn cứng và xơ). Bạn có thể dùng các loại kem đánh răng chống ê buốt để khắc phục.

* Yoga có phải là một dạng dưỡng sinh không thưa bác sĩ? (Hoài Ân, Gia Lai)

 

- PGS Phạm Huy Hùng: Chào bạn Hoài Ân, dưỡng sinh được định nghĩa là một phương pháp tự mình luyện tập về tinh thần và thể chất nhằm đạt được bốn mục đích:

 

- Nâng cao sức khỏe

 

- Phòng bệnh

 

- Góp phần và từng bước chữa bệnh mạn tính

 

- Tiến tới sống lâu, sống vui, sống có ích

 

Còn Yoga mà đa số chúng ta biết thông qua báo chí, phim ảnh, các phòng tập hiện nay, đó là Hatha Yoga, còn gọi là Yoga thể dục. Việc tập luyện Hatha Yoga nhằm giúp con người có sức khỏe dẻo dai. Do đó, có thể nói, Yoga là một phần quan trọng của dưỡng sinh.

 

* Răng tôi bị vàng, có cách nào làm trắng răng mà không bị hại răng không? Xin cảm ơn (Phan hung cuong, 50 tuổi, Hungcuong8928@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào ông, ở tuổi 50, răng bị vàng thường do chất màu ngấm vào ngà răng do men răng đã bị mòn. Có thể làm trắng được một cách an toàn bằng các phương pháp tây trắng tại phòng mạch hoặc tại nhà. Chúc ông tẩy trắng được như ý!

* Cho tôi hỏi là dùng bàn chải đánh răng chung với người yêu thì có sao không? Đằng nào cũng hôn nhau cả ngày rồi mà (Khải Nhung)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào bạn, lúc bí quá thì cũng có thể dùng vì môi trường miệng của hai bạn đã có sự giao tiếp thường xuyên. Tuy vậy việc này không nên, ngay cả khi đã thành vợ chồng thì mỗi người một  bàn chải vẫn hơn. Không ai kiểm soát được hoàn toàn miệng người kia phải không bạn? Thân ái!

* Con gái tôi sinh năm 2003, do răng cháu mọc chèn nhau ở hàm dưới, hàm trên thì hai răng cửa hơi chìa ra trước làm cho miệng hơi bị hô và tôi cũng có ý định đi Nha Khoa chỉnh răng cho cháu nhưng không biết tuổi của cháu đã làm được chưa? (Đào Hữu Trình, 48 tuổi, daohuutrinh1969@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào bạn, con gái bạn năm nay 12 tuổi. Ở tuổi này, thường bộ răng vĩnh viễn đã mọc gần đầy đủ (chỉ còn 4 răng khôn có thể sẽ mọc lúc 18 đến 20 tuổi). Như vậy cháu có thể được điều trị chỉnh hình.

* Thưa Bác sĩ, tôi làm việc văn phòng. Cách đây 2 năm tôi có điều trị bệnh thiểu năng tuần hoàn não, thiếu máu cơ tim, suy nhược cơ thể, rối loạn tiền đình, viêm dạ dày có vi khuẩn HP. Bác sĩ tư vấn cho tôi nên tập dưỡng sinh như thế nào để giữ gìn sức khỏe. Xin cám ơn Bác sĩ. (VŨ THỊ HỒNG HẠNH, 54 tuổi, honghanh1912@)

Phó giáo sư Phạm Huy Hùng. Ảnh: Tự Trung 

- PGS. Phạm Huy Hùng: Chào chị Hạnh,

Qua lời kể của chị, chị có nhiều bệnh cụ thể như thiếu máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình, viêm dạ dày có vi khuẩn HP. Do đó, cách điều trị cũng phải do một chuyên khoa cụ thể như chị đang điều trị.

Về phần dưỡng sinh, ở tuổi 54, chúng ta bắt đầu có dấu hiệu lão hóa càng ngày càng rõ hơn ở tất cả các cơ quan trong cơ thể từ mạch máu đến tim, não, hệ thần kinh... Theo các nghiên cứu mấy chục năm nay, nguyên nhân trực tiếp gây lão hóa là do tăng, tích tụ gốc tự do trong cơ thể (Nobel Y học 1954, Harman). Các yếu tố làm gia tăng gốc tự do gồm có: ô nhiễm (không khí, nước, thức ăn,...), thiếu oxy tế bào, lối sống thiếu kiểm soát (dinh dưỡng thái quá hoặc thiếu chất vi lượng như vitamin, chất khoáng..., căng thẳng thần kinh (stress), thiếu vận động, ngủ không đủ giấc.

Vì thế, trong phép dưỡng sinh, chúng ta phải chú ý vào những nội dung chính sau đây để hạn chế sự gia tăng gốc tự do, bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ điều trị và phòng bệnh:

- Bài luyện thở, khí công để cung cấp đủ oxy cho toàn cơ thể

- Bài luyện thư giãn để bảo vệ thần kinh trung ương, chống stress, giữ cho tinh thần được bình tĩnh

- Một số bài tập Yoga chọn lọc, phù hợp với người bệnh, người có tuổi để khí huyết lưu thông toàn thân

- Chú ý dinh dưỡng khoa học, nghĩa là đảm bảo đủ năng lượng (không dư, không thiếu), đủ chất vi lượng (sinh tố, khoáng tố). Đặc biệt chú ý đến rau quả, củ, đậu... vì ngoài các chất vi lượng ra còn chứa rất nhiều các chất chống gốc tự do.

- Ngoài ra, cần có thái độ tinh thần lạc quan khoa học, dựa trên nhân sinh quan, vũ trụ quan khoa học.

Vậy, trong trường hợp của chị, về phần dưỡng sinh, chị cần tập bài kỹ năng hô hấp như thở bốn thời quân bình thần kinh, có kê mông và giơ chân của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, bài thư giãn và một số động tác Yoga ở tư thế nằm như bài ưỡn cổ, tam giác, vặn cột sống...

Chị nên chú ý duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, củ đậu.

Chúc chị luôn dồi dào sức khỏe.

* Tập thể dục dưỡng sinh vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất, thời gian tập bao nhiêu phút? (Hoàng Vĩnh Chấn, 64 tuổi, hchautp@)

- PGS Phạm Huy Hùng: Chào anh Chấn, thường thì tập thể dục dưỡng sinh vào buổi sáng là tốt nhất vì sau một đêm ngủ, khí huyết lưu thông chậm rãi. Do đó, khi thức dậy, chúng ta dành thời gian tập để các chức năng tuần hoàn hô hấp, cơ xương khớp, bài tiết được khởi động. Cũng cần chú ý đến thời điểm có ánh sáng mặt trời khi tập ở công viên vì trong đêm, cây cối tỏa nhiều khí CO2. Ngoài ra, vẫn có thể tập vào buổi chiều để tăng cường thể lực vì cơ thể vào thời điểm đó khá linh hoạt, có thể tập để duy trì, nâng sức mạnh, độ bền, độ dẻo. Thời gian tập trung bình mỗi lần là 30-60 phút. Mỗi ngày có thể tập 1-2 lần.

* Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh tiểu đường. Đọc sách thì thấy bệnh này cần tập thể thao mỗi ngày 30 phút nhưng nên tập nhẹ nhàng. Vậy với người bệnh tiểu đường, dưỡng sinh có tốt không? Nên tập luyện như thế nào? (Hồng Hà, TP.HCM)

 

- PGS Phạm Huy Hùng: Người bệnh tiểu đường được khuyên tập thể lực nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày. Do đó, tập dưỡng sinh là phù hợp nhất. Các bài tập dưỡng sinh như luyện hô hấp, luyện cơ xương khớp, luyện thư giãn, bài gậy dưỡng sinh, thái cực quyền, Yoga chọn lọc, phù hợp với bệnh... đều có tính chất nhẹ nhàng, chậm rãi, có hít thở sâu và tập trung tinh thần. Từ đó, sẽ giúp cho các cơ quan nội tạng được nuôi dưỡng tốt, phục hồi các chức năng như: não bộ, nội tiết, tiêu hóa, thận... Chúc bạn sức khỏe.

 

* Con năm nay 24 tuổi, hiện tại hàm dưới của con bị mất một chiếc răng nhai kế răng cùng do đó con chỉ nhai được một bên. Con có nghe nói nếu không lắp răng mới lại thì một thời gian sau, chiếc răng của hàm trên ở cùng vị trí đó sẽ bị tuột nướu. Điều này là đúng hay sai? Nếu đúng tại sao lại như vậy ạ! (Nguyễn Quốc Khương, 24 tuổi, anhchangteen_888@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào em, khi mất một răng, nhất là răng hàm, răng đối diện thường bị trồi lên, vì vậy có thể  ảnh hưởng đến toàn thể bộ răng. Em nên đi khám để được đưa ra phương án điều trị tốt nhất! 

* Con gái tôi năm nay 6 tuổi cháu đang thời kỳ thay răng, nhưng răng cháu mọc không đều (thẳng hàng). Vậy làm sao để khắc phục những chiếc răng này cho mọc đều (đang mọc nhú lên và có thể sẽ không thẳng hàng? (Do Thanh Tung, 40 tuổi, tungngabach@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào bạn, thời kỳ từ 5-6 tuổi đến 10-11 tuổi là thời kỳ rất "sôi động" của bộ răng, bé bắt đầu mọc những răng vĩnh viễn đầu tiên (các răng hàm lớn) và thay thế các răng sữa. Các răng sữa đầu tiên được thay là 2 răng cửa giữa hàm dưới, các răng này (cũng như các răng cửa trên sẽ được thay thế) khi mới mọc thường chưa được sắp xếp đúng vị trí. Dần dần, chúng sẽ tự điều chỉnh. Tôi nghĩ bé gái 6 tuổi của bạn là ở trường hợp này. Bạn nên kiên nhẫn chờ đợi!

* Xin hỏi BS Phạm Huy Hùng, Gần đây mọi người rất quan tâm đến sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ nội tại bên trong tác động đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, cách hít thở đúng cách sẽ giúp khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái và phòng các bệnh. Vậy hít thở như thế nào là đúng cách? (Lam Xuân, 38 tuổi, lamxuan123@)

Các bác sĩ đang trả lời bạn đọc. Ảnh: Tự Trung 

 

- PGS Phạm Huy Hùng: Chào bạn, bạn đặt vấn đề rất đúng. Kỹ năng hô hấp ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực bảo vệ sức khỏe như dinh dưỡng, tâm thần, tuần hoàn, cơ xương khớp. Kỹ năng hô hấp có rất nhiều loại, nhiều cách thức nhưng có những điểm chung sau đây:

- Thở sâu: giúp hấp thu oxy từ nhiều đến tối đa; đồng thời thúc đẩy tuần hoàn lưu thông mạnh mẽ toàn thân

- Giúp tinh thần ổn định: vì khi tập trung vào hô hấp, 10-15 hoặc 100 hơi thở thì các trung tâm thần kinh cảm xúc khác sẽ bị ức chế.

Vì vậy, thở theo phương pháp nào cũng có hiệu quả như vậy. Tuy nhiên, tùy theo phương pháp, cách thức thở mà lượng oxy hấp thu và sự ảnh hưởng đến hệ thần kinh sẽ khác nhau.

Cách thở dễ dàng, đơn giản nhất là thở hai thời đều nhau, êm, chậm, sâu như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã áp dụng.

Cách thở khó hơn là có thêm thời giữ hơi, gọi là cách thở ba thời. Thời giữ hơi giúp cho sự hấp thu oxy và thải CO2 hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, phải chú ý đến kỹ thuật mở thanh quản bằng cách giữ nguyên lồng ngực trong thời giữ hơi (không hạ xuống). Nếu không có thể xảy ra hiện tượng nín thở, nén hơi gây nguy hiểm vì sẽ gây ứ máu ngoại biên (tăng áp lực tuần hoàn não).

Hoặc có cách thở bốn thời quân bình thần kinh. Đồng thời cũng thúc đẩy khí huyết lưu thông. Bốn thời gồm: hít vào tối đa (4 giây), giữ hơi (4 giây, áp dụng kỹ thuật mở thanh quản, giữ nguyên lồng ngực), thở ra tự nhiên (4 giây), nghỉ, thư giãn (4 giây). Mỗi lần thở ít nhất 10 lần. 

* Tình trạng răng miệng của em hoàn toàn tốt, không sâu, không có vôi răng, em không bị bệnh gì vì em mới đi kiểm tra về nhưng em thấy phần lợi quanh chân răng càng ngày càng tụt để lộ chân răng ngày càng nhiều, mặc dù em đã sử dụng bàn chải lông mềm, và chải răng theo phương pháp xoay tròn. Thưa bác sĩ có cách nào khắc phục và hạn chế tình trạng tụt lợi chân răng không ạ. (Trần Nhật Hùng, 28 tuổi, binhminh_159@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào bạn Hùng, theo quy luật, tuổi càng cao thì lợi (nướu) càng có xu hướng trụt, nếu bạn vừa đi kiểm tra và không phát hiện gì về bệnh răng miệng thì có lẽ không có gì đáng lo. Tuy vậy, không ai có thể đọc được cơ thể của mình bằng chính mình. Nếu bạn thấy tình trạng trụt lợi diễn ra bất thường thì cần xem lại: thứ nhất là cách đánh răng, đổi từ xoay tròn sang chải từ lợi về phía thân răng (sẽ mất thì giờ hơn); thứ hai là kiểm tra lại một lần nữa về nha chu vì không sâu không vôi răng không có nghĩa là không có vấn đề về nha chu.

* Thưa bác sĩ, cho cháu hỏi một ngày nên đánh răng bao nhiêu lần và vào khoảng thời gian nào ạ? Việc dùng chỉ nha khoa hay nước súc miệng có cần thiết không?(Trang Dang, 22 tuổi, trangdang@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Bạn nên đánh răng sau mỗi bữa ăn (chú ý sau khi dùng thực phẩm có tính axit, nên trì hoãn việc đánh răng sau 30 phút). Như vậy, thường cần đánh răng 3 lần/ngày. Thói quen của rất nhiều người là buổi sáng dậy đánh răng rồi mới ăn sáng, việc này cần thay đổi; đồng thời tập thói quen đánh răng sau bữa ăn tối. Dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng giúp làm sạch những vùng mà chải răng không làm sạch được. Bạn cũng nhớ làm sạch lưỡi tối thiểu mỗi ngày một lần lúc đánh răng. 

* Tôi còn trẻ, 35 tuổi. Vậy tôi có tập dưỡng sinh được không? (Trung An, Bến Lức, Đồng Nai)

- PGS Phạm Huy Hùng: Chào bạn Trung An, ở tuổi của bạn, tập dưỡng sinh là rất tốt và rất cần thiết. Việc tập dưỡng sinh sẽ giúp bạn bình tĩnh về tinh thần, ổn định về cảm xúc, sức khỏe được duy trì, kéo dài sự trẻ trung. Nếu bắt đầu tập từ bây giờ, bạn sẽ có được thói quen rất tốt, sớm hơn những người bắt đầu tập khi đã có tuổi.  

Tuy nhiên, lưu ý là ở tuổi của bạn, thời gian tập nên duy trì trên dưới 30 phút là tốt nhất. Càng lớn tuổi, thời gian tập luyện càng tăng lên.

* Tôi mất nhiều răng hàm dưới và một răng hàm trên, răng mất mới nhất cũng gần hai năm. Nay tôi muốn phục hình răng, xin bác sĩ tư vấn tôi nên theo phương pháp nào? Đến đâu để điều trị? (VŨ THỊ HỒNG HẠNH, 54 tuổi, honghanh1912@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào bà, bà nên sớm đến một cơ sở răng hàm mặt để được khám và điều trị. Hiện nay có nhiều phương pháp phục hình răng, bác sĩ sẽ cùng bà lựa chọn phương án tối ưu.

* Khi nào nên bắt đầu tập dưỡng sinh, dưỡng khí thưa bác sĩ? (Minh Trung, TP.HCM)

 

- PGS Phạm Huy Hùng: Chào bạn Minh Trung, tuổi nào tập dưỡng sinh cũng có lợi. Ví dụ các trẻ em tiểu học rất cần tập những bài về cột sống để chống gù lưng, tập bài về mắt để chống cận thị. Một vài động tác có thể áp dụng như ưỡn cổ, ưỡn lưng, tam giác, xoa mắt. Riêng động tác cái cày, trồng chuối sẽ giúp não được nuôi dưỡng tốt. 

 

Đối với lứa tuổi sinh viên, thanh niên, việc tập dưỡng sinh sẽ giúp các bạn làm chủ được cảm xúc, tăng trí nhớ, biết tập trung tinh thần để học tập, làm việc... Đối với người trung niên thì dưỡng sinh giúp phục hồi, duy trì sức khỏe, độ bền về thể chất lẫn tinh thần, kiểm soát stress. Đối với người cao tuổi, dưỡng sinh góp phần phục hồi sức khỏe, giữ gìn sự trẻ trung, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh mạn tính không lây.

* Giáo sư cho con hỏi, tại sao nước bọt của con có mùi hôi? Hệ bài tiết của con bình thường, con cũng chăm đánh răng, ăn uống điều độ, nướu của con không được tốt, dễ bị tróc khỏi răng. Giáo sư có thể cho con cách khắc phục? (Nhi, 26 tuổi, hoangnamnhi@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Chào em, nước bọt có mùi hôi và hôi miệng nói chung có nhiều nguyên nhân: ở miệng, ở vùng họng, ở đường hô hấp, ở đường tiêu hóa, các bệnh toàn thân như đái tháo đường, suy thận...Trường hợp của em có lẽ do bệnh nha chu. Em nên đến bác sĩ nha khoa để được khám và điều trị. Em cũng cần tự chăm sóc bằng việc chải răng thường xuyên và đúng cách. Chúc em khắc phục được tình trạng hiện tại!

* Con gái em 4 tuổi bị hàm răng trên men răng ăn mòn gần sát nướu. Em phải làm gì và có ảnh hưởng gì đến sau này bé thay răng không? (diep huynh thao vy, jenniferloan85@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Bé gái 4 tuổi mà răng bị mòn gần sát nướu như bạn mô tả thì cần được điều trị, bạn nên đưa cháu đến một cơ sở nha khoa trẻ em vì tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bộ răng vĩnh viễn sau này.

* Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh tiểu đường. Đọc sách thì thấy bệnh này cần tập thể thao mỗi ngày 30 phút nhưng nên tập nhẹ nhàng. Vậy với người bệnh tiểu đường, dưỡng sinh có tốt không? Nên tập luyện như thế nào? (Hồng Hà, TP.HCM)

- PGS Phạm Huy Hùng: Người bệnh tiểu đường được khuyên tập thể lực nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày. Do đó, tập dưỡng sinh là phù hợp nhất. Các bài tập dưỡng sinh như luyện hô hấp, luyện cơ xương khớp, luyện thư giãn, bài gậy dưỡng sinh, thái cực quyền, Yoga chọn lọc, phù hợp với bệnh... đều có tính chất nhẹ nhàng, chậm rãi, có hít thở sâu và tập trung tinh thần. Từ đó, sẽ giúp cho các cơ quan nội tạng được nuôi dưỡng tốt, phục hồi các chức năng như: não bộ, nội tiết, tiêu hóa, thận... Chúc bạn sức khỏe.

* Tôi là một người làm công sở, lúc trước vào giờ nghỉ trưa tôi thường đánh răng với nước không sử dụng kem, nhưng hiện nay tôi chỉ nhai keo chewinggum thay vì chải răng, xin hỏi bác sĩ việc nhai kẹo vào bữa trưa vậy có tốt cho răng miệng sau khi ăn không?(Đông Hải, 29 tuổi, vietdonghaipham@)

- GS Hoàng Tử Hùng: Bạn làm công sở thì tốt nhất là chải răng với kem đánh răng sau bữa trưa, việc này nên là thói quen mà cũng không quá phiền toái. Trước đây bạn chải răng không kem, "lui về" nhai chewinggum, mong là bạn đừng "lui thêm" bước nữa, mà hãy "đi bước nữa". Chúc bạn vui vẻ! 

Chương trình giao lưu đã kết thúc, do thời gian có hạn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, chúng tôi sẽ chuyển đến các bác sĩ giải đáp tiếp tục cho bạn đọc trong thời gian sớm nhất. TTO xin cám ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi. 

 

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên