19/01/2006 17:06 GMT+7

Một số bệnh răng miệng phổ biến nhất

T.LÊ ghi (Theo báo cáo của BS Quỳnh Minh - Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội)
T.LÊ ghi (Theo báo cáo của BS Quỳnh Minh - Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội)

TTO - Báo cáo về sức khoẻ răng miệng toàn cầu của FDI tháng 5-2005 cho thấy 60-90% học sinh và hầu hết người lớn ở những nước công nghiệp bị ảnh hưởng bởi các bệnh về răng miệng.

J5N2Qs0y.jpgPhóng to

Sâu răng

Bệnh sâu răng cùng với bệnh quanh vùng răng là những bệnh phổ biến nhất của ngành Nha khoa và hiện đang có chiều hướng tăng cao ở nước ta do thay đổi trong lối sống, thói quen sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống có quá nhiều đường.

Bệnh sâu răng chính là sự tiêu huỷ tổ chức cứng của răng (bao gồm men răng và ngà răng), tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng mà nguyên nhân chính là do vi khuẩn. Những yếu tố quan trọng gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường trong thức ăn và thời gian để vi khuẩn và đường tồn tại trong miệng.

Nhận biết: thông thường khó nhận biết vì khi các lỗ sâu răng xuất hiện thì bệnh đã tiến triển được một thời gian dài, đang bước sang giai đoạn trầm trọng.

Nếu không điều trị thì tuỷ răng sẽ chết và có thể phát sinh những biến chứng như viêm quanh cuống răng, viêm xương, viêm hạch...

Nha chu

Nha chu còn gọi là bệnh quanh răng bao gồm viêm lợi, viêm quanh răng, hư quanh răng và teo vùng quanh răng, trong đó, viêm lợi và viêm răng là hai chứng bệnh quan trọng nhất.

Khi mắc bệnh viêm lợi, lợi của người bệnh trở nên sưng, đỏ, dễ cháy máu, đặc biệt là khi đánh răng. Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ trở thành mãn tính và chuyển thành viêm vành răng. Nếu không điều trị đúng mức thì xương và dây chằng quanh răng cũng bị tiêu huỷ dần và có thể dẫn đến gãy răng.

Nguyên nhân của những chứng răng miệng nói trên là do mọi người ít quan tâm đến việc chăm sóc răng miệng. Người VN vẫn còn có những thói quen gây ảnh hưởng xấu đến răng miệng khác như trẻ em mút ngón tay, cắn móng tay, chống cằm, ăn quà vặt thường xuyên, người lớn không đi khám răng định kỳ (chỉ khi phát hiện sâu răng hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng mới tìm đến nha sĩ), hút thuốc lá, ăn uống thức ăn chứa nhiều chất ngọt, đánh răng không đúng cách...

Để sức khoẻ răng miệng của người dân tốt hơn cần thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng, giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ từ lúc mới sinh, khám định kỳ 6 tháng một lần hoặc ít nhất 1 năm một lần...

T.LÊ ghi (Theo báo cáo của BS Quỳnh Minh - Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên