18/03/2022 09:45 GMT+7

Làm gì để giải bài toán thiếu hụt lao động?

A LỘC ghi
A LỘC ghi

TTO - Doanh nghiệp "khát" lao động để khôi phục và mở rộng sản xuất. Giải cơn khát nhân công bằng cách nào để tuyển được người và giữ chân người lao động lâu dài?

Làm gì để giải bài toán thiếu hụt lao động? - Ảnh 1.

Công ty TNHH Elite Long Thành, Đồng Nai về Gia Lai tuyển dụng lao động với nhiều ưu đãi - Ảnh: HIỀN VĂN

Hỗ trợ 6 tháng nhà trọ, về tận quê tuyển người, cam kết các khoản thưởng… vẫn chưa đủ để doanh nghiệp tìm được người.

Tăng đãi ngộ với lao động phổ thông

Chị Văn Thị Hiền - chuyên viên tuyển dụng Công ty TNHH Elite Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai - cho biết để tuyển dụng 1.500 - 2.000 công nhân may lấp đầy các chuyền sản xuất, công ty đã đưa ra mức lương, chế độ đãi ngộ "khủng" với mức thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng cùng nhiều gói tiện ích hấp dẫn.

Ngoài mức lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/tháng, người đến tham gia tuyển dụng sẽ được lì xì 50.000 đồng khi vào phỏng vấn, tặng 500.000 đồng sau thời gian thử việc, tặng tiếp 500.000 đồng ngay khi ký hợp đồng, phụ cấp chuyên cần 300.000 đồng/tháng… 

Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ tiền hội nhập trong 6 tháng đầu làm việc (4 triệu đồng), hỗ trợ xe đưa đón từ tỉnh lên, hỗ trợ tìm phòng trọ và tiền nhà trọ trong tháng đầu tiên. Chị Hiền khẳng định với các lao động có tay nghề và chịu khó tăng ca thì mỗi tháng có thể thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng...

Mới đây, công ty đã tổ chức đoàn đến Gia Lai, Đồng Tháp để tuyển lao động. Công ty cố gắng quảng bá từ sau tết đến nay, tuyển dụng được khoảng 500 lao động, vẫn còn thiếu 1.500 - 2.000 công nhân may mặc để lấp đầy các chuyền sản xuất. Tuy nhiên, chị Hiền cho rằng đây là một cách để quảng bá và chờ đợi "hái quả" sau.

Chính sách tốt cho lâu dài

Ông Lê Nhật Trường - chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam, huyện Trảng Bom, Đồng Nai - cho biết việc giữ chân lao động phải làm đồng bộ, đến toàn thể người lao động chứ không chỉ một bộ phận nào đó. Chính sách lương thưởng thay đổi phù hợp với người lao động để tránh tình trạng thấy doanh nghiệp khác có lương thưởng tốt hơn, lao động có thể "nhảy việc".

Tại Công ty Pousung những năm qua vẫn luôn duy trì tiền lương 17 bậc, tăng lương định kỳ hằng năm. Ngoài ra, công ty còn thưởng tiền năng suất căn cứ vào sản lượng đạt được.

"Tăng tiền năng suất là tiền ngoài lương, những doanh nghiệp dám đột phá, dám ghi nhận công lao của người lao động thì mới có thể chi khoản tiền này. Đây là một trong những giải pháp giữ chân người lao động lâu dài hơn" - ông Trường nhận định.

Thay đổi công nghệ, mô hình sản xuất

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - cho rằng khó khăn của nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai hiện nay là vấn đề thiếu lao động, từ đó ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất trong bối cảnh các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sản xuất. Cần tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm, nỗ lực kết nối, giúp các doanh nghiệp bố trí đủ lao động, đáp ứng các dây chuyền sản xuất.

Mặt khác, doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với tình huống thiếu hụt lao động của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Hiện nguồn nhân công không còn dồi dào như xưa nay. Do vậy, doanh nghiệp phải có kế hoạch thay đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình và phát triển theo hướng bán tự động. Qua đó, làm sao sử dụng lao động một cách hiệu quả và tốt nhất, không thâm dụng lao động như lâu nay.

"Đỏ mắt" tìm người

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong quý 1-2022, toàn tỉnh cần tuyển dụng hơn 40.000 lao động (riêng tháng 3 cần 15.000 - 17.000 lao động), đa số là lao động phổ thông.

Chị Nguyễn Thị Minh - phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) - cho hay ngay sau tết, doanh nghiệp cần tuyển hơn 1.000 lao động. Đủ mọi cách, kể cả nhờ nhiều hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực, đến nay doanh nghiệp vẫn rất thiếu người. Nhiều công ty ở TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu… cũng cần tuyển dụng hàng ngàn lao động phổ thông.

Hỗ trợ tiền nhà trọ trong 6 tháng, cam kết các khoản thưởng tết, hỗ trợ ăn sáng… Thế nhưng, các doanh nghiệp này chỉ tuyển được "nhỏ giọt" với vài chục người mỗi ngày.

Công nhân mắc COVID-19 tăng cao, giải bài toán thiếu hụt lao động thế nào? Công nhân mắc COVID-19 tăng cao, giải bài toán thiếu hụt lao động thế nào?

TTO - Liên tục tuyển người mới, F1 không có nguy cơ cao vẫn đi làm bình thường, luân chuyển người từ tổ này sang tổ khác… là những giải pháp được doanh nghiệp áp dụng trong bối cảnh ca mắc COVID-19 là công nhân tăng cao.

A LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên