Thời gian gần đây, với sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, xã hội quá coi trọng đồng tiền, cộng thêm bất động sản có giá trị lớn nên các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản ngày càng tăng. Điều đáng nói là những tranh chấp tài sản liên quan đến vấn đề thừa kế, phân chia tài sản giữa bố mẹ và con cái, anh, em ruột thịt với nhau có chiều hướng gia tăng lên.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tranh chấp tài sản giữa bố mẹ và con cái là do bố mẹ và con cái chưa có sự rõ ràng, rạch ròi trong việc phân chia, thừa kế, tặng cho tài sản.
Ở nước ta từ xưa đến nay, trong quan hệ gia đình mọi người sống với nhau dựa trên cơ sở tình cảm, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, nhường nhịn nhau. Những người có nhường cho người còn thiếu, người giàu chia sẻ, nhường cho người nghèo.
Do đó, nhiều gia đình không chú trọng đến việc phân chia, rạch ròi tài sản giữa bố mẹ và các con, cũng như để lại di chúc trước khi chết để làm cơ sở phân chia di sản thừa kế sau này, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp di sản do bố mẹ để lại sau khi chết, do anh chị em không thống nhất được việc phân chia di sản. Bên cạnh đó, còn có tình trạng khi một trong hai người bố hoặc mẹ chết trước, và các con tranh chấp tài sản đối với người còn sống để đòi chia di sản thừa kế của người đã chết... vì không có di chúc, thỏa thuận từ trước.
Có trường hợp các con tập hợp lại để đuổi bố, mẹ đường nhằm chia thừa kế tài sản người đã chết để lại. Đây là một hiện tượng tiêu cực của xã hội, nếu không có biện pháp phòng ngừa, hạn chế kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người liên quan và gây nguy hại cho xã hội.
Ở các nước có nền pháp lý phát triển, vấn đề thừa kế, tặng cho tài sản giữa những người thân trong gia đình, dòng họ được thực hiện rất tốt, khá rạch ròi, minh bạch.
Thông thường bất cứ ai có tài sản đều có thỏa thuận phân chia tài sản hoặc có sẵn di chúc phân chia di sản thừa kế cho người thân trước khi chết. Vì thế đã hạn chế, phòng ngừa rất nhiều các tranh chấp có thể xảy ra trong trường hợp con cái, anh em, họ hàng có sự tranh chấp di sản do người thân để lại.
Như trên đã đề cập, ở nước ta nhiều người chưa chú trọng lắm đến vấn đề phân chia hoặc để di chúc khi còn sống nên thường xảy ra tranh chấp, tranh giành tài sản, khi người có tài sản chết. Việc để xảy ra tranh chấp, tranh giành di sản thừa kế sẽ gây tác hại tiêu cực cho những người liên quan và tác động tiêu cực đến cả xã hội.
Đó là khi xảy ra tranh chấp tài sản thì tình cảm giữa bố mẹ và con cái, giữa anh em ruột thịt, họ hàng sẽ bị sứt mẻ, đánh mất, thậm chí nhiều trường hợp còn gây nên thù hận hoặc dẫn đến gây thương tích, chết người.
Ngoài ra, các vụ việc tranh chấp tài sản phát sinh nhiều sẽ gây mất ổn định tình hình trật tự xã hội. Khi đó cơ quan chức năng phải tốn nhiều công sức, thời gian để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, nhất là giải quyết hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trong các vụ tranh chấp di sản thừa kế...
Theo tôi, biện pháp cấp bách, hiệu quả nhất hiện nay nhằm ngăn chặn tranh chấp di sản thừa kế là phải tuyên truyền, phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân biết về những ưu điểm của sự phân chia, thỏa thuận về tài sản giữa bố mẹ và con cái, nhất là bố mẹ cần để lại di chúc trước khi chết.
Việc bố mẹ để lại di chúc hoặc tặng cho tài sản các con cái khi đang còn sống có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng những người thân trong gia đình tranh giành tài sản, tranh chấp với nhau dẫn đến “nồi da, xáo thịt”, gây đổ máu đáng tiếc có thể xảy ra về sau.
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận