Đúng 10h ngày 9-10, đoàn xe đưa hơn 2.000 người dân Lâm Đồng đã rời TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 9-10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với UBND các tỉnh thành liên quan ở khu vực phía Nam cùng Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đón hơn 2.000 người dân về địa phương theo nguyện vọng.
Đây là đợt đón dân đầu tiên nằm trong kế hoạch đón 3.130 người dân đang sinh sống tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh phía Nam. Dự kiến đợt đón dân thứ 2 sẽ được tổ chức vào ngày 11-10. Đối với đợt đón dân lần thứ 2, người dân Lâm Đồng đang sinh sống tại Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được đón về.
Hai em Bích Trâm (7 tuổi) và Tuấn Khoa (12 tuổi) cho biết rất vui khi sắp được về nhà ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hãng xe Phương Trang bố trí gần 200 chiếc xe giường nằm máy lạnh mới nhất trong đội xe của hãng để đón người dân. Xe của hãng sẽ có mặt tại các tỉnh để đón người dân thuộc danh sách đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Riêng các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, người dân di chuyển đến bến xe Miền Đông (TP.HCM) để đón cùng với công dân đang sinh sống tại đây.
Từ điểm tập kết tại TP.HCM và các tỉnh, người dân sẽ được chở về thẳng các huyện. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ phân loại người dân dựa trên các yếu tố dịch tễ để có phương án cách ly tại nhà hoặc tập trung, cũng như thời gian cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế mới đây.
Các nhóm công dân ưu tiên đón về địa phương lần này gồm: người cao tuổi (đủ 60 tuổi trở lên); trẻ em dưới 16 tuổi và học sinh đang theo học phổ thông; người khuyết tật; người đang điều trị, khám chữa bệnh; phụ nữ mang thai (từ 6 tháng trở lên); người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (do địa phương rà soát, đề xuất).
Từ điểm tập kết tại TP.HCM và các tỉnh, người dân sẽ được chở về thẳng các huyện - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tỉnh Lâm Đồng đã từng lên kế hoạch đón người dân về lại địa phương để ổn định cuộc sống trong giai đoạn TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn tiến dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, việc đón dân phải tạm hoãn đến nay mới có thể nối lại do nhiều yếu tố khách quan.
Trong giai đoạn tạm hoãn đón dân từ vùng dịch, UBND tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ người dân kinh phí để phần nào ổn định sinh hoạt trong vùng dịch thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM. Cùng với Công ty xe khách Phương Trang và những người Đà Lạt hảo tâm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chuyển 6.000 tấn nông sản hỗ trợ người dân TP.HCM, các tỉnh phía Nam cùng người dân Lâm Đồng đang sống trong vùng dịch.
Chị Thùy Vân (có bầu 6 tháng) và con trai Minh Phúc (4 tuổi) về Đà Lạt sau nhiều tháng xa nhà, chị được công ty cho làm việc từ xa và nghỉ thai sản sau khi sinh con tại quê nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tính đến thời điểm này, riêng lĩnh vực hỗ trợ vận chuyển, Công ty Phương Trang đã sử dụng hơn 700 xe từ 16-45 chỗ để tổ chức thành công hơn 40.000 chuyến xe an toàn. Trong đó, hơn 13.000 chuyến xe đưa đón đội ngũ y bác sĩ đi làm hằng ngày, 15.000 chuyến xe vận chuyển F0 tại các quận, huyện, 11.000 chuyến xe cấp cứu chở bệnh nhân F0 và bệnh nhân hết bệnh về nhà, 500 chuyến xe phối hợp với Thành đoàn phục vụ 175 đợt đưa đón 80 đoàn y, bác sĩ, tình nguyện viên của các tỉnh thành đến hỗ trợ TP.HCM, 1.600 chuyến xe vận chuyển hơn 35.000 người dân về quê…
Một em bé được lên chuyến xe miễn phí về lại Lâm Đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Đào Viết Ánh - phó tổng giám đốc Công ty xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines - cho biết: "Từ đầu tháng 10-2021, nhận thấy nhu cầu về quê ổn định cuộc sống của người dân còn rất lớn, Tập đoàn Phương Trang đã chủ động, tự nguyện đề xuất với UBND TP.HCM và các tỉnh, thành tiếp tục hành trình đưa đón người dân về quê miễn phí. Bằng kinh nghiệm hoạt động thiện nguyện trong vùng dịch nhiều tháng qua, hãng xe không chỉ đưa đón mà còn hỗ trợ người dân tự bảo vệ mình trong suốt hành trình về quê để vừa an toàn cho bản thân, vừa an toàn cho cộng đồng".
Một cụ bà được lực lượng an ninh hỗ trợ đưa ra điểm tập kết - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 7-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các bộ trưởng, trưởng cơ quan ngang bộ về vấn đề đưa đón người dân về quê.
Theo Thủ tướng, việc người dân di chuyển về quê là nhu cầu chính đáng nhưng nếu không tổ chức tốt việc đưa đón, để người dân tự đi sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan. Do đó, để thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch, đảm bảo để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện chỉ đạo trước đó. Các tỉnh chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh, thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn.
Đối với những người vẫn muốn về quê, cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến. Trước khi Thủ tướng có công điện, từ ngày 3-10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các địa phương lên phương án đón người dân quay về. Từ kế hoạch này, UBND tỉnh sẽ có kế hoạch tổng thể để vừa đón dân vừa chống dịch an toàn.
Những người dân không có bảo hộ y tế được ban tổ chức hỗ trợ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đội xe gần 200 chiếc của FUTA Bus Lines sẵn sàng đón dân về - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người dân có con nhỏ lên đường về quê Lâm Đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người cha quyến luyến nhìn con không nỡ xa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người mẹ đưa con mới sinh về quê Lâm Đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận