27/08/2015 15:15 GMT+7

Làm cộng tác viên Tuổi Trẻ vui lắm!

 LƯ THẾ NHÃ
LƯ THẾ NHÃ

TTO - ​Với tôi, những tin, bài, ảnh cộng tác được đăng trên Tuổi Trẻ luôn là niềm vui lớn, cảm xúc tuyệt vời.

Tác giả Lư Thế Nhã (trái) hồi hộp dự đoán giải thưởng mình sẽ nhận. Kết quả, anh và tác giả Cao Thị Thu Hà (giữa) đồng đoạt giải nhì. Tác giả Hoàng Ninh (phải) đoạt giải ba - Ảnh: Thanh Đạm
Tác giả Lư Thế Nhã (trái) tại lễ trao giải cuộc thi Người phụ nữ trong tôi - Ảnh: Thanh Đạm

Bài Xã khuyến học của tôi đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 6-5-2007 viết về Hội Khuyến học xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre vận động được nguồn vốn cho sinh viên nghèo mượn tiền đi học đã đem lại hiệu quả bất ngờ.

Khi bài báo được đưa lên Tuổi Trẻ Online (TTO), Hội Cựu sinh viên Đại học Đà Lạt ở Hoa Kỳ đọc được đã gởi về 4.000 USD tiếp vốn cho Hội Khuyến học Hương Mỹ và tiếp tục gởi mỗi năm 4.000 USD  trong sáu năm tiếp theo đó.

Những năm sau nữa thì hội này chuyển tiền về cho sinh viên nghèo mượn tiền mua latop đi học.

Một niềm vui lớn với tôi là bài báo Mất việc việc vì mượn khai sinh đi học (Tuổi Trẻ ngày 19-7-2011) đã thay đổi số phận một con người.

Đó là câu chuyện anh Võ Thành Lập đang công tác tại cơ quan báo Đồng Khởi, Bến Tre bị mất việc do tên của anh trong chứng minh nhân dân và văn bằng đại học không giống nhau.

Nguyên nhân lúc đến tuổi đi học, gia đình chưa làm giấy khai sinh, cha mẹ anh mượn khai sinh của người em bạn dì đi học và các văn bằng đều ghi theo tên mượn này, khác với tên trong giấy chứng minh nhân dân của anh. Anh đã đến các cơ quan chức năng ở tỉnh xin điều chỉnh nhưng không được.

Sau khi báo đăng, lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre lúc bấy giờ đã chỉ đạo các ngành chức năng ở tỉnh giải quyết cho anh Lập sử dụng khai sinh Võ Văn Điền (tên họ thật của anh).

Mọi việc được thuận lợi, các văn bằng tốt nghiệp cũng được chỉnh sửa trùng khớp với tên thật và anh Điền đã được báo Đồng Khởi nhận vào làm việc trở lại.       

Ấn tượng nhất mà lòng tôi không quên là: Tôi bán được ảnh báo chí cho Hãng tin AFP thông qua TTO.

Đó là lúc bão Durian (bão số 9) sau nhiều lần đổi hướng bất ngờ đổ bộ vào Bến Tre (ngày 5-12-2006).

Khi bão đến, cây cối xung quanh nhà tôi ngã đổ, cột điện cũng cụp xuống, nhà tôi mất điện, điện thoại bàn không liên lạc được. 

Điện thoại di động reo lên, tôi nghe tiếng một cô gái nói: "Em ở TTO. Ở Bến Tre bão tàn phá dữ không anh?". Tôi trả lời: "Thấy sợ lắm!". Cô ấy nói: "Anh Nhã mặc áo mưa, đội mũ bảo hiểm đi chụp ngay cảnh tàn phá của bão gởi về TTO nhanh giúp em nghe". 

Biết TTO cần, tôi liền lấy máy ảnh, lên xe chạy đi chụp cảnh cây cổ thụ ngã đổ trên đường phố, cảnh tôn lợp nhà, gió bão thổi bay tứ tung, vắt vẻo trên dây điện cao thế. Rồi tôi ra ngoại ô, đi về phía huyện Giồng Trôm, chụp nhiều căn nhà cây lá bị gió bão thổi tan tác, những vườn dừa ngã rạp. 

Những hình ảnh đó khó khăn lắm tôi mới chuyển được đến TTO vì cả tỉnh Bến Tre ngày đó đều mất điện lưới quốc gia. May sao ở bưu điện tỉnh có máy phát điện, tôi chuyển nhanh được các hình ảnh bão Durian tàn phá ở Bến Tre về tòa soạn TTO.

21g đêm hôm đó, cô biên tập viên TTO điện báo tin vui cho tôi: "Anh Nhã ơi, ảnh bão của anh được Hãng tin AFP mua ba tấm".

Tôi mừng muốn nhảy tưng lên nhưng không phải vì số tiền bán được ảnh mà là thành công của mình, những hình ảnh về tàn phá của bão sẽ được phát nhanh ra thế giới. Quê hương xứ dừa tan tác sẽ được nhiều người biết đến. Nhiều tấm lòng từ thiện “lá lành đùm lá rách” sẽ đến với người dân Bến Tre trong đau thương mất mát, chiếu đất, màn trời.

Dấu ấn kỷ niệm của tôi với báo Tuổi Trẻ còn nhiều, nhiều lắm, những dấu ấn ấy luôn nhắc tôi: Tuổi Trẻ vẫn luôn là bạn đồng hành thân thiết với tôi trên mọi nẻo đường tác nghiệp.                                  

LƯ THẾ NHÃ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên